Thị trường dầu mỏ vào biến động mới. (Nguồn: Nairametric) |
Bất đồng trong nội bộ OPEC, mà cụ thể là giữa Saudi Arabia và UAE, đang đặt ra những hoài nghi về sự gắn kết của nhóm và thông điệp bình ổn thị trường, giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ "vàng đen" toàn cầu đang gia tăng và nhiều quốc gia thành viên OPEC muốn tận dụng lợi thế của một môi trường giá cao hơn.
Khi những bất đồng xuất hiện
Sau khi cắt giảm trong hơn một năm qua do dịch Covid-19 tác động mạnh tới nhu cầu thế giới, OPEC+ bắt đầu các đợt nâng dần sản lượng dầu mỏ. Kế hoạch mới nhất là tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong từng tháng trong giai đoạn từ tháng 8-12/2021.
Tuy nhiên, UAE chỉ ủng hộ tăng sản lượng trong ngắn hạn và yêu cầu có những điều khoản tốt hơn cho việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng kể từ sau tháng 4/2022.
Trọng tâm của những tranh cãi giữa Saudi Arabia và UAE là vấn đề mức sản lượng "cơ sở" mà các nước thành viên OPEC+ dựa vào đó để cắt giảm hay gia tăng sản lượng.
Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Mohamed Al-Mazrouei cho rằng, mức cơ sở tham chiếu 3,17 triệu thùng/ngày hiện nay của nước này là quá thấp và cần phải tăng lên khoảng 3,8 triệu thùng/ngày nếu gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, bởi lẽ năng lực sản xuất dầu mỏ của Abu Dhabi đã tăng đáng kể trong hơn hai năm qua và thậm chí có thể nâng lên ngưỡng 5 triệu thùng/ngày vào năm 2030.
Trên thực tế, UAE đang theo đuổi những thay đổi căn bản trong chính sách dầu mỏ và Abu Dhabi đã mất kiên nhẫn với quy định hạn chế sản xuất. Vì vậy, bất đồng với Saudi Arabia là điều mà giới quan sát cho là trước sau gì cũng xảy ra, đặc biệt trong thời điểm giá "vàng đen" đang tăng lên.
UAE đã đầu tư đáng kể vào việc nâng công suất dầu mỏ, ký kết nhiều thỏa thuận liên doanh với các công ty nước ngoài và cấp phép khai thác các lô dầu khí mới.
Không giống như Saudi Arabia, khi chính phủ nước này thiết lập mức trần khai thác dầu mỏ và theo đuổi quan điểm truyền thống thận trọng hơn về quản lý thị trường, UAE lại có kế hoạch tăng mạnh sản lượng nhằm tối đa hóa sớm nhất có thể nguồn lợi nhuận từ "vàng đen" và dần dịch chuyển sang các nguồn năng lượng phi dầu mỏ trong dài hạn.
Một yếu tố quan trọng khác là Abu Dhabi bắt đầu đã áp dụng các hợp đồng tương lai cho giao dịch dầu thô Murban của họ kể từ tháng 3/2021, nhằm thiết lập một tiêu chuẩn dầu Trung Đông được giao dịch tự do mà không có bất kỳ hạn chế nào.
Do đó, niềm tin của thị trường đối với hợp đồng tương lai của dầu Murban sẽ phụ thuộc vào tính thanh khoản và cơ sở sản lượng đáng tin cậy, qua đó tạo thêm áp lực buộc UAE phải sản xuất nhiều dầu thô hơn.
Nếu không đạt được đồng thuận, về lý thuyết, OPEC+ sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giữ nguyên hạn ngạch sản lượng cho giai đoạn từ tháng 8-12 năm nay, qua đó có thể làm thị trường trở nên quá nóng và khiến giá dầu tăng.
Tuy nhiên, rủi ro lớn hơn là các quốc gia sẽ bỏ qua mục tiêu hạn ngạch và sản xuất nhiều hơn để tận dụng giá "vàng đen" cao hơn.
