📞

Sống chung với dịch Covid-19 ở xứ người

AN BÌNH 16:00 | 21/03/2020
TGVN. Từ vùng tâm dịch của châu Âu đến những điểm nóng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia..., cộng đồng người Việt đang sát cánh để động viên tinh thần, nỗ lực và sẻ chia để cùng nhau vượt qua những ngày đại dịch Covid-19.
Khẩu trang y tế sẵn sàng được trao tay đến bà con kiều bào tại Italy.

Trong những ngày này, việc truyền đi những tin tức vui vẻ giống như màn biểu diễn văn nghệ tập thể của những người dân cách ly trên ban công và cửa sổ các căn hộ ở Italy, là một trong những cách mà người Việt xa xứ động viên nhau nỗ lực chiến đấu với đại dịch...

“Rồi sẽ ổn cả thôi!”

“Dù tình hình dịch bệnh ở Malaysia ngày càng nghiêm trọng nhưng với sự hỗ trợ và quan tâm của Đại sứ quán Việt Nam, sức khỏe và cuộc sống người Việt vẫn ổn định. Chúng tôi rất vui mừng với công tác phòng dịch bệnh ở nước mình. Chính phủ chăm lo thật tốt cho người dân”.

Phó Trưởng Ban liên lạc người Việt Nam tại Malaysia Trần Thị Chang

Sinh sống ở Venora – vùng tâm dịch của Italy, chị Huỳnh Thu Trang chia sẻ dù dịch bệnh hoành hành và cướp đi mạng sống của nhiều người nhưng những người Italy vẫn đang sống mạnh mẽ và khẩu hiệu được chia sẻ nhiều nhất là “Andrà tutto bene” (Rồi sẽ ổn cả thôi)...

Từng có nhiều đêm mất ngủ vì lo lắng trước diễn biến khó lường của đại dịch tại đất nước này, người phụ nữ mang hai quốc tịch Việt Nam – Italy này vẫn cùng gia đình ở lại Verona và chiến đấu cùng dịch bệnh với những người Italy khác. Hiện tại ở đây chỉ có hai nơi mở cửa (cửa hàng thực phẩm và thuốc tây) và mỗi gia đình chỉ được một người ra đường đi siêu thị nhưng cuộc sống của họ vẫn tiếp diễn, dù theo cách sống chậm hơn.

“Thay vì sáng ngủ dậy đến văn phòng làm việc, thì giờ tôi ở nhà đọc sách, gọi điện cho gia đình, bạn bè tâm sự về chuyện kinh doanh, làm đẹp và nấu những món ăn mình thích. Đúng là số ca nhiễm bệnh tăng nhanh nhưng hiện nay tình trạng bên này ổn và Chính phủ đang rất nỗ lực chiến đấu với Covid-19. Sau khi có lệnh phong tỏa thì tất cả mọi người đều ở nhà vì người dân Italy rất tự ý thức”, chị tâm sự.

Là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam tại Italy (Assoevi), chị Huỳnh Thu Trang cho biết, tổ chức của chị cũng mong muốn được đóng góp chút công sức nhằm hỗ trợ cho cộng đồng người Việt Nam tại Italy đang từng ngày đấu tranh phòng chống dịch bệnh. Cùng với việc sẽ gửi tặng 1.000 khẩu trang y tế cho công dân Việt có nhu cầu tại các vùng nguy hiểm nhất như Lomabrdia, Piemonte và Emilia-Romagna, Assoevi rất sẵn lòng được hỗ trợ về mặt vật chất cho những công dân Việt thực sự khó khăn.

Bên cạnh sự hỗ trợ tích cực của Đại sứ quán Việt Nam với đường dây nóng 24/7, tổ chức của chị Trang cũng cung cấp thêm đường dây nóng khác (+39 389 2842999) để tư vấn, giải đáp thắc mắc về thủ tục pháp lý và thông tin cần thiết về chính sách trợ giúp, điều trị cho công dân Việt nếu không may nhiễm bệnh.

Không riêng chị Trang, những du học sinh như Trần Bảo Khanh tại Venice cũng đang đứng ra kêu gọi sự đóng góp của tất cả bạn bè, người thân vào quỹ hỗ trợ Hội Chữ Thập Đỏ Italy cho các bệnh viện (đặc biệt là vùng tâm dịch miền Bắc). Bảo Khanh chia sẻ về cha của một người bạn là bác sĩ tại Lombardy (nơi khởi phát dịch Covid-19 ở Italy) – người phải túc trực 24/7 để chữa bệnh và bị lây nhiễm bệnh. Nhưng rồi, ông không còn nghĩ đến tình hình sức khỏe của chính mình và phải tiếp tục hỗ trợ bệnh nhân vì thiếu nhân lực trầm trọng. Bảo Khanh tin sự chung tay, dù chỉ là hành động nhỏ của mọi người sẽ góp phần cải thiện tình trạng thiếu nhân viên y tế, thiếu giường bệnh, thiếu dụng cụ y tế và nhiều vấn đề khác cần hỗ trợ tại đây.

Chị Huỳnh Thu Trang mua sắm thực phẩm tại Italy.

Bình tĩnh nhập cuộc!

Đây chính là tinh thần của những người Việt trẻ trên khắp các vùng dịch trên thế giới. Tại Pháp, những du học sinh Việt Nam rất thận trọng với Covid-19. Họ thường liên lạc với nhau qua email và facebook để trao đổi thông tin, tự bảo vệ bản thân và cùng nhắc nhở bạn bè xung quanh bình tĩnh, thực hiện tốt biện pháp phòng dịch. Còn ở Mỹ, một số bạn trẻ như nhóm The Aura đã tích cực tạo ra những video rửa tay theo điệu nhạc Ghen cô Vy và chia sẻ trong cộng đồng nhằm khích lệ tinh thần lạc quan phòng tránh dịch bệnh.

Hiện tại, Hội sinh viên Việt Nam tại một số bang tại Mỹ cũng nỗ lực thực hiện một loạt sáng kiến nhằm cung cấp thông tin cần thiết về dịch bệnh Covid-19 cũng như hỗ trợ sinh viên khi các trường đại học Mỹ đóng cửa.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Hội sinh viên Việt Nam cũng liên tục cập nhật thông tin về diễn biến tình hình của dịch, đồng thời đẩy mạnh truyền thông trên kênh fanpage, website của hội, khuyến cáo các sinh viên thực hiện các hướng dẫn về quy tắc phòng tránh dịch của cơ quan chức năng.

Sống ở nước Nhật, những du học sinh Việt cũng không quên nhắc nhau “giữ cho mình một cái đầu lạnh và sáng suốt để theo dõi thông tin có chọn lọc thông qua các bản tin của các cơ quan báo chí chính thống”. Dù vậy, giữa tinh hình dịch bệnh căng thẳng tại Nhật, họ vẫn có những giờ phút giải trí cùng “rửa tay đúng điệu - đẩy lùi virus Corona” với hai cô gái vừa xinh đẹp và nổi tiếng tại cộng đồng người Việt Nam tại Sapporo là Vân Vy Vu và Dương Tuyết Vân.

Với những tiến sĩ trẻ tại Anh như chị Nguyễn Tuệ Anh thì tinh thần “nhập cuộc” chính là tự bảo vệ bản thân bằng cách tăng cường rửa tay, súc miệng nước muối, ăn uống nhiều vitamin và hạn chế vào các trung tâm hoặc tụ điểm đông người. Chị chia sẻ: “Muốn về Việt Nam lắm mà không dám về vì về sợ dính mầm bệnh rồi mang về quê hương, lây cho bố mẹ, người nhà”.

Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua!

Thời gian này, trên trang điện tử Việt Báo của Phạm Quỳnh Nga tại Đức tràn ngập tin tức cập nhật, cảnh báo và phòng chống dịch Covid-19. Giữa thực trạng phong tỏa trên diện rộng và đóng cửa trường học tại đây thì những chai nước diệt khuẩn miễn phí của bà chủ tại Thiên Trường Quán trong Trung tâm thương mại Đồng Xuân Berlin hay buổi livetream của hai bác sĩ gốc Việt Tạ Thị Minh Tâm và Mai Thy Phan-Nguyen về cách hiểu đúng, cách ứng phó với dịch bệnh được chị Quỳnh Nga thông tin đều đáng quý cho bà con kiều bào.

Chị Quỳnh Nga cho biết, lo lắng cho người Việt nghi bị nhiễm bệnh nhưng không biết tiếng để gọi trợ giúp, chị đã kêu gọi những người Việt biết tiếng Đức ở tất cả tỉnh thành trên toàn nước Đức tình nguyện cho số điện thoại để giúp đỡ bà con. Hiện tại, chị đã nhận được hơn 30 đầu số điện thoại cá nhân sẵn sàng giúp bà con người Việt khi cần.

Tại Czech, Ba Lan hay Ukraine, dù dịch bệnh ngày càng ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như hoạt động kinh doanh nhưng bà con kiều bào vẫn có sự chuẩn bị tốt về tâm lý để đối phó. Hội người Việt Nam tại các nước này cũng luôn cùng với các tổ chức hội, đoàn liên quan thường xuyên theo dõi và phối hợp với các kênh thông tin của cộng đồng tại đây để đưa ra các thông báo phù hợp với các biện pháp của chính phủ nhằm đối phó với dịch.

Từ đầu tháng Ba, Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc đã phát động quyên góp lớn nhằm chung sức hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc trong việc phòng chống dịch bệnh, trọng điểm là vùng tâm dịch tại Daegu và Gyongbuk. Đặc biệt, trong thời gian này, Đại sứ quán tại Việt Nam tại Mỹ, Pháp, Đức, Czech, Ba Lan, Ukraine, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia... cũng luôn sát cánh cùng các hội, đoàn người Việt nắm bắt tình hình, phối hợp cùng triển khai những biện pháp ứng phó kịp thời, đồng thời chung tay hướng về đồng bào nơi vùng dịch cần hỗ trợ. Dường như, ai cũng có một niềm tin “cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua!”

“Từ khi dịch bệnh lây lan tại các bang của Mỹ, Hội đã luôn duy trì mối liên lạc chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ để có được những thông tin chính xác và nhanh nhất từ các nguồn tin chính thống. Bằng những hình thức chia sẻ dễ hiểu trên các trang mạng xã hội như Facebook hay Group, các du học sinh Việt đã trang bị được các kiến thức cần thiết về dịch Covid-19 cũng như nâng cao tinh thần phòng tránh dịch”.

Chủ tịch Hội Thanh niên và Sinh viên vùng Boston Nguyễn Đức Tài