Một góc thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, Sơn La. (Nguồn: Báo dân tộc) |
Thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực
Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển (1953 – 2023), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế phát triển, toàn huyện hiện có hơn 10.600 ha cây ăn quả, 2.762 lò chế biến long nhãn phục vụ xuất khẩu. 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, xã hội được quan tâm; toàn huyện có 47/53 trường học đạt chuẩn quốc gia.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được củng cố; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Quan hệ đối ngoại với huyện Muang Et, Xiengkhor, nước Lào ngày càng sâu rộng và hiệu quả...
Bên cạnh các thế mạnh truyền thống, Sông Mã đã và đang áp dụng khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ cao giúp cho kinh tế liên tục phát triển khá, thu ngân sách trên địa bàn huyện bình quân từ năm 2020 đến nay đạt 131 tỷ đồng/năm và luôn vượt dự toán Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Riêng năm 2022 đạt 197 tỷ đồng (vượt 29% dự toán tỉnh giao).
Ngoài ra, toàn huyện đã xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo từ 40 tuổi trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn trên 20%.
Trong những năm gần đây, huyện đẩy mạnh ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng hữu cơ, gắn với công nghiệp chế biến, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Huyện Sông Mã đã trở thành một trong những vựa nhãn lớn nhất cả nước với diện tích gần 7.500 ha, chiếm trên 70% diện tích cây ăn quả của huyện, sản lượng hàng năm đạt trên 60.000 tấn; các sản phẩm nhãn của Sông Mã có chất lượng cao, được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU).
Sản xuất công nghiệp tiếp tục có bước phát triển, thu hút đầu tư 1 dự án sản xuất gạch, 2 dự án bê tông thương phẩm, 8 dự án thủy điện. Hoạt động thương mại, dịch vụ cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của nhân dân. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội được quan tâm.
Sản phẩm nhãn Sông Mã “được lòng” nhiều thị trường khó tính trên thế giới. (Nguồn: Báo Sơn La) |
Song song với phát triển kinh tế, Sông Mã còn đặc biệt quan tâm tới công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Trung ương Việt Nam huyện đã xây dựng chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, Đoàn thanh niên, Liên đoàn lao động, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh để triển khai các hoạt động ra quân bảo vệ môi trường tại 19/19 xã, thị trấn. Dù mới triển khai từ đầu năm 2022, nhưng chương trình đã thật sự lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên những khu dân cư sáng – xanh - sạch - đẹp. Nhân dân vui tươi, phấn khởi, hăng hái thi đua lao động, sản xuất trên mảnh đất quê hương.
Đến hết năm 2022, Sơn La có 59 xã đạt chuẩn NTM; 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 huyện Mường La, Bắc Yên, Vân Hồ thoát nghèo. 199/204 xã, phường, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa, 94,1% hộ được sử dụng điện sinh hoạt an toàn; 97,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 17,83%, bình quân giảm trên 3%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra.
Các công trình góp quần tạo bộ mặt đô thị huyện vùng biên Sông Mã. (Nguồn: Báo Tài nguyên & Môi trường) |
Đoàn kết, phát huy nội lực
Để “gặt hái” nhiều thành tựu toàn diện trên các lĩnh vực kể trên, trong nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Sông Mã đã phát huy nội lực, quyết tâm làm mới mảnh đất mang tên một dòng sông này.
Toàn huyện đã đoàn kết thống nhất, tập trung trí tuệ; không ngừng nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn, khai thác tiềm năng lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực để bứt phá và phát triển, tạo sức bật để Sông Mã đạt được những kết quả rất quan trọng, trở thành một trong những huyện phát triển của tỉnh Sơn La.
Với thế mạnh là một huyện có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp để phát triển cây ăn quả - nhất là cây nhãn, Nhân dân các dân tộc trong huyện đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất, đưa nông nghiệp của huyện từ một nền kinh tế tự cung tự cấp, trở thành một nền kinh tế sản xuất hàng hóa - đặc biệt là quả nhãn - cung ứng cho thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh việc phát triển cây nhãn, nhiều mô hình sản xuất mới của huyện như mô hình trồng nho, trồng bưởi Diễn, bưởi da xanh, trồng xoài, chăn nuôi bò thịt, chăn nuôi hươu và phát triển chăn nuôi đại gia súc… đang được huyện tập trung chỉ đạo và bước đầu đã cho những kết quả rất tốt, góp phần rất quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của huyện.
Huyện Sông Mã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. (Nguồn: Ban Quản lý Dự án Sông Mã) |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sông Mã lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu, đến năm 2025 tạo lập vùng nguyên liệu tập trung, liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ổn định. Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác vận động phát triển vùng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến nông sản. Phân công nhiệm vụ cho các thành viên phối hợp với UBND các xã, thị trấn rà soát diện tích đất có thể mở rộng vùng nguyên liệu. Đồng thời, chỉ đạo vận dụng các cơ chế, chính sách hiện hành thu hút doanh nghiệp, công ty vào đầu tư, hỗ trợ xây dựng các mô hình kinh tế.
Để đạt được mục tiêu trên, thời gian còn lại của năm 2023 và xa hơn, huyện Sông Mã tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đẩy mạnh sản xuất nông lâm nghiệp gắn với chế biến tạo ra các sản phẩm hàng hóa đặc trưng có giá trị kinh tế cao. Phát triển kinh tế bền vững, xây dựng thị trấn Sông Mã sớm trở thành đô thị loại IV. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn với đẩy mạnh giáo dục chất lượng cao. Quan tâm đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa cơ sở.
Với vị trí huyện biên giới của tỉnh, Sông Mã sẽ tiếp tục chú trọng đảm bảo quốc phòng - an ninh, khu vực phòng thủ, biên giới; tập trung xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc… Đồng thời, duy trì tình đoàn kết hữu nghị với huyện huyện Muang Et, Xiengkhor, nước Lào.
Tin tưởng rằng, với sự cố gắng, nỗ lực, Sông Mã sẽ thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành huyện phát triển khá của tỉnh Sơn La, thị trấn Sông Mã trở thành đô thị loại IV.
| Giới thiệu sản phẩm mận Sơn La trong các suất ăn hàng không Việt Nam Việc sản phẩm mận Sơn La trở thành suất ăn của Vietnam Airlines là cơ hội tiếp tục khẳng định chất lượng, thương hiệu cho ... |
| Cùng Long Sơn lan tỏa sự phát triển và hướng đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống Công ty TNHH Long Sơn vươn mình mạnh mẽ, tạo dựng những giá trị bền vững để đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước ... |
| Thuận Châu bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La các sở, ngành của tỉnh, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo điều ... |
| Dồn lực phát huy tiềm năng, đưa Mộc Châu vươn lên tầm cao mới Mộc Châu (Sơn La) là huyện miền núi, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Bằng sự đoàn kết, sáng tạo, đổi ... |
| Sơn La từng bước hội nhập cùng APEC Tự hào là một tỉnh của Việt Nam - Thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tỉnh Sơn ... |