Điều này sẽ làm xói mòn những nỗ lực của OPEC+ nhằm thuyết phục các thành viên tuân thủ mức hạn ngạch theo quy định, đặc biệt là duy trì chiến lược kiềm chế sản lượng được áp dụng trong suốt cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 vừa qua.
Những đồn đoán về sự sụp đổ của OPEC+ có thể bị thổi phồng quá mức, song không thể phủ nhận đây là một rạn nứt nội bộ nghiêm trọng, có nguy cơ châm ngòi một "cuộc chiến giá dầu" mới.
Một điểm đáng chú ý là bất đồng chính sách dầu mỏ lại xảy ra trong chính UAE và Saudi Arabia, hai đồng minh thường liên kết chặt chẽ với nhau về các chính sách của OPEC.
Nếu OPEC+ cho phép một thành viên thay đổi đường hướng cơ sở của họ, dựa trên khối lượng tham chiếu sản lượng tại thời điểm tháng 4/2020 thay vì tháng 10/2018, điều này sẽ khiến các quốc gia thành viên khác đưa ra yêu sách tương tự.
Trong khi đó, Saudi Arabia, với tư cách là thành viên có tiếng nói lớn nhất trong OPEC, luôn muốn duy trì sự gắn kết và đặt sự đồng thuận của liên minh dầu mỏ lên hàng đầu.
Vì vậy, bất kỳ ngoại lệ đối với một quốc gia thành viên nào cũng sẽ đặt ra một tiền lệ xấu, thậm chí tạo ra người thắng và kẻ thua cuộc trong nội bộ OPEC+ và đẩy các cuộc đàm phán trong tương lai vào thế bất lợi.
Hai kịch bản giá dầu
Trước những thách thức nói trên, có lý do để tin rằng OPEC+ sẽ tìm cách đạt được một "thỏa thuận tạm thời".
Sự bế tắc này càng kéo dài, nguy cơ OPEC+ mất quyền kiểm soát thị trường dầu mỏ càng lớn, cho dù tình hình hiện tại vẫn chưa đáng lo ngại như cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga hồi năm ngoái.
Giới quan sát đã chỉ ra, hai kịch bản tiềm tàng nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận mới.
Kịch bản thứ nhất, giá dầu sụp đổ và rơi trở lại mức dưới 50 USD/thùng nếu các quốc gia quyết định tăng sản lượng và theo đuổi thị phần của riêng họ.
Kịch bản thứ hai, các quốc gia OPEC+ tiếp tục sản xuất theo hạn ngạch cắt giảm đã được nhất trí trước đó và giá dầu sẽ tăng do nhu cầu cải thiện. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nguồn cung sẽ khó xảy ra, khi các nhà sản xuất ngoài OPEC+ như Mỹ và Canada sẽ không đứng ngoài cuộc nếu giá dầu tiếp tục xu hướng leo thang.
Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng Stephen Schork tại Tập đoàn The Schork Group nhận định, OPEC+ rõ ràng không muốn cả hai kịch bản này xảy ra. Giá dầu thấp hay quá cao đều không có lợi cho mục tiêu cân bằng thị trường "vàng đen" của liên minh dầu mỏ này.
Cuối cùng, OPEC+ có thể cho phép UAE tăng sản lượng dầu mỏ trong năm nay, song vấn đề là liệu họ có sẵn lòng thỏa hiệp với yêu cầu điều chỉnh đường cơ sở tham chiếu của Abu Dhabi hay không, và quyết định này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự đồng thuận trong tương lai của OPEC+.
| Áp lực bủa vây, tương lai thị trường dầu mỏ sẽ thế nào? Triển vọng thị trường dầu mở trở nên bất ổn hơn bao giờ hết khi liên tục phải đối mặt với những cú sốc lớn. |
| OPEC bất hòa, nền chính trị dầu mỏ Trung Đông lung lay, giá dầu thế giới sẽ đi về đâu? Sau hơn 60 năm kiểm soát giá dầu thế giới, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang đứng bên bờ vực sụp ... |