📞

Sự thật về điện thoại di động và ung thư

14:00 | 22/07/2018
Những tuyên bố về việc điện thoại di động  (ĐTDĐ) gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người từ lâu đã bị bác bỏ. Nhưng liệu có phải những nghiên cứu chỉ ra sự thật đã bị ngành công nghiệp này giấu nhẹm?ln

Ngày 28/3, một nhóm các nhà khoa học độc lập đã đưa ra đánh giá về kết quả một cuộc thử nghiệm nằm trong chương trình NTP (National Toxicology Program) thuộc Bộ Y tế Mỹ, và đưa ra những “bằng chứng xác thực” rằng bức xạ từ ĐTDĐ hoàn toàn có thể gây ung thư, đặc biệt là ung thư mô tim. 

Đây là cuộc thử nghiệm có quy mô lớn nhất được thực hiện về ảnh hưởng của bức xạ ĐTDĐ. Các nhà khoa học của NTP đã tiến hành thử nghiệm trên hàng nghìn con chuột (do chúng có nhiều điểm tương đồng sinh học với con người) với lượng sóng điện từ tương đương với lượng sóng điện thoại trung bình tác động đến người dùng ĐTDĐ hàng ngày.

Nhóm các nhà khoa học này tiếp tục khẳng định mức độ tin cậy đối với nghiên cứu của NTP, khiến các nhà phê bình nghi ngờ rằng lãnh đạo của NTP đã cố gắng làm giảm bớt đi sự nghiêm trọng của những phát hiện trên. Ngoài ra, nhóm khoa học còn tìm ra “một số bằng chứng” – một bước thấp hơn của “bằng chứng xác thực” của ung thư trong não và tuyến thượng thận.

Liệu bức xạ từ điện thoại có gây ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe không? (Nguồn: Getty)

Chiêu PR lừa người dùng

Theo The Guardian, không có một cơ quan báo chí lớn nào ở Mỹ và châu Âu đưa tin về báo cáo khoa học này. Nhưng người ta lại thấy rộ lên các bản tin về sự an toàn của ĐTDĐ, vốn từ lâu phản ánh đúng quan điểm của ngành công nghiệp không dây.

Trong một phần tư thế kỷ qua, ngành công nghiệp này đã tổ chức một chiến dịch PR toàn cầu nhằm gây hiểu lầm không chỉ cho các nhà báo, mà còn cả người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách về khoa học thực tế liên quan đến bức xạ ĐTDĐ. Thật vậy, chiến lược này không khác gì cách mà công ty thuốc lá và dầu khí khổng lồ đã từng quảng cáo và đánh lừa công chúng về những rủi ro của việc hút thuốc và biến đổi khí hậu. Với cách làm tương tự, các CEO của ngành công nghiệp không dây đã nói dối công chúng ngay cả sau khi các nhà khoa học mà chính các công ty này bỏ tiền ra thuê để làm nghiên cứu đã cảnh báo rằng sản phẩm của họ có thể gây nguy hiểm tới người dùng, đặc biệt là trẻ em.

Việc bỏ tiền tài trợ cho những nghiên cứu thân thiện có lẽ là chiến thuật quan trọng nhất, bởi nó cho thấy chính cộng đồng khoa học cũng chưa tìm được ra câu trả lời tối ưu nhất liệu thực sự sóng điện từ có gây hại cho con người hay không.

Năm 2011, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại sóng ĐTDĐ là chất “có thể” gây ung thư ở người và chính phủ Anh, Pháp, Israel đã ban hành những cảnh báo không nên cho trẻ em sử dụng ĐTDĐ. Ngoài ra, dự án Nghiên cứu Công nghệ Không dây (Wireless Technology Research – WTR) được ngành công nghiệp không dây tài trợ lên tới 28,5 triệu USD – con số lớn nhất mà bất cứ nghiên cứu nào về ngành công nghiệp này được nhận, cũng tìm ra một số tác hại của bức xạ ĐTDĐ từ những năm 1999, nhưng rồi nghiên cứu này cũng bị chính nhà tài trợ bác bỏ và làm mất uy tín.

Và dù gì đi nữa, chiến dịch tuyên truyền cũng đã thành công, không còn gây lo ngại cho người dùng khi trên thế giới hiện nay, cứ 4 người lớn thì 3 người sử dụng ĐTDĐ, biến ngành công nghiệp không dây trở thành một trong những ngành lớn nhất trên thế giới.

Tương lai khó ngờ

Với sự khó lường và không chắc chắn của ngành công nghiệp không dây về vấn đề an toàn cho người dùng đã mở ra cánh cửa cho một cuộc cách mạng công nghệ mới: việc đề xuất chuyển đổi của xã hội mang tên Internet Vạn vật (Internet of Things – IoT). Được coi là một công cụ mang lại tăng trưởng khổng lồ cho kinh tế, IoT sẽ không chỉ kết nối con người qua smartphone hay máy tính mà còn kết nối các thiết bị đó với hàng loạt những vật dụng và thiết bị như ô tô, đồ gia dụng, thậm chí là cả tã lót cho trẻ em – tất cả với một tốc độ nhanh hơn nhiều lần so với hiện tại.

Mặc dù vậy, IoT đòi hỏi phải có sự cải tiến từ công nghệ 4G lên 5G, do đó khiến sự tiếp xúc với sóng điện tử của người dân nói chung bị tăng khá đáng kể, theo như một bản kiến nghị của 236 nhà khoa học trên toàn thế giới, những người đã xuất bản hơn 2.000 nghiên cứu đại diện cho “một phần đáng kể các nhà khoa học có tên tuổi trong lĩnh vực nghiên cứu bức xạ” – theo Joel Moskowitz, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Cộng đồng và Gia đình tại Đại học California, Berkeley, người đã giúp lưu hành bản kiến nghị. Tuy nhiên, như ĐTDĐ, công nghệ 5G sẽ được giới thiệu ra thị trường mà không trải qua thử nghiệm an toàn.

Thiếu bằng chứng dứt khoát liệu một công nghệ có hại hay không không có nghĩa là nó an toàn, nhưng ngành công nghệ không dây bán thành công sự sai lầm hợp lý này ra với thế giới. Kết quả là, trong 30 năm qua, hàng tỷ người trên thế giới đã là vật thí nghiệm cho một nghiên cứu khoa học công cộng: sử dụng điện thoại ngày hôm nay và sau này mới biết liệu nó có gây ra tổn thương di truyền hay gây ung thư hay không?

(theo The Guardian)