📞

Sự thay đổi kỳ lạ của các đốm sáng trên tiểu hành tinh Ceres

21:56 | 18/03/2016
Các nhà khoa học tại Đài quan sát thiên văn LA Silla (Chile) đã phát hiện ra sự thay đổi kỳ lạ của những đốm sáng trên tiểu hành tinh Ceres.
Một vài đốm sáng đầu tiên trên tiểu hành tinh Ceres được chụp bằng tàu vũ trụ Dawn. (Nguồn: UPI)

Những phát hiện mới này vừa được các nhà khoa học công bố trên tạp chí của Hiệp hội Thiên văn Hoàng gia.

Bằng cách quan sát những đốm sáng, các nhà khoa học nhận thấy độ sáng của những đốm sáng không ổn định mà thay đổi theo ngày, bên cạnh đó, các nhà khoa học tin rằng đốm sáng sáng nhất là vào buổi trưa. Những phát hiện mới này cho thấy độ sáng thay đổi khi tiểu hành tinh di chuyển, rất có thể các vật chất tạo ra hiệu ứng phản chiếu ánh sáng bốc hơi dưới ánh nắng Mặt Trời.

Kể từ lần đầu tiên chụp được đốm sáng của tiểu hành tinh này một cách chi tiết vào năm ngoái, các nhà khoa học và các nhà thiên văn học vẫn đang nỗ lực trong việc đưa ra nhiều giả thuyết để giải thích cho nguồn gốc đốm sáng. Có giả thuyết cho rằng, khoáng chất muối, băng tích tụ dưới đáy các hố thiên thạch đã phản chiếu ánh sáng Mặt Trời.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm ra nguồn gốc chính xác của đốm sáng. Phát hiện mới cho thấy đốm sáng có thể thay đổi độ sáng ở nhiều thời điểm khác nhau, chính vì vậy mà càng khiến hiện tượng kỳ lạ này thêm phần bí ẩn.

Những phát hiện mới này được thực hiện bởi tàu thăm dò vũ trụ không người lái Dawn của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

"Ngay sau khi tàu vũ trụ Dawn phát hiện ra những đốm sáng bí ẩn trên tiểu hành tinh Ceres, tôi đã nghĩ ngay đến những tác động của đốm sáng có thể ảnh hưởng đến Trái Đất. Nếu như những đốm sáng xoay xung quanh tiểu hành tinh này gần với Trái Đất và sau đó lùi xa dần thì những ảnh hưởng của quang phổ sẽ phản chiếu ánh sáng Mặt Trời đến Trái Đất", nhà khoa học Paolo Molaro (Đài quan sát thiên văn Trieste, Italy) cho biết.

Nhưng theo những tính toán thì việc đốm sáng tiến lại gần hay lùi ra xa Trái Đất không đủ để giải thích những thay đổi chi tiết của máy quang phổ HARPS của đài quan sát. Do đó, các nhà khoa học đã có thể đưa ra những thay đổi về độ sáng như vậy.

Ceres là thiên thể lớn nhất trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Nó có đường kính khoảng 950km. Ceres là vật thể lớn nhất nằm trong quỹ đạo của Hải vương tinh.
(theo UPI)