Trong thí nghiệm, các đám san hô được tiếp xúc với nước biển có độ pH giống mức pH của nước biển 100 năm trước đây đã tăng trưởng nhanh hơn rõ rệt. (Nguồn: CIS) |
Các rạn san hô là nơi trú ẩn cho của nhiều loài sinh vật biển và mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng cư dân ven biển trên toàn thế giới (bao gồm hàng tỷ Đô la thu nhập từ du lịch) và cung cấp thực phẩm cho khoảng một tỷ người. Tuy nhiên các rạn san hô đều rất nhạy cảm với những thay đổi về mặt hóa học của đại dương do khí thải nhà kính, ô nhiễm môi trường ven biển, nước biển ấm lên, và việc bị khai thác quá mức.
Rạn san hô sử dụng một loại khoáng chất được gọi là aragonit để hình thành bộ xương của chúng. Nó là một dạng tự nhiên của cacbonat canxi (CaCO3).
Một lượng lớn carbon dioxide (CO2) do hoạt động của con người thải vào bầu khí quyển đã hòa tan vào các đại dương. Khi CO2 này tương tác với nước biển, nó sẽ gây ra một quá trình được gọi là sự axit hóa đại dương, làm cho đại dương có tính axit hơn và giảm độ pH của nước biển.
Sự axit hóa đại dương là một trong những thách thức môi trường lớn nhất đối với Trái Đất hiện nay, và dĩ nhiên có tác động đến sự phát triển các rạn san hô.
Để tìm hiểu vấn đề này, các nhà khoa học đã cho một rạn san hô tự nhiên tiếp xúc với nước biển có độ pH mô phỏng như nước biển 100 năm trước. Các nhà khoa học đã bơm hóa chất sodium hydroxide vào luồng nước biển chảy qua trên các rạn san hô để thay đổi độ pH trong rạn san hô này.
Đây là thí nghiệm do một nhóm nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Carnegie của Đại học Stanford (Mỹ) dẫn đầu bởi các tiến sĩ Rebecca Albright và Ken Caldeira thực hiện. Họ nghiên cứu phản ứng hóa học của nước biển chảy qua một rạn san hô tự nhiên và quan sát phản ứng của san hô.
Nhóm đã phát hiện một tỷ lệ vôi hóa cao hơn đáng kể (nghĩa là san hô tăng trưởng nhiều hơn) trong các đám san hô được cho tiếp xúc với nước biển có độ pH giống như cách đây 100 năm.
Kết quả này cho thấy rằng sự axit hóa đại dương đã ảnh hưởng đến các rạn san hô một cách tiêu cực. Nghiên cứu quan trọng này vừa được công bố trên tạp chí Nature.
"Công việc của chúng tôi cung cấp bằng chứng mạnh mẽ đầu tiên từ các thí nghiệm trên một hệ sinh thái tự nhiên, đó là sự axit hóa đại dương đã làm rạn san hô tăng trưởng chậm lại"- bà Albright nói. "Sự axit hóa đại dương đang có ảnh hưởng trên các rạn san hô, và đó là thực tế hiện nay".
Bà Caldeira cho biết, bà rất lo lắng về tương lai của các rạn san hô. "Nếu chúng ta không hành động thật nhanh thì các rạn san hô và tất cả mọi thứ phụ thuộc vào chúng, bao gồm các sinh vật biển và các cộng đồng địa phương - sẽ không tồn tại trong thế kỷ sau."