Nghệ thuật và Công nghệ, hai lĩnh vực tưởng chừng đứng ở hai đầu của tư duy con người, đã có dịp hội tụ trong sự kiện triển lãm hội họa mang tên “Tư duy khác biệt”; nơi người xem sẽ bắt gặp những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, phản ánh không chỉ đơn thuần chân dung của một tỷ phú Mỹ mà trên hết là “tinh thần của một danh nhân công nghệ toàn cầu” – Steve Jobs.
Có lẽ sự “khác biệt” đầu tiên người ta cảm nhận được rõ ràng nhất đó chính là từ sự “đam mê” của một thanh niên Việt Nam thế hệ 7x, “ngoại đạo” cả về công nghệ thông tin lẫn nghệ thuật, đối với một ông “Trùm” CNTT ở nước Mỹ xa xôi nhưng lại có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
Nhà tổ chức và cũng là đồng tác giả của các tác phẩm này - TS Nguyễn Đức Tiến (1974), chuyên ngành tài chính, ngân hàng - vốn không ngẫu nhiên đã chọn cái tên “Tư duy khác biệt” cho cuộc triển lãm của mình. “Mình hướng tới một cuộc triển lãm, một sự kiện văn hóa – nghệ thuật khác biệt tất cả các sự kiện tương tự; khác biệt từ nhân vật, cách thể hiện tác phẩm, thông điệp chuyển tải cho đến giấy mời”, Đức Tiến say mê chia sẻ về dự án của mình.
Nhìn cách Tiến nâng niu từng bức phác thảo sẽ triển lãm để giới thiệu hay nói về việc thực hiện 200 tấm giấy mời khai mạc triển lãm với chân dung Steve Jobs do họa sĩ Bùi Văn Khoa vẽ, viết tay bằng bút lông; người đối thoại cũng như bị lôi cuốn theo đam mê của anh đối với Steve Jobs.
Niềm đam mê của anh rõ ràng không dành cụ thể cho những dòng sản phẩm thời thượng, liên tục được làm mới của Apple như Iphone, Ipad hay Ipod … khi chính bản thân anh không dùng điện thoại Iphone. Tinh thần của Steve Jobs dường như đồng hành cùng anh dưới hình hài của một chiếc máy tính Ipad 1, đời đầu tiên, trong chiếc bao đã sờn. Tiến cười xuề xòa “Vậy là đủ, nhất là khi cả dự án triển lãm về Steve đều ở trong này”.
Tự nhận là “Steve Jobs big fan” (người hâm mộ lớn của Steve Jobs), Tiến dành trọn sự say mê nghiên cứu đối với người “khổng lồ” Steve Jobs – người vốn được thế giới ca ngợi bằng đủ những ngôn từ hoa mỹ nhất. Rồi ý tưởng thể hiện những đóng góp của Steve Jobs cho cộng đồng qua các tác phẩm hội họa đã tới. Không biết vẽ, anh tìm tới các họa sĩ, chia sẻ ý tưởng để đầu tư cùng thực hiện. Sau nhiều cuộc thử nghiệm thất bại, anh đã may mắn tìm được sự đồng điệu với họa sĩ lão thành Bùi Văn Khoa.
Trong cuộc triển lãm lần này, Đức Tiến cùng họa sĩ Bùi Văn Khoa muốn giới thiệu với công chúng 21 bức tranh thể hiện những dấu mốc cách mạng công nghệ gắn chặt với thương hiệu quả táo, và Steve Jobs. Hơn thế nữa, điều mà các tác giả muốn hướng tới còn là những câu chuyện đời thường đầy tính nhân văn, những màu sắc ít người biết tới trong một “nhân cách công nghệ” như Steve Jobs (bức Hy vọng).
Điểm nhấn của triển lãm sẽ là bức tượng bán thân Steve Jobs, do nghệ sĩ điêu khắc Lê Đình Quỳ thực hiện, được đặt trên một chiếc cột cách điệu theo trường phái baroque, mã tên gọi của công nghệ được sử dụng cho ứng dụng Face Time của Apple. Bên dưới chân cột đỡ, nghệ sĩ đã khắc họa lại bức tranh cổ nổi tiếng mô tả sự tụ hội của đại diện bảy môn khoa học cơ bản của nhân loại.
Quyết không chia sẻ những bí ẩn đằng sau con số “21” tác phẩm được triển lãm, có lẽ Đức Tiến muốn mỗi người đến xem triển lãm có sự luận giải, chiêm nghiệm của bản thân mình. “21” - Một con số không trọn vẹn và tròn trịa, như “trái táo của Newton” với “vết cắn dở” của “phù thủy” Steve trên các sản phẩm của Apple./.
Triển lãm “Tư duy khác biệt” do TS. Nguyễn Đức Tiến và nhóm tác giả, phối hợp cùng các nhà tài trợ tổ chức, sẽ được khai mạc sáng 5/10 và mở cửa cho công chúng từ chiều 5 đến 7/10 tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, 31 Tràng Thi, Hà Nội. |