Tuy nhiên, sau gần 10 năm triển khai, quá trình áp dụng BLHS cũng phát sinh một số khó khăn, bất cập đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và bảo vệ các quyền cơ bản của con người.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). |
Phát sinh những bất cập trong thực tiễn
Với sự thay đổi nhanh chóng của điều kiện kinh tế - xã hội và các văn bản pháp luật, các đối tượng phạm tội luôn tìm những phương thức mới nhằm trốn tránh pháp luật, BLHS năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đã phát sinh một số khó khăn, bất cập so với thực tiễn đòi hỏi cần có sự điều chỉnh phù hợp và đồng bộ với các luật khác có liên quan.
Thứ nhất, căn cứ miễn trách nhiệm hình sự chưa đồng nhất, còn có thể được hiểu theo những cách khác nhau.
Khoản 3 Điều 29 BLHS năm 2015, quy định “Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.
Vậy có thể hiểu người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng chỉ trong trường hợp do lỗi "vô ý" gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Hoặc hiểu là người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Do luật quy định thiếu rõ ràng, nên hiểu theo hai cách trên cũng điều hợp lý. Tuy nhiên, dẫn đến việc áp dụng BLHS không thống nhất, ảnh hưởng đến các quyền lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo.
Thứ hai, căn cứ quyết định hình phạt trên thực tế chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và không phù hợp với nhân thân người phạm tội.
Theo Khoản 1 Điều 50 BLHS 2015, khi quyết định hình phạt Hội đồng xét xử dựa vào những căn cứ sau: i) Quy định của BLHS năm 2015; ii) Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; iii) Nhân thân người phạm tội; iv) Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự; v) Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Qua nghiên cứu cho thấy, BLHS hiện hành chưa có quy định cụ thể nào về “Tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội” và “nhân thân người phạm tội”. Để đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi dựa vào tính chất quan hệ xã hội bị xâm hại; tính chất của hành vi khách quan, trong đó bao gồm cả tính chất của phương pháp, thủ đoạn, của công cụ và phương tiện phạm tội; mức độ gây ra hoặc đe dọa gây ra cho quan hệ xã hội bị xâm hại; tính chất và mức độ lỗi; động cơ, mục đích người phạm tội; hoàn cảnh chính trị - xã hội và nơi hành vi phạm tội xảy ra.
Thực tế thời gian qua cho thấy, Tòa án quyết định mức hình phạt hoặc là quá thấp hoặc là quá cao không tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và không phù hợp với nhân thân người phạm tội.
Vì vậy, việc giải thích rõ về hai căn cứ quyết định hình phạt “Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội”; “nhân thân người phạm tội” vào Điều 50 BLHS năm 2015 sẽ bảo đảm quyền lợi chính đáng của bị can, bị cáo, hạn chế việc quyết định hình phạt theo ý chí chủ quan của các cơ quan tố tụng.
Thứ ba, quy định về tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi có nhiều cách hiểu và được áp dụng hình phạt khác nhau đối với cùng một hành vi phạm tội.
Nghiên cứu nội dung quy định Điều 101 BLHS năm 2015, cụm từ “mức phạt tù mà điều luật quy định” ở khoản 1 và khoản 2 dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, áp dụng hình phạt khác nhau đối với cùng một hành vi phạm tội. Cụ thể:
Cách thứ nhất: nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) mức phạt tù mà điều luật quy định dự định áp dụng đối với người đủ 18 tuổi.
Cách hiểu thứ hai: nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) mức phạt tù cao nhất mà điều luật quy định.
Cách hiểu thứ ba: nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư (đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) và không quá một phần hai (đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) mức phạt tù cao nhất mà khung hình phạt của điều luật quy định.
Thứ tư, quy định tình tiết định khung tại một số điều luật chưa hợp lý.
Trong nhóm tội xâm phạm sở hữu, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tình tiết định tội cơ bản là tại khoản 1 của các điều 172, 173, 174, 175 BLHS năm 2015: “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Tuy nhiên, ở khoản 2 (khung tăng nặng) của cả bốn Điều luật này (Điều 172, 173, 174, 175 BLHS hiện hành) quy định căn cứ “tái phạm nguy hiểm” dẫn đến sự trùng lặp với khoản 1 (khung cơ bản).
Thứ năm, chưa có quy định xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi gây rối, khủng bố người khác để đòi nợ.
Hiện nay, tình trạng ném chất thải, chất bẩn vào nhà, chỗ ở, tài sản của người dân diễn ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong dư luận, đa số các vụ việc được phát hiện là để phục vụ cho hoạt động đòi nợ.
Tuy nhiên, các hành vi này không gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân, không xâm phạm chỗ ở của người dân, cũng không diễn ra ở nơi công cộng, hành vi diễn ra lặp đi lặp lại nhằm khủng bố tinh thần để đòi nợ; hiện chưa có cơ chế hình sự để xử lý mà chỉ xử lý hành chính theo quy định của Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Vì vậy, cần bổ sung hành vi này tại mục 4 Chương XXI - Các tội phạm khác xâm phạm trật tự công cộng - để nghiêm trị các hành vi nguy hiểm này, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.
