📞

Sức ép địa chấn và địa chính trị của Nepal

20:49 | 25/04/2017
Quốc gia Himalaya đang gồng mình lên trước những áp lực về cả mặt địa lý và chính trị.

Thân phận “củ khoai giữa hai tảng đá”

Nằm giữa hai quốc gia lớn và đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, Nepal luôn coi mình như một quốc gia nhỏ bé. Nhưng với dân số 28 triệu người, nước này vẫn đông dân thứ 40 trên thế giới.

Nepal còn là một trong những quốc gia cao nhất thế giới, với đỉnh núi Everest ở độ cao 8.848 m. Người Nepal thường nói đùa rằng nước họ có 6 hướng là Bắc, Nam, Đông, Tây, Trên và Dưới.

Nepal là quốc gia lâu đời nhất ở Nam Á. Nepal trải qua cuộc chiến tranh chống Anh và giành độc lập cách đây 200 năm. Trong thế kỷ 19, nước này hai lần đưa quân lên dọc biên giới phía Bắc Himalaya để đánh chiếm Tây Tạng song không thành công do sự can thiệp của Trung Quốc. Về mặt lịch sử, Nepal gắn với hai nước láng giềng khổng lồ, như vị vua sáng lập phát biểu vào năm 1760 rằng quốc gia mới này giống "củ khoai giữa hai tảng đá".

Nepal nằm giữa hai láng giềng khổng lồ. (Nguồn: Nepal Foreign Affairs)

Cho đến ngày nay, hầu hết người Nepal vẫn cảm thấy rằng “củ khoai” của họ đang bị đè nén. Bằng chứng gần đây nhất là việc Ấn Độ phong tỏa đường biên giới mở dài 1.300 km trong 5 tháng đầu năm 2015, làm ngưng trệ nguồn cung cấp thực phẩm, nhiên liệu và các mặt hàng nhập khẩu khác. Việc phong tỏa không chỉ làm suy yếu nền kinh tế Nepal mà còn cản trở việc cung cấp các nguồn cứu trợ sau thảm họa động đất ngày 25/4/2015 khiến gần 9.000 người thiệt mạng.

Chậm trễ trong nỗ lực cứu trợ

Ngày 25/4/2017 đánh dấu năm thứ hai sau thảm họa trên. Chính phủ Nepal trở thành mục tiêu chỉ trích của những người sống sót, các cơ quan cứu trợ và cộng đồng quốc tế về sự chậm trễ trong quá trình tái thiết. Hầu hết trong số 2 triệu người bị ảnh hưởng vẫn đang sống trong nhà tạm bợ. Chỉ một số rất ít trong 700.000 ngôi nhà bị phá hủy được khôi phục và nhiều gia đình thay vì chờ đợi khoản tài trợ 3.000 USD từ Chính phủ, họ tự xây dựng lại nhà cửa.

Có nhiều lý do cho sự chậm trễ này: thiếu viện trợ quốc tế, sự can thiệp của chính phủ vào nỗ lực cứu trợ, thiếu nhiên liệu và vật liệu xây dựng do Ấn Độ phong tỏa biên giới và bất ổn chính trị do tranh cãi xung quanh Hiến pháp mới của Nepal.

Hai tháng sau khi xảy ra trận động đất, Chính phủ đã thực hiện một báo cáo đánh giá thiệt hại và ước tính cần 9,38 tỷ USD để tái thiết nhà cửa và cơ sở hạ tầng. Một cuộc họp của các nhà tài trợ quốc tế tại Kathmandu vào tháng 7/2015 đã cam kết 4,1 tỷ USD, trong đó hơn một nửa khoản vay từ Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, 2 năm sau, nước này chỉ nhận được 2,3 tỷ USD. Một số nhà tài trợ không giữ lời hứa với lý do là họ không tin tưởng Chính phủ chi tiêu các khoản viện trợ một cách kịp thời và hiệu quả.

Trên thực tế, Cơ quan Tái thiết Quốc gia (NRA) được thành lập 9 tháng sau thảm họa với nhiệm vụ điều phối nỗ lực viện trợ song vào thời điểm NRA có bộ máy nhân sự đầy đủ thì Giám đốc điều hành Govinda Pokhrel, một kỹ sư được đào tạo tại Đức, bị sa thải khi Chính phủ thay đổi.

Rõ ràng sự phối hợp giữa các bộ trong Chính phủ cũng như giữa Chính phủ và NRA đã thất bại. Các chính trị gia đã can thiệp vào việc bổ nhiệm lãnh đạo NRA với hy vọng kiểm soát được các khoản tiền hoặc ghi điểm về hoạt động cứu trợ trong thời gian bầu cử.

Sự trở lại của ông Pokhrel vào vị trí lãnh đạo NRA được cho là quyết định sáng suốt. (Nguồn: Nepali Times)

Điểm sáng duy nhất là ông Govinda Pokhrel đã được đưa trở lại lãnh đạo NRA và đang nỗ lực phân phối các khoản trợ cấp nhà ở và cho phép các gia đình linh hoạt hơn trong việc ứng dụng các thiết kế chống chấn động trong xây nhà mới. Chính sự năng động của NRA đã giúp cho các chính trị gia che giấu sự chậm trễ của họ khi Nepal đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương lần đầu tiên trong vòng 20 năm.

Một trận động đất lớn hơn?

Năm 2015, do động đất xảy ra vào cuối tuần, hàng chục ngàn trẻ em đã thoát chết bởi các trường học thường nằm trong các tòa nhà bằng gạch và đất nung rất dễ sụp đổ. Trận động đất cũng chỉ ảnh hưởng 11 trong số 75 quận của Nepal. Tuy vậy, Nepal có thể không được may mắn như vậy trong lần tiếp theo. Các nhà địa chấn cảnh báo rằng một trận động đất lớn hơn có thể xảy ra bất cứ lúc nào do áp lực tích tụ bên dưới trung tâm Nepal vẫn chưa được giải phóng hoàn toàn.

Trong khi đó, có ít dấu hiệu cho thấy Chính phủ và người dân Nepal rút ra bài học từ thảm họa động đất 2015. Các khu căn hộ bê-tông nhẹ vẫn đang được xây dựng tại Kathmandu, trong khi nhiều ngôi nhà ở nông thôn vẫn sử dụng vật liệu tái chế mà không thay đổi về mặt thiết kế.

Nepal cần nâng cao khả năng giải cứu những người bị mắc kẹt trong nhà sập. (Nguồn: Nikkei Asian Review)

Đáng lo ngại hơn, nước này hầu như không có khả năng tiến hành các hoạt động tìm kiếm và giải cứu những người bị mắc kẹt trong các nhà cao tầng bị sập.

Bên cạnh việc chịu đựng một sức ép về địa chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Nepal cũng cần phải luôn sẵn sàng chuẩn bị cho va chạm kiến tạo mới do mảng Ấn Độ tiếp tục di chuyển mạnh lên phía Trung Quốc.

(theo Nikkei Asian Review)