📞

Sự sống có thể từng tồn tại trên Mặt trăng 4 tỷ năm trước

15:28 | 24/07/2018
Dù Mặt trăng hiện tại trông giống vùng đất chết hoang tàn với bề mặt gồ ghề hố va chạm, nghiên cứu mới cho thấy sự sống có thể từng tồn tại trên thiên thể này

Ngày 23/7, nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Bang Washington, Mỹ và Birkbeck - Đại học London, Anh công bố trên tạp chí Astrobiology (Sinh học vũ trụ) cho thấy Mặt trăng đã có khả năng hỗ trợ sự sống trong hai giai đoạn.

Giai đoạn đầu tiên diễn ra cách đây khoảng 4 tỷ năm, sau khi Mặt trăng được hình thành từ mảnh vật chất. Mốc thời gian thứ hai rơi vào khoảng 3,5 tỷ năm trước, khi núi lửa hoạt động mạnh nhất trên thiên thể này.

Bề mặt Mặt trăng có thể đã từng có núi lửa hoạt động mạnh. (Nguồn: Salvatore Allegra)

Trong cả hai thời điểm, hơi nước và những khí dễ bay hơi phun ra từ bề mặt có thể đã tạo ra các vùng trũng nước dạng lỏng và một lớp không khí đậm đặc duy trì trên Mặt trăng trong hàng triệu năm. Mặt trăng cũng có thể đã có từ trường giúp bảo vệ các sinh vật khỏi luồng hạt điện tích chết chóc do Mặt trời giải phóng, hay còn gọi là gió Mặt trời.

Hàng tỷ năm về trước, “rất có khả năng vi khuẩn đã phát triển mạnh mẽ tại các vũng nước trên Mặt trăng cho đến khi bề mặt trở nên khô cằn, chết chóc”, tác giả nghiên cứu Dirk Schulze-Makuch, nhà sinh học vũ trụ thuộc Đại học Bang Washington, khẳng định.

Nghiên cứu mới này dựa vào dữ liệu từ các chuyến thám hiểm không gian và kết quả phân tích mẫu đất đá thu thập được. Trong những năm gần đây, các nghiên cứu chỉ ra rằng Mặt trăng có thể có nhiều nước đóng băng hơn những gì giới khoa học từng nghĩ và rất có thể nước cũng ẩn chứa phía bên dưới lớp vỏ.

Nếu điều này là thật, sự sống có thể đã hình thành trên Mặt trăng như thế nào?

Hóa thạch vi sinh vật trên Trái đất có niên đại khoảng 4 tỷ năm trước. (Nguồn: Dominic Papineau)

Trên Trái đất, những bằng chứng đầu tiên về sự sống thuộc về hóa thạch vi khuẩn lam 3,5 - 3,8 tỷ năm trước. Đây là loại vi sinh vật đơn bào có khả năng tạo ra oxy trong quá trình quang hợp.

Những yếu tố cần thiết cho sự sống từng được tìm thấy trong thiên thạch và các nhà khoa học tin rằng, khi va chạm với Trái đất, thiên thạch mang nước tới trong những buổi đầu hành tinh này hình thành. Đồng thời, sau khi va chạm và thổi bay các khối vật chất trên lớp vỏ của hành tinh trẻ, có khả năng thiên thạch đã rơi xuống Mặt trăng.

Theo nghiên cứu, sự va chạm giữa các thiên thể như vậy là một hiện tượng phổ biến trong giai đoạn khởi đầu của Hệ Mặt trời. Tuy nhiên, nếu điều này là đúng, các khối thiên thạch có thể đã đưa vi sinh vật tới Mặt trăng, và những sinh vật này tiếp tục sống ở những vũng nước trên bề mặt.

“Nếu nước dạng lỏng và không khí tồn tại trên Mặt trăng sau khi hình thành, chúng tôi nghĩ thiên thể này ít nhất đã hỗ trợ được sự sống trong một khoảng thời gian”, Schulze-Makuch nhận định.

Khi Buzz Aldrin đặt chân lên Mặt trăng, nơi này chỉ toàn bụi nhưng có thể đã từng có nước tại đây. (Nguồn: Neil Armstrong)

Vùng đất "chết"

Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho hay sự sống trên Mặt trăng có lẽ dã kết thúc khi nhiệt độ tại đây giảm mạnh vào 3 tỷ năm trước. Thiên thể này cũng đã mất đi từ trường bảo vệ các nguyên tử khỏi gió Mặt trời.

Ngày nay, Mặt trăng không có bầu khí quyển mà chỉ còn một lớp khí rất mỏng, gồm natri và kali. Về cơ bản, nó là một thiên thể chết với bề mặt bụi khô cằn.

“Tôi chắc chắn Mặt trăng bây giờ hoàn toàn ‘chết’, nhưng sự sống tại đây có thể đã rất phát triển”, Ian Crawford, Giáo sư về khoa học hành tinh và sinh học vũ trụ tại Birkbeck, Đại học London, nhận định.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu các chuyến thám hiểm Mặt trăng được tiếp tục tiến hành trong tương lai, việc lấy mẫu từ các khu vực có niên đại từ thời núi lửa hoạt động sẽ cho thấy bằng chứng về nước hoặc sự sống từng tồn tại.

Nghiên cứu mới cũng đề xuất rằng, để biết liệu vi sinh vật có thể sống trên Mặt trăng hay không, các nhà khoa học có thể tiến hành thí nghiệm mô phỏng điều kiện môi trường của Mặt trăng cách đây 3 - 4 tỷ năm tại các phòng thí nghiệm trên mặt đất hoặc Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

(theo Zing.vn)