Bức họa vẽ Mẹ VNAH Trần Thị Đỏ (sinh năm 1928) ở huyện Đức Thọ tại Hà Tĩnh. Họa sĩ Đặng Ái Việt vẽ ngày 5/7/2024. (Ảnh: George Newman) |
Cũng như nhiều người có mặt tại sự kiện “Tâm họa tri ân và hành trình vẽ chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng (Mẹ VNAH) và trao tặng Bộ tranh ký họa cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam của họa sĩ Đặng Ái Việt”, tôi không thể hình dung người phụ nữ 76 tuổi, nhỏ nhắn, nhẹ nhàng, mong mạnh đến vậy lại có sức dẻo dai, phi thường đến thế khi thể hiện 3.517 bức họa màu nước vẽ Mẹ VNAH trên khắp đất nước.
Thế nhưng, sau cuộc chuyện trò với bà tại sự kiện do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với tổ chức “Trái tim người lính”, Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Ban Di sản ký ức (Câu lạc bộ Phụ nữ với Di sản) tổ chức, tôi đã hiểu, sứ mệnh ghi lại vết chân chim trong cuộc đời các mẹ VNAH, chính là dành cho họa sĩ Ái Việt - người mà sau đây, tôi cũng xin trân trọng gọi là Mẹ.
Đi cùng lịch sử
Với giọng nói nhẹ nhàng, dịu dàng, mẹ Đặng Ái Việt chậm rãi chia sẻ: “Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: 'Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Cơ đồ, tiềm lực đó chính là nhờ vào sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, là con của các mẹ VNAH'. Vì vậy, với hành trình của mình, tôi muốn lưu giữ hình ảnh của các Mẹ cho nhiều thế hệ sau”.
Theo bà, những người mẹ, phụ nữ đóng góp cho chiến tranh những người con vĩ đại của mình. Giờ đây, khi đất nước phát triển trong hòa bình thì suy nghĩ về điều này đã biến thành hệ tư tưởng đẹp mà bà theo đuổi. “Tôi luôn tâm niệm lời của Bác Hồ: 'Người nghệ sĩ phải là chiến sĩ'. Vì vậy, cuộc hành quân của cá nhân tôi để vẽ Mẹ VNAH chính là tâm huyết muốn đáp lại ân tình của các thương bình, liệt sĩ hy sinh cho Tổ quốc và những người đã sinh ra các anh”, mẹ Ái Việt chia sẻ.
Trong hội họa, mỗi họa sĩ thường chọn cho mình một phong cách hay một nội dung, đối tượng sáng tác yêu thích. Người vẽ hoa, vẽ phong cảnh, người theo trường phái trừu tượng... Là nghệ sĩ từng tham gia cách mạng, Đặng Ái Việt chọn sáng tác về đề tài tri ân - đề tài nhân chứng lịch sử.
Từ đó, bà bắt đầu ấp ủ và xây dựng một đề cương - dự án đặc biệt. Để thực hiện dự án này, không phải nghệ sĩ cứ có cảm hứng là sáng tác; không phải là ngủ ngày, vẽ đêm, hay hứng đâu vẽ đấy... với đối tượng của tác phẩm là mẹ VNAH thì họa sĩ Đặng Ái Việt phải làm theo kế hoạch, theo danh sách của Nhà nước. “Hội họa và sáng tạo, với tôi, cảm hứng sáng tác sẽ đến chính từ những nhân vật, từ câu chuyện, từ hành trình... Với tôi, mỗi mẹ VNAH là một câu chuyện bi hùng khác nhau.
Con số 3.157 mẹ là bấy nhiêu câu chuyện. Trong phòng trưng bày này có hơn 60 bức họa, đại diện cho mỗi tỉnh thành là một họa hình Mẹ VNAH. Nếu nhà báo hỏi tôi về hoàn cảnh của bất kỳ mẹ nào, tôi đều rõ hết. Mà không chỉ ở đây, hơn 3.500 bức họa, tôi đều nhớ như in. Vì các mẹ đã ghi dấu trong đầu và trong trái tim tôi một cách cụ thể”, họa sĩ Đặng Ái Việt chia sẻ.
Họa sĩ Đặng Ái Việt kể, gần đây nhất ở Hà Tĩnh, bà mới vẽ Mẹ VNAH Trần Thị Đỏ, sinh năm 1928, sống tại huyện Đức Thọ, có hai người con hy sinh. Mẹ bị lãng tai, nhưng họa sĩ Ái Việt đã ngồi tâm sự bằng tiếng nói của trái tim. Mẹ Đỏ chia sẻ rằng, mẹ đã được Đảng và Nhà nước chăm lo đầy đủ lắm rồi, chỉ còn nguyện vọng duy nhất là đưa được hài cốt của người con liệt sĩ ở chiến trường Tây Ninh về cho mẹ. Nghe mà đứt ruột đứt gan, hai mẹ con cùng rơm rớm nước mắt.
