Đây là những câu chuyện về những con người và nghề nghiệp lặng lẽ của họ bên cạnh “thế giới bên kia”.
Ở Quốc Oai, Hà Nội có một gia đình đã 6-7 đời nay mưu sinh bằng nghề bát âm nhạc hiếu mà khi nói tới ai cũng phải bất ngờ.
Gần 20 con người lớn nhỏ trong đại gia đình họ Kiều ở thôn Đông Hạ, Đông Yên, Quốc Oai, Hà Nội đã bao năm nay mưu sinh bằng nghề nhạc hiếu khóc thuê - cái nghề mà người ta cho rằng buồn nhất thế gian. Bao lần họ định buông áo, vứt đồ nhưng rồi nghiệp tổ không làm thì lấy gì để ăn, để sống...
6 tuổi đi khóc... người dưng
Làng Đông Hạ cuối năm heo hút, vắng vẻ trong cái giá rét của mùa đông. Cái nghèo khó của ngôi làng hiển hiện, nhưng đặc điểm dễ nhận biết nhất về ngôi làng chính là việc đại đa số dân ở đây mang họ Kiều. Một bà bán rau đầu đình chỉ giúp đường cho chúng tôi về nhà ông Kiều Văn Năm.
Ông Kiều Văn Năm có biệt danh Năm Quốc, là thành viên kỳ cựu trong phường bát âm nhạc hiếu nổi tiếng ở Đông Hạ. Mới 47 tuổi nhưng ông đã có thâm niên 41 năm hành nghề nhạc hiếu khóc mướn ở các đám tang, nghĩa là 6 tuổi ông đã được cha dẫn đi làm cái nghề khóc cho thiên hạ đau lòng.
Ông Năm kể: “Gia đình chúng tôi đã có 6-7 đời làm nghề này. Đến bố của chúng tôi là ông Kiều Văn Nghiệp có cả thảy 12 con trai, gái. Ngoài những người hi sinh ở chiến trường và con gái không theo nghề cha, đến nay vẫn còn bảy anh em đi làm nhạc hiếu khóc thuê”. Giờ đây, bảy anh em nhà ông dẫn dắt bảy người con và một vài đứa cháu nhỏ để hình thành đội bát âm lớn nhất, đặc biệt nhất vùng đất quê lụa Hà Tây bao năm nay.
Ông Năm cho chúng tôi biết thêm một đặc điểm của nghiệp tổ, đó chính là những ai theo nghề cứ 6 tuổi đã bắt đầu theo cha đi khóc thiên hạ. Những đám ma kẻ sang, người hèn khắp vùng đất Hà Tây cũ, đội bát âm của đại gia đình ông Năm đều đã đến. Ông Năm nhớ lại: “Có nhiều đám bố con chúng tôi cất lên tiếng khóc đau thương, tiếng nhạc ai oán mà không lấy đồng nào vì gia chủ quá nghèo”.
Bà Kiều Thị Khoan, người phụ nữ duy nhất trong gia đình theo nghề cha, buồn rầu cho biết: “Ngày xưa anh em chúng tôi có được học hành gì đâu, bé tí đã phải đi để kế nghiệp cha nên giờ đây nếu không làm nghề này cũng chẳng có nghề gì khác”. Và thế hệ trẻ ngày nay cũng không khác mấy, tay kèn trống đa tài Kiều Văn La, sinh năm 1986, cũng chưa ngày nào được cắp sách đến trường.
Ngày xưa đội nhạc hiếu của ông Nghiệp và những người con đi phục vụ ở các đám ma khổ lắm. Họ phải cất tiếng khóc than, đàn trống nỉ non suốt ngày suốt đêm cho đến khi người quá cố được chôn cất. Lúc ấy họ mới nhận được đồng bạc lẻ và bữa cơm để sống qua ngày.
Nỗi lòng nước mắt
Hiện nay, người em út Kiều Văn Bảy và những đứa cháu chính là thành phần chủ lực của phường bát âm. Phường bát âm xưa kia giờ đây không chỉ ngồi khóc than mà còn kiêm cả diễn trò, đọc lời điếu khi tang gia có yêu cầu. Anh Kiều Văn La, con trai ông Năm, cho biết: “Chúng tôi đi phục vụ nhiều đám tận Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Sơn La... Với những nhà khá giả, chúng tôi nhận tiền công 4-5 triệu đồng. Nhưng với những gia đình nghèo khổ, người chết trẻ vì những hoàn cảnh tai ương... có thể chúng tôi không lấy đồng nào”.
Kiều Văn La hiện nay là một tay đàn, tay khóc và diễn viên đóng trò tốt nhất trong đội. Anh La chơi rất tốt tất cả nhạc cụ truyền thống thuộc bát âm. Ngoài ra anh có thể chơi được guitar điện và hát chầu văn rất hay, dù không hề biết chữ.
Một trong những công đoạn khó nhất, vất vả nhất trong các ngày biểu diễn là diễn tích Chèo đò. Đây là một tích có từ lâu đời diễn tả cảnh đưa đò chở người chết qua sông sang thế giới bên kia (Tây Thiên). Anh La cho biết tích Chèo đò phải diễn gồm hát, nói, than khóc, hành động chân tay liên tục 2-3 giờ mới xong. Điều cấm kỵ đối với nhạc hiếu là không sử dụng lối hát mới hay chèo, tuồng, cải lương... nên anh La phải vận dụng tối đa khả năng sáng tạo và kinh nghiệm gần 20 năm “đi khóc” của mình.
Thu nhập của người làm nghề như trong đội nhạc hiếu, khóc thuê, diễn trò họ Kiều cũng đã được cải thiện ít nhiều. Ông Kiều Văn Tư nhẩm tính và cho biết: “Đội bát âm kiêm diễn trò thường có tám người để phục vụ một đám tang. Mức giá trọn gói biểu diễn phục vụ một đám tang của chúng tôi hiện nay vào khoảng 3 triệu đồng/hai ngày làm việc”.
Như vậy nếu chia đều, mỗi người hành nghề như ông Tư được khoảng hơn 300.000 đồng/hai ngày làm nghề, sau khi trừ chi phí đi lại. Ông Tư cho biết thêm: “Như thằng cháu La nhà tôi có năng khiếu và sức khỏe tốt nên trung bình có thể đi được liên tục 12-15 đám/tháng, cộng với đi hát chầu văn thì có thu nhập khoảng 6 triệu đồng”. Những người trung niên, sức khỏe có hạn như ông Tư, ông Năm hay bà Khoan chỉ kiếm được trên 2 triệu đồng/tháng.
So với ngày xưa, mức thu nhập trên đã cao hơn rất nhiều. Nhưng có lẽ những đồng tiền công kia chẳng thể bù đắp được cái mất đi. Kiều Văn La mới 25 tuổi mà như 40 tuổi. Ông bố Kiều Văn Năm mới 47 tuổi lại già như ông lão 60: “Bao nhiêu đêm chẳng thể ngon giấc ở nhà người chết nên chúng tôi ai nấy đều trông già hơn nhiều so với tuổi thật. Nhiều bà con người chết cứ quẳng tiền ra trước mắt bảo: “Lên khóc cho tao!”, lúc ấy là lúc mủi lòng nhất!”.
Theo Tuổi Trẻ