Thứ sáu, quy định không phải chịu trách nhiệm hình sự đối với người thân thích trong tội che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm chưa thật sự bình đẳng.
Theo quy định tại Điều 18 và Điều 19, người che giấu hoặc không tố giác tội phạm là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội… thì không phải chịu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp.
Như vậy, nếu người che giấu hoặc không tố giác là cha nuôi, mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, con nuôi, con rể, con dâu, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cháu họ (cháu con bác ruột, cháu con cô ruột...) không thuộc điều chỉnh của Điều 18 và Điều 19, trong khi họ cũng có quan hệ tình cảm gần gũi, gắn bó như những người đã được liệt kê trong Điều 18, 19.
Do đó, để tạo sự bình đẳng trong xử lý trách nhiệm hình sự, cần bổ sung thêm những người trên vào trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 18 (Tội che giấu tội phạm) và Điều 19 (Tội không tố giác tội phạm).
Thứ bảy, chưa có sự đồng bộ trong áp dụng và xử lý hành vi điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn.
Điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS hiện hành tăng mức xử lý trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ “có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định”.
Tuy nhiên, tại Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 quy định hành vi bị nghiêm cấm là “điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Như vậy, giữa hai luật chưa có sự thống nhất trong quy định dẫn đến việc áp dụng, xử lý trách nhiệm pháp lý không thống nhất; cần sửa đổi Điều 260 BLHS để thống nhất với Luật Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 và các văn bản pháp luật khác.
Ảnh minh họa. |
Một số kiến nghị sửa đổi
Để bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của con người cũng như đồng bộ với hệ thống pháp luật Việt Nam, đáp ứng sự biến đổi của thực tiễn, trong khuôn khổ nghiên cứu để có những đóng góp phục vụ công tác tổng kết, đánh giá, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), có một số kiến nghị sửa đổi theo hướng sau:
Về căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. Khoản 3 Điều 29 sửa đổi như sau: “3. Người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác và được người bị hại hoặc người đại diện của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.”
Về căn cứ quyết định hình phạt. Cần bổ sung thêm quy định theo hướng giải thích rõ hơn về hai căn cứ quyết định hình phạt “Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội”; “nhân thân người phạm tội.” tại khoản 1 Điều 50 để các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất khi quyết định hình phạt với bị can, bị cáo.
Về quy định về tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi. Đề nghị sửa đổi Điều 101 BLHS theo hướng bỏ cụm từ “mức phạt tù mà điều luật quy định” và thay bằng cụm từ “mức phạt tù cao nhất được quy định trong khung hình phạt mà điều luật quy định”.
Về các Điều luật 172, 173, 174, 175. Bỏ cụm từ tại khoản 1 “Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174, 175 và 290 của Bộ luật, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.” để tránh trùng lặp với tình tiết tăng nặng “tái phạm nguy hiểm” tại khoản 2 các Điều luật trên.
Bổ sung hành vi “ném chất thải, chất bẩn vào nhà, chỗ ở, tài sản của người khác” vào tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318 BLHS hiện hành) để ngăn chặn có hiệu quả các đối tượng thực hiện hành vi trên đòi nợ, gây áp lực, khủng bố tinh thần người dân gây bức xúc dư luận thời gian qua.
Bổ sung nhóm người thân thích gồm “cha nuôi, mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, con nuôi, con rể, con dâu, con riêng của vợ, con riêng của chồng, cháu họ (cháu con bác ruột, cháu con cô ruột...)” vào khoản 2 Điều 18 (Tội che giấu tội phạm) và khoản 2 Điều 19 (Tội không tố giác tội phạm) BLHS hiện hành để bảo đảm tính thống nhất trong giải quyết mối quan thân thích của người phạm tội.
Đối với Tội vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ. Đề nghị bỏ cụm từ “vượt quá mức quy định” tại điểm b khoản 2 Điều 260 để phù hợp với Khoản 6 Điều 5 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 (quy định nghiêm cấm người tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn).
| Việt Nam phát biểu thay mặt Nhóm nòng cốt Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu tại Khóa họp 55 Hội đồng Nhân quyền Biến đổi khí hậu ngày càng gây khó khăn cho việc sản xuất và tiếp cận lương thực, đặc biệt là ở những khu vực ... |
| Coi trọng đảm bảo các quyền con người trong công tác công an Ý thức được ý nghĩa của cơ chế UPR, Bộ Công an luôn coi trọng quá trình thực hiện các khuyến nghị nhằm thúc đẩy ... |
| Những con số khẳng định nỗ lực rất lớn trong bảo đảm quyền con người của Việt Nam 44 luật được thông qua trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, GDP đầu người tăng 25%, ... |
| Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân thông qua Luật Lưu trữ sửa đổi Bổ sung các quy định mới bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của người dân, Luật Lưu trữ (sửa đổi) thể hiện tinh thần ... |
| Hôm nay 28/5, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi) Hôm nay 28/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tòa ... |