Thuốc điều trị hiệu quả đối với Covid-19?. (Nguồn: Foxnews) |
Hàng “nóng”
Dù bán tín bán nghi, thì độ nguy hiểm chết người của dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 vẫn khiến người nọ “rỉ tai” người kia về những loại thuốc có thể chữa được bệnh Covid-19. Và thông tin cũng "lây lan" theo cấp số nhân từ truyền miệng đến mạng xã hội, khiến thị trường dược phẩm bỗng dưng “nổi sóng”. Hai loại thuốc, gồm Hydroxychloroquine trị sốt rét và kháng sinh Azithromycin trở nên khan hiếm bất thường. Giá tăng vùn vụt, các nhà thuốc đột ngột “cháy hàng” không khác gì Tamiflu vào thời điểm xảy ra dịch cúm A H1N1 vào năm 2009.
Theo một số nhà chuyên môn, Azithromycin với tên biệt dược Zithromax là thuốc được sử dụng rộng rãi vì tác dụng diệt khuẩn và tương đối “dễ dùng”, dù chưa được kiểm chứng, nhưng chưa ghi nhận các trường hợp gây hại trực tiếp tới cộng đồng. Tuy nhiên, gần đây đã có một số trường hợp tự ý sử dụng Hydroxychloroquine/Chloroquine đã gây nguy hiểm đến tính mạng, chỉ vì "nghe đồn" thuốc có thể phòng ngừa và điều trị bệnh Covid-19.
Chloroquin trở thành hàng “nóng” được nhiều người lùng mua để tích trữ dự phòng, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 19/3 đề nghị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đẩy nhanh quy trình cho phép dùng thuốc này để điều trị Covid-19. Tuy vậy, khi FDA còn tỏ ra thận trọng thì thị trường dược đã lập tức không còn cả Hydroxychloroquine và Azithromycin.
Đề cập vấn đề này, ngày 22/3, tờ Times of India có câu trả lời khá đầy đủ cho câu hỏi liệu Chloroquine hay Azithromycin có thể là phương pháp điều trị Covid-19 hiệu quả?
Theo đó, nghiên cứu gần đây được thực hiện bởi các nhà khoa học Pháp đã cung cấp một tia hy vọng mới cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Sự kết hợp giữa thuốc chống sốt rét và kháng sinh có thể là vũ khí quan trọng trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Nhưng là một tia hy vọng thôi chứ chưa được khẳng định là phương pháp điều trị có thể phổ biến ra cộng đồng. Kết quả sơ bộ của một thử nghiệm lâm sàng không ngẫu nhiên cho thấy, sự kết hợp giữa thuốc Chloroquine và Azithromycin có thể khá hiệu quả trong điều trị bệnh Covid-19.
Điểm mấu chốt về Hydroxychloroquine
Báo cáo của các nhà nghiên cứu Pháp cho thấy sự kết hợp các loại thuốc đã có hiệu quả đối với bệnh nhân Trung Quốc bị nhiễm chủng virus corona mới.
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã cung cấp 600 mg Chloroquine mỗi ngày cho một nhóm bệnh nhân mắc Covid-19 từ đầu tháng 3 đến ngày 16/3. Tình trạng các bệnh nhân được theo dõi sát sao, lượng virus trong bệnh phẩm mũi, họng được kiểm tra hằng ngày tại bệnh viện. Dựa trên kết quả và tình trạng y tế của bệnh nhân, Azithromycin đã được bổ sung thêm vào quá trình điều trị.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19. (Nguồn: Statnews) |
Các thử nghiệm được công bố đã cho thấy, kết thúc nghiên cứu, 22 bệnh nhân đã được điều trị và cho thấy có sự loại bỏ đáng kể virus trong từ 3 đến 6 ngày sử dụng kết hợp các loại thuốc này. Kết quả cũng cho thấy, khi Azithromycin được bổ sung cùng Chloroquine vào quá trình điều trị, thuốc sẽ trở nên hiệu quả hơn trong việc loại bỏ virus.
Trên thực tế, thử nghiệm mới chỉ được thực hiện trên một số ít bệnh nhân và đã cho kết quả tốt, khẳng định việc điều trị bệnh Covid-19 bằng Chloroquine có thể là một hướng nghiên cứu khả thi, làm giảm hoặc tiêu diệt số lượng virus chết người ở những người nhiễm bệnh và tác dụng của nó được củng cố thêm khi kết hợp với Azithromycin.
Chloroquine là một loại thuốc uống được kê toa để điều trị bệnh sốt rét và một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ... Đây là loại thuốc tổng hợp, có độc tính, bắt buộc khi dùng phải có chỉ định của bác sĩ nên người dân không được tự ý sử dụng. Còn Azithromycin được sử dụng để điều trị một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, như viêm phế quản, viêm phổi.
Theo các nhà chuyên môn, Chloroquine và Azithromycin có liên quan đến việc kéo dài khoảng QT (là khoảng thời gian cần thiết để tim tái cực), đây là một biện pháp để trì hoãn tái cực tâm thất. Trong quá trình này, cơ tim mất nhiều thời gian hơn bình thường để nạp lại giữa các nhịp đập. Vì vậy, việc sử dụng thuốc có thể sẽ rất nguy hiểm, đặc biệt đối với bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như suy thận và gan.
Thử nghiệm lâm sàng này đã được Cơ quan Quốc gia Pháp về An toàn Thuốc (ANSM) và Ủy ban Đạo đức Pháp phê duyệt để xem xét và phê duyệt đưa vào sử dụng. Còn thông tin từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, Chloroquine hiện đang được kiểm chứng trong các thử nghiệm lâm sàng để điều trị trước phơi nhiễm hoặc sau phơi nhiễm của bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ, trung bình và nặng.
Tuy nhiên, điểm mấu chốt mà các nhà nghiên cứu muốn gửi đến thế giới vẫn là, phương pháp điều trị này thực sự hứa hẹn, nhưng vẫn cần nhiều nghiên cứu và phê duyệt hơn trước khi thuốc được sử dụng rộng rãi cho cộng đồng.
Tại Việt Nam, trước tình trạng “sốt” Hydroxychloroquine và Azithromycin, các nhà quản lý dược cho biết, chưa sử dụng thuốc Hydroxychloroquine để điều trị Covid-19. Bộ Y tế cũng chưa có khuyến cáo dùng thuốc này để dự phòng Covid-19.