Việc lạm dụng điện thoại thông minh có thể ảnh hưởng không tốt đến hoạt động của não bộ. (Nguồn: Depositphotos) |
Điện thoại thông minh có thể hoạt động như một loại bộ nhớ ngoài của con người, nó đảm nhận một phần các chức năng của bộ nhớ trong của não. Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Sinh học Alexander Kaplan, Đại học Moscow, Nga cho rằng, nếu một người quá lạm dụng điện thoại thông minh để "ghi nhớ" những gì mà lẽ ra bộ não phải làm thì điều này có thể làm suy giảm trí nhớ.
"Việc sử dụng các thiết bị bộ nhớ ngoài để tìm thông tin tham khảo, lập lộ trình hoặc lịch trình, để xem các đoạn của một cuốn sách hoặc một sự kiện, chụp một thông tin gì đó dưới dạng ảnh, tất cả những điều này dẫn tới thực tế là não đã quen với việc làm việc với bộ nhớ ngoài nhiều hơn bộ nhớ trong. Rõ ràng, cũng giống như cơ sẽ bị teo nếu không cử động, cơ chế não chịu trách nhiệm về trí nhớ sẽ yếu đi khi quá “nhàn rỗi", giáo sư Kaplan giải thích trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Mặt khác, vận động trí não quá nhiều với đủ loại thông tin không cần thiết cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến trạng thái trí nhớ của một người.
“Về bản chất, bộ não có thể phân tích bất kỳ thông tin nào, nếu không sẽ không thể xác định được đâu là thông tin “cần thiết” hay “không cần thiết”. Vì thế, nếu phần thông tin “không cần thiết” quá lớn thì não sẽ buộc phải sử dụng nguồn tài nguyên quá lớn của mình một cách vô ích”, giáo sư Alexander Kaplan nói.
Tuy nhiên, nhà khoa học này cho rằng, không nên từ bỏ điện thoại thông minh vì nỗi sợ hãi trí nhớ bị suy giảm do thư giãn quá nhiều, hay ngược lại bị làm việc quá sức. Ông khuyên nên sử dụng các tiện ích một cách hợp lý và khôn ngoan, đừng dành tất cả thời gian rảnh của mình bên điện thoại.