📞

Sơn La nỗ lực xây dựng tuyến biên giới tiêu biểu cho tình đoàn kết hữu nghị Việt-Lào

Huyền Trâm 15:00 | 29/11/2021
Baoquocte.vn. Với tuyến biên giới quốc gia trải dài 274,065km, tiếp giáp với hai tỉnh Houaphanh và Luang Prabang của Lào, tỉnh Sơn La đã thiết lập cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với phía bạn để bảo vệ an ninh biên giới, cũng như phòng chống tội phạm, dịch bệnh.
Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La trao tặng vật tư y tế hỗ trợ Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an tỉnh Hủa Phăn, Lào. (Nguồn: Biên Phòng)

Là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở phía Tây Bắc của đất nước, Sơn La có diện tích 14.109,83km2 chiếm 4,27% tổng diện tích Việt Nam, đứng thứ 3 trong số 63 tỉnh, thành phố.

Phía Bắc Sơn La giáp các tỉnh Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu; phía Đông giáp tỉnh Phú Thọ và Hòa Bình; phía Tây giáp với tỉnh Điện Biên; phía Nam giáp với Thanh Hóa và tỉnh Houaphanh (Lào); phía Tây Nam giáp với tỉnh Luang Prabang (Lào).

Khu vực biên giới trên địa bản tỉnh gồm 17 xã, với 308 bản (trong đó có 73 bản tiếp giáp biên giới), thuộc 6 huyện Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu và Vân Hồ.

Đường biên giới quốc gia qua tỉnh Sơn La dài 274,065 km, tiếp giáp với hai tỉnh của Lào với 125 cột mốc quốc giới, 11 cọc dấu (trong đó tuyến biên giới giáp với tỉnh Luang Prabang có chiều dài 32,023 km; tuyến biên giới giáp với tỉnh Houaphanh có chiều dài 242,042 km).

Trên địa bàn tỉnh có 1 cửa khẩu quốc tế Lóng Sập (huyện Mộc Châu) và 1 cửa khẩu chính Chiềng Khương (huyện Sông Mã), và 2 cửa khẩu phụ bao gồm Nậm Lạnh (huyện Sốp Cộp), Nà Cài (huyện Yên Châu).

Ngoài ra, tỉnh còn có 7 lối mở biên giới, tuy nhiên các lối mở biên giới này không thực hiện hoạt động xuất khẩu hàng hóa.

Phối hợp chặt chẽ với Lào

Trong những năm qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các ngành, đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp với lực lượng chuyên trách của tỉnh Houaphanh và tỉnh Luang Prabang của Lào nhằm duy trì thực hiện tốt công tác tuần tra bảo vệ đường biên giới, cột mốc biên giới quốc gia và các công trình biên giới khác theo Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ hai nước.

Cùng với đó, hai bên còn thường xuyên tuyên truyền về Hiệp định quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu biên giới đất liền Việt Nam-Lào, và mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước cho quần chúng nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong giữ gìn, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Đến nay, 7 cặp bản hai bên biên giới giữa tỉnh Sơn La và tỉnh Houaphanh của Lào đã tổ chức ký kết kết nghĩa bản - bản.

Nhờ đó, hệ thống đường biên giới, mốc quốc giới trên địa bàn tỉnh ổn định nguyên trạng, không phát hiện các biểu hiện làm thay đổi đường biên giới quốc gia, mốc quốc giới và các công trình quốc phòng - an ninh ở khu vực biên giới.

Nhằm tạo điều kiện thông thương phát triển kinh tế cho các địa phương hai bên, các cấp lãnh đạo tỉnh Sơn La đã chỉ đạo tổ chức quán triệt, triển khai kịp thời các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác phát triển thương mại biên giới với Lào như Nghị quyết số 16-NQ/TW của Ban Bí thư về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết họp với tăng cường và củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; Hiệp định Thương mại biên giới; Quyết định số 1649/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ hai nước.

Đồng thời, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án phổ biến nội dung và quán triệt thực hiện các thông tư, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của bộ chủ quản liên quan đến các hoạt động quản lý biên giới, cửa khẩu và thương mại biên giới.

Đặc biệt, hai bên cũng thiết lập cơ chế trao đổi thông tin chặt chẽ giữa các trạm cửa khẩu; tọa đàm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính lĩnh vực xuất, nhập cảnh theo hướng cải cách tối ưu, tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức qua lại cửa khẩu theo đúng các quy định pháp luật, để các địa phương đối diện hai bên có điều kiện thông thương phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa.

Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc Mông ở bản Co Phường, xã Mường Cai, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La ký cam kết không xuất, nhập cảnh trái phép. (Nguồn: Biên Phòng)

Giúp bạn là tự giúp mình

Do tác động của dịch bệnh Covid-19, từ khi dịch bùng phát đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu và lượng hàng hóa đi qua các cửa khẩu biên giới trên địa bàn tỉnh giảm mạnh.

Mặc dù vậy, tỉnh Sơn La đã chủ động, kịp thời trao đổi thống nhất với phía các địa phương của Lào để phối hợp thực hiện các biện pháp vừa tạo điều kiện cho hoạt động xuất, nhập khẩu (đặc biệt là đối với nông sản và hàng tiêu dùng) giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân của hai bên, vừa đảm bảo chặt chẽ việc phòng ngừa và ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới.

Theo đó, lực lượng làm việc tại cửa khẩu và trạm kiểm soát chấp hành nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo và các kế hoạch của các cấp có thẩm quyền về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Quyết liệt ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Sơn La đã chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh và chính quyền các huyện biên giới thường xuyên chỉ đạo triển khai công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu trên địa bàn; triển khai các hoạt động truyền thông tại khu vực biên giới về phòng chống bệnh truyền nhiễm và kiểm soát dịch bệnh; lồng ghép hoạt động kiểm dịch với hoạt động bảo đảm an ninh trật tự, xuất nhập cảnh khu vực cửa khẩu biên giới.

Đặc biệt, Sơn La cũng đã chỉ đạo duy trì các tổ, chốt phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn tuyến biên giới của tỉnh nhằm phát hiện, ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép có nguy cơ làm lây lan dịch bệnh; thường xuyên duy trì thông tin trao đổi về tình hình dịch bệnh với hai tỉnh Lào tiếp giáp.

Với phương châm “giúp bạn là tự giúp mình”, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng Sơn La đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ với các địa phương Lào để cùng nhau vượt qua đại dịch.

Bất chấp bối cảnh dịch bệnh cũng như địa bàn hiểm trở tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, tỉnh Sơn La, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với phía Lào, nhờ mối giao hảo tốt đẹp giữa nhân dân hai nước, đã và đang bồi đắp, xây dựng nên tuyến biên giới hòa bình, tiêu biểu cho tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Lào.