“Ngồi chơi với nhau, tâm sự với mẹ thì lâu, nhưng ngồi vẽ thì chỉ trong hai tiếng đồng hồ. Mẹ mặc áo sẫm màu nên tôi cũng chọn gam màu áo sẫm lạnh. Tôi chọn vẽ nỗi niềm qua ánh mắt khắc khoải của người mẹ chưa được ở gần con”, họa sĩ Đặng Ái Việt tâm sự.
Một nhân vật khác mà họa sĩ nhắc đến chính là Mẹ VNAH Lương Thị Hồng, sinh năm 1937, tại Yên Sơn, Tuyên Quang. Năm 2019, khi bà Đặng Ái Việt tìm gặp để vẽ mẹ Hồng thì chứng kiến một chuyện đứt ruột. Con của liệt sĩ, cháu nội của mẹ, bị ung thư. Khi mẹ được nhận khoản hỗ trợ 40 triệu để sửa nhà, mẹ đã dành để chữa bệnh cho cháu. Khi đến nhà, thấy cái nhà thương lắm vì không có cả chỗ trú chân, họa sĩ nhớ lại: “Chúng tôi tìm mọi cách vận động để mẹ có một cái nhà. Sau này, Tỉnh ủy Tuyên Quang đã trực tiếp xây cho Mẹ Hồng một nếp nhà khang trang và còn tặng hai con bò”.
Hành trình của chính mẹ
Khi hỏi về hành trình của mình, mẹ Ái Việt cười tự sự:
“Cung đường ta đi không tính bằng cây số.
Có mưa chào, nắng đón, gió đường xa.
Vận tốc vận hành là nhịp đập trái tim ta.
Tổ quốc Việt Nam ta nơi đâu cũng là nhà, là quê hương mẹ”.
Họa sĩ Đặng Ái Việt mặc áo dài màu xanh (ở giữa) chụp ảnh kỷ niệm với các đại biểu đến dự sự kiện. (Ảnh: George Newman) |
“Nhà báo thấy đấy, đi qua 160.000km thì tôi đã qua biết bao đồng bằng rừng núi và mỗi nơi đều để lại ấn tượng vùng miền. Tôi đi còn để thực hiện một điều hứa khác nữa với các đồng chí của tôi là nếu sau này ai còn sống thì hãy đi hết các vùng miền trên cả nước. Sau này, có người đi bằng ô tô, máy bay, xe lửa... Riêng tôi, tôi chọn xe máy và đi một mình. Tôi đi cho hết dải đất chữ S tuyệt vời của Việt Nam – non sông một dải để tận hưởng từng vùng miền, từng làn gió mát của đồng bằng, không khí trong lành của núi rừng... và cảm nhận ‘rừng vàng, biển bạc’”, họa sĩ Đặng Ái Việt tâm sự.
Đến những nơi như Trạm xá Đặng Thùy Trâm, Ngã ba đồng lộc hay UBND huyện Cồn Thoi - những nơi để lại dấu ấn không thể phai mờ trong ký ức của Mẹ. “Tôi đi từ lúc lúa trên cánh đồng còn non cho tới khi đến thì con gái rồi chín để tận hưởng mùi hương lúa mới; Đến tận những nơi chiến trường năm xưa ở Tây Ninh, nơi mình đào hầm chiến đấu”, mẹ Đặng Ái Việt nhớ lại.
Với nhiều năm giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, với những đóng góp cho nền mỹ thuật Việt Nam thế nhưng mẹ Đặng Ái Việt không nhận gì về mình. “Đây là hành trình tự nguyện, tự tâm, không ai chỉ đạo, phân công, nhưng không kém phần giục giã thúc đẩy. Với tôi, đây là cuộc chạy đua với thời gian để kịp gặp các Mẹ trước khi quá muộn. Vì nếu đến muộn với mẹ nào là tôi đã thua”, mẹ Ái Việt nói.
Khi nói về những dự định của mình, mẹ Ái Việt cười hiền: “Tôi còn chiếc xe máy Cup 50 và danh sách của khoảng 1.000 Mẹ VNAH. Tôi sẽ tiếp tục lên đường với hành trang tối giản, rong ruổi khắp các nẻo đường của 63 tỉnh, thành phố để vẽ những người mẹ bất khuất, kiên trung”.
Trước mắt tôi bây giờ, mẹ Đặng Ái Việt chính là một tượng đài to lớn về sự tri ân mẹ VNAH và hương linh các anh hùng liệt sĩ.
Họa sĩ Đặng Ái Việt (tên thật là Đặng Thị Bông) sinh ngày 16/11/1948, quê xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi, tốt nghiệp và ở lại giảng dạy tại Trường Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, sau đó nghỉ hưu theo chế độ vào năm 2003. Từ 19/2/2010 đến nay, bà đã thực hiện 3.157 công trình mỹ thuật ký họa chân dung Mẹ VNAH còn sống trên cả nước. Năm 2010, 2011 và 2014, họa sĩ Đặng Ái Việt lần lượt được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam và Sách kỷ lục châu Á xác nhận là phụ nữ đầu tiên sử dụng xe Chaly đi khắp 63 tỉnh, thành phố ký họa chân dung các Mẹ VNAH và là người vẽ chân dung Mẹ VNAH nhiều nhất. Tháng 11/2020, bà đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. |