📞

Sự cần thiết xây dựng nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đối ngoại

07:30 | 02/07/2017
Sáng 29/6, tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Thanh tra Bộ đã tổ chức buổi Tọa đàm về công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao nhằm đánh giá về công tác này trong thời gian qua và định hướng những việc cần làm trong thời gian tới để tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại, đặc biệt là tại các địa phương.

Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện lãnh đạo Vụ III và Vụ Pháp chế của Thanh tra Chính phủ; Trường Cán bộ Thanh tra; lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Ngoại giao và lãnh đạo một số Sở Ngoại vụ địa phương.

Ông Phạm Việt Anh, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao phát biểu dẫn đề Tọa đàm. (Ảnh: Tuấn Anh)

Phát biểu dẫn đề tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Việt Anh, Chánh Thanh tra Bộ Ngoại giao cho biết, sau 6 năm thực hiện Luật Thanh tra, công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao có những thành công bước đầu, đóng góp vào nhất định vào công tác quản lý nhà nước về đối ngoại.

Ngay sau khi Luật ra đời, ngày 11/3/2014, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2014 là cơ sở và khởi đầu cho công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao. Chưa đầy 1 năm sau, Bộ Ngoại giao đã ban hành Thông tư số 06/2016 hướng dẫn thi hành Điều 15 của Nghị định số 17 nêu trên vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên, công tác thanh tra chuyên ngành Ngoại giao hiện thiếu cả căn cứ pháp lý và điều kiện triển khai thực hiện. Thông tư số 06/2016 hướng dẫn 10 nội dung thanh tra chuyên ngành Ngoại giao nhưng nhiều nội dung hầu như không có văn bản điều chỉnh như: Ngoại  giao Văn hóa, Ngoại giao Kinh tế, Công tác người Việt Nam ở nước ngoài, lễ tân nhà nước, công tác biên giới lãnh thổ.

Ngoài ra, chưa có văn bản nào quy định về chế tài xử phạt khi tiến hành thanh tra chuyên ngành Ngoại giao.

Đó là chưa kể thẩm quyền thanh tra chuyên ngành chưa được định rõ, việc phân định thanh tra hành chính hay thanh tra chuyên ngành chưa rõ nên các nội dung thanh tra trong lĩnh vực đối ngoại cũng khó thực hiện.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, Quyền Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ phát biểu. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ông Phạm Việt Anh cũng nêu các bất cập trong tổ chức bộ máy khi nhiều địa phương chưa thành lập Sở Ngoại vụ; một số Sở chưa có phòng/ban thanh tra hoặc cán bộ chuyên trách công tác thanh tra. Đội ngũ cán bộ thanh tra tại các địa phương còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ…

Ngoài việc yêu cầu các đại biểu thảo luận các vấn đề nêu trên, để hoàn thiện thêm thể chế, đáp ứng yêu cầu về chế tài xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành Ngoại giao, ông Phạm Việt Anh đề nghị các đại biểu thảo luận việc xây dựng một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành Ngoại giao.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và cho rằng sự cần thiết phải hoàn thiện bộ máy, con người làm công tác thanh tra tại các cơ quan ngoại vụ ở địa phương. Các đại biểu cũng thảo luận sâu về các quy định của pháp luật, về kinh nghiệm trong công tác xử lý vi phạm hành chính, trong đó có vi phạm hành chính về hoạt động đối ngoại.

Ông Vũ Văn Chiến, Hiệu trưởng trường Cán bộ Thanh tra đóng góp ý kiến. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sau gần một buổi sáng thảo luận, các đại biểu nhất trí cho rằng sự cần thiết trong việc xây dựng một nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành Ngoại giao, trong đó tập trung vào ba lĩnh vực: hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; hoạt động của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài và hoạt động hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự tại Việt Nam. Đây là những hoạt động đối ngoại thường xuyên được các cơ quan chức năng của địa phương tổ chức thực hiện và cũng là những lĩnh vực có mức độ vi phạm cao hơn so với các hoạt động đối ngoại khác.

Các đại biểu cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Ngoại giao và Trường Cán bộ Thanh tra tổ chức các lớp tập huấn, khóa bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra nói chung, thanh tra chuyên ngành Ngoại giao nói riêng cho các cán bộ thanh tra đối ngoại địa phương; đồng thời kiến nghị các cơ quan này có chế độ, hình thức khen thưởng định kỳ đối với các cá nhân, Phòng/ban thanh tra ngoại vụ địa phương làm tốt nhiệm vụ của mình.

Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm (Ảnh: Tuấn Anh): 

Toàn cảnh buổi Tọa đàm.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ phát biểu.
Ông Vũ Hồng Khánh, Phó Vụ trưởng Vụ III, Thanh tra Chính phủ phát biểu.
Ông Đinh Trọng Lương, Phó Vụ trưởng, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nêu các bất cập trong công tác thành tra chuyên ngành.
Ông Phạm Văn Chiến, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao.
Bà Đoàn Thị Thanh Thảo, Thanh tra viên, Sở Ngoại vụ tỉnh Hà Tính.
Bà Ôn Thúy Hoa, Chánh Thanh tra, Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Phước.
Bà Nguyễn Thị Sâm, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Nghiêm Văn Lập, Chánh Thanh tra, Sở Ngoại vụ tỉnh Vĩnh Phúc.
Ông Lê Tuấn Tài, Chánh Thanh tra, Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên.