Back to E-magazine
e magazine
08:00 | 19/02/2021
CHUYỆN ĐẠI SỨ. 'Sức mạnh mềm' Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

08:00 | 19/02/2021

TGVN. Sức mạnh mềm Việt Nam trong thời kỳ mới không chỉ là sự vun đắp trên nền tảng vốn có mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới, Ðại sứ Nguyễn Nguyệt Nga cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn với Báo TG&VN nhân dịp tết Tân Sửu 2021.
“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

Đối với những người đi phỏng vấn nhân vật cho báo Tết như chúng tôi, gặp được Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, Cố vấn cấp cao Ban Thư ký quốc gia ASEAN 2020, quả thực là một may mắn. Cuộc nói chuyện khiến chúng tôi như “vỡ” ra nhiều điều về một vấn đề mà có lẽ rất nhiều người còn chưa rõ, và hơn hết là cảm nhận và sự khâm phục trước tâm huyết, trăn trở, kỳ vọng của một nhà ngoại giao đa phương kỳ cựu, về sự phát triển của đất nước trong tương lai.

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

Trong câu chuyện với nữ Đại sứ về sức mạnh mềm của Việt Nam, chúng tôi không chỉ được bà chia sẻ về những trải nghiệm trong quãng thời gian hơn 30 năm trong ngành ngoại giao trên nhiều vị trí quan trọng, mà còn cả những suy nghĩ, đúc kết vượt cả không gian, thời gian, quay về với lịch sử nghìn năm văn hiến dân tộc.

Đại sứ Nguyệt Nga hào hứng chia sẻ: Có thể nói, vận dụng sức mạnh mềm là một trong những nét đặc trưng, “nghệ thuật” của ngoại giao nước ta trong suốt chặng đường lịch sử dân tộc. Việt Nam là một nước vừa và nhỏ lại ở vị trí địa chiến lược đặc biệt, vì vậy việc ứng xử khôn khéo, vận dụng sức mạnh mềm trong quan hệ với các nước, nhất là với các nước lớn, luôn đặt ra, đặc biệt là trong 75 năm qua khi nước ta trở thành quốc gia độc lập.

“Một trong những câu hỏi mà nhiều nhà ngoại giao, bè bạn quốc tế đến nay vẫn hay hỏi chúng tôi, đó là vì sao Việt Nam có thể chiến thắng được tất cả đế quốc, thực dân hùng mạnh hàng đầu thế giới…”, bà nói.

Câu trả lời thỏa đáng cho “bí quyết” về những thắng lợi hào hùng đó của dân tộc, theo nhà ngoại giao nữ kỳ cựu, có lẽ là vì chúng ta có được sự ủng hộ chí tình tận nghĩa của mặt trận quốc tế rộng rãi chưa từng có của các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, phong trào công nhân trên thế giới và các nước XHCN.

“Chúng ta đã phát huy sức mạnh của tính chính nghĩa, khát vọng độc lập, thống nhất của dân tộc ta, gắn với xu thế, ước vọng của các dân tộc về hòa bình, tự do, bình đẳng, bác ái. Việt Nam trở thành ngọn cờ của phong trào độc lập dân tộc, nguồn cổ vũ của các dân tộc thuộc địa. Như Bác Hồ đã dạy, đó là “kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại” để thành công”, bà nói.

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới
Nhân dân khắp nhiều nơi trên thế giới đã phản đối chiến tranh tại Việt Nam.

Cũng theo nữ Đại sứ, chính nền tảng lịch sử hào hùng cùng nền văn hiến, truyền thống hòa hiếu và nhân nghĩa… là những nhân tố “mềm” góp phần quan trọng để chúng ta tiếp tục thu phục trái tim, tình cảm, tranh thủ ủng hộ, hợp tác của bè bạn, đối tác trong công cuộc đổi mới, phát triển và hội nhập quốc tế thời gian qua.

Điều đó thể hiện rõ ở lòng tin của nhiều nước lớn, nước nhỏ ở khu vực và trên thế giới, trong đó có cả các nước vốn là cựu thù, lựa chọn Việt Nam là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác thương mại tự do. Đó là sự tin cậy khi Việt Nam được lựa chọn là nước chủ nhà của Thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2/2019. Đó là sự tín nhiệm cao của các thành viên Liên hợp quốc dành cho Việt Nam với số phiếu kỷ lục 192/193 khi bầu chọn thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021...

“Đúng như Giáo sư Joseph Nye, người khởi xướng học thuyết ‘quyền lực mềm’ từ năm 1990, khi đến Việt Nam năm 2010 đã đánh giá, Việt Nam là một câu chuyện rất hấp dẫn trong lịch sử về sự dũng cảm của con người cũng như văn hóa. Việt Nam có tiềm năng về sức mạnh mềm và có thể tận dụng điều đó cho sự phát triển của mình”, Đại sứ Nguyệt Nga nói.

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đầu những năm 1990, xu thế chung là các quốc gia ngày càng coi trọng sức mạnh mềm trong sức mạnh tổng hợp quốc gia, thậm chí coi đó như là “quyền lực thứ năm”. Trong thế kỷ XXI, sức mạnh quốc gia được hình thành bởi sức mạnh cứng và sức mạnh mềm, tạo nên “sức mạnh thông minh”.

Sức mạnh cứng bao gồm những yếu tố có thể cân đo, đong đếm được như lực lượng quân đội, vũ khí, quy mô kinh tế…; còn sức mạnh mềm được tạo lập từ tính hấp dẫn của nền văn hóa, lịch sử, hệ giá trị chính trị - xã hội, chính sách đối ngoại và ngày nay còn là chất lượng hệ thống giáo dục, mô hình phát triển và hội nhập, năng lực kết nối số...

“Sức mạnh mềm tương tác với sức mạnh cứng để tạo nên sức mạnh tổng hợp lớn hơn rất nhiều cho các quốc gia. Trong một thế giới siêu gắn kết của kỷ nguyên số, sức mạnh mềm càng quan trọng, thậm chí trong một số trường hợp có tính quyết định đối với sức mạnh tổng hợp, đem đến thành công về phát triển, định vị quốc gia”, Đại sứ Nguyệt Nga khẳng định.

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

Điều đó, theo nữ Đại sứ, là do hòa bình, hợp tác, liên kết vì phát triển và dân chủ hóa vẫn là xu thế nổi trội trong đời sống quốc tế. Bên cạnh đó, cục diện quốc tế đa trung tâm, đa chủ thể đang định hình, không chỉ có vai trò của nhà nước mà còn có sự tham gia ngày càng tăng của các tổ chức xã hội, truyền thông, doanh nghiệp, giới nghiên cứu, thanh niên, phụ nữ… Vì vậy, để có thể tranh thủ ủng hộ hay tập hợp lực lượng, thì các nước, kể cả các nước lớn, đều phải sử dụng các “biện pháp mềm” như tận dụng thiện cảm, tương đồng văn hóa, uy tín, mối quan hệ, gắn kết…

Bà lấy ví dụ các nước như Singapore, Thụy Sỹ, Na Uy… có quy mô không lớn về diện tích và dân số, nhưng nhờ phát huy sức mạnh mềm, đi đầu về năng lực công nghệ số, kết nối số… nên đang trở thành những quốc gia có tiếng nói, vai trò trong nhiều vấn đề quốc tế.

Hàn Quốc triển khai bài bản chiến lược sức mạnh mềm từ đầu thế kỷ XXI thông qua làn sóng âm nhạc Kpop, điện ảnh, thời trang, ẩm thực…, từ đó đẩy mạnh đáng kể xuất khẩu của nước này.

Trong khi đó, Nhật Bản đẩy mạnh giao lưu văn hóa cùng chính sách ngoại giao kinh tế, viện trợ phát triển để giảm sự phê phán của các nước về quá khứ chiến tranh, qua đó tăng quan hệ, mở rộng thị trường thương mại, đầu tư ra ngoài.

“Bản thân Giáo sư Joseph Nye và nhiều nhà hoạch định chính sách cũng đúc kết rằng, thời nay, ngay cả trong giải quyết các vấn đề an ninh truyền thống như xung đột vũ trang, giải trừ quân bị thì cũng đều cần phải sử dụng sức mạnh mềm mà thương lượng, thỏa hiệp với các nước khác, chứ không thể sử dụng vũ lực, áp đặt, hăm dọa như trước”, bà nói.

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

Là người từng đảm nhận các vị trí công tác khác nhau trong ngoại giao song phương và đa phương, Đại sứ Nguyệt Nga có nhiều chiêm nghiệm về việc phát huy sức mạnh mềm trên hai mặt trận này.

“Có thể nói, cách thức vận dụng sức mạnh mềm trong ngoại song phương và ngoại giao đa phương vừa có những tương đồng cơ bản, vừa có đặc thù riêng, đồng thời tương tác chặt chẽ, bổ trợ nhau”.

Trong quan hệ song phương, theo nữ Đại sứ, những tương đồng văn hóa, tôn giáo, lịch sử, ngôn ngữ… và cả thiện cảm, quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo thường là những yếu tố nổi trội tạo đồng cảm, gắn bó, thúc đẩy đồng thuận và hợp tác. Đơn cử như sự gắn kết giữa các nước thành viên trong ASEAN với nhau, bên cạnh mục tiêu chung về hòa bình và phát triển ở khu vực, còn xuất phát từ những tương đồng về nền tảng văn hóa nông nghiệp - văn minh lúa nước hoặc nương rẫy vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền văn hóa uyển chuyển, thích nghi với những thay đổi….

Chính lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, tinh thần tự cường dân tộc, tình bạn sâu sắc giữa hai nhà lập quốc Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng thống Sukarno là những nền tảng vững chắc cho quan hệ, lòng tin chiến lược Việt Nam - Indonesia…

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp của Nhóm Phụ nữ ASEAN vì Hòa bình (AWPR) theo hình thức trực tuyến, ngày 5/6/2020 (ảnh trên) và Hội nghị toàn thể Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương, ngày 15/6/2017 (ảnh dưới).

Trong khi đó, tại các diễn đàn đa phương là nơi có nhiều đối tác với các lợi ích phức tạp hơn, thì việc vận dụng sức mạnh mềm còn phải tính đến các yếu tố “mềm” như uy tín quốc gia, khả năng nắm bắt tâm tư chung, năng lực hài hòa sự khác biệt lợi ích giữa các thành viên, khả năng thương lượng, điều hành, dẫn dắt, đề xuất sáng kiến….

Đại sứ nêu rõ, thành công toàn diện của Việt Nam trong vai trò kép Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong năm 2020 muôn vàn khó khăn là một bài học điển hình về vận dụng hài hòa sức mạnh mềm trong đa phương – song phương thời đại mới.

Đó là khả năng nắm bắt thời cuộc và năng lực khởi xướng, thúc đẩy đồng thuận về tinh thần đa phương, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, đoàn kết và hợp tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi kinh tế, dẫn dắt triển khai các biện pháp đầy sáng tạo, chưa từng có tiền lệ để “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”…

Quan hệ song phương thuận lợi đương nhiên hỗ trợ nhiều cho ta tiếp cận, vận động, thương lượng các sáng kiến đa phương. Đặc biệt, chính việc nước ta kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 và duy trì phát triển kinh tế - xã hội đã làm tăng niềm tin của các đối tác vào sự điều phối, dẫn dắt của Việt Nam, hưởng ứng tích cực những ý tưởng, kế hoạch do ta đề xuất.

“Có thể nói, những nỗ lực và vai trò dẫn dắt đó của ta được bè bạn, đối tác đánh giá cao, khẳng định sức mạnh mềm mới, vị thế mới của nước ta. Và vì thế, việc đúc kết bài học về vận dụng sức mạnh mềm trong hai hình thái ngoại giao song phương và đa phương thời kỳ mới có ý nghĩa thực tiễn quan trọng để nâng tầm hội nhập sâu rộng và hiệu quả, xây dựng nền ngoại giao chuyên nghiệp và hiện đại”, Đại sứ Nguyệt Nga nhấn mạnh.

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

Nữ Đại sứ cho rằng, bàn về sức mạnh mềm hiện nay là rất trúng thời điểm khi đất nước bước vào thời kỳ chiến lược mới, hoàn toàn khác trước.

Tìm đọc nhiều tài liệu, nghiên cứu về sức mạnh mềm, bà trăn trở rất nhiều. Bởi câu chuyện sức mạnh mềm theo khái niệm của Joseph Nye năm 1990, hay theo các đúc kết gần đây là điều mà “ai cũng biết”. Còn trong thời đại mới, khi tình hình thế giới và khu vực cũng như bản thân đất nước đang thay đổi căn bản, với các yếu tố địa chính trị, địa kinh tế mới và dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì đâu là nền tảng và thành tố mới của sức mạnh mềm Việt Nam?

Quyền lực mềm của các quốc gia luôn thay đổi theo thời đại và từng thời kỳ phát triển. Sức mạnh mềm Việt Nam trong thời kỳ mới không chỉ là sự vun đắp trên nền tảng vốn có – là lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu - mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới”.

Những vị thế, lợi thế mới, theo Đại sứ Nguyệt Nga, trước hết, đó là thế mới về địa chiến lược và địa kinh tế của nước ta. Sau 35 năm đổi mới và tích cực hội nhập quốc tế, đến nay Việt Nam đã thiết lập được một mạng lưới tầm toàn cầu các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác FTA với 65 đối tác – trong đó có hầu hết các trung tâm kinh tế - công nghệ - chính trị toàn cầu, chiềm gần 60% dân số thế giới, hơn 61% GDP và 68% thương mại toàn cầu.

“Trong một thế giới toàn cầu hóa và gắn kết ở mức độ cao, mạng lưới đan xen lợi ích như vậy có ý nghĩa hết sức thiết yếu để chúng ta hình thành một không gian rộng lớn, bền vững cho phát triển, an ninh và vị thế của đất nước”.

Thứ hai, với những thành tựu đổi mới, phát triển, kiểm soát dịch Covid-19…, Việt Nam tiếp tục được nhiều nước, nhiều đối tác đánh giá là một trong những mô hình thành công về cải cách, hội nhập và cả về nâng cao năng lực quốc gia trong ứng phó với các thách thức toàn cầu.

Thứ ba, việc nước ta đảm nhận thành công các trọng trách quốc tế lớn với những đóng góp mang đậm dấu ấn Việt Nam, mà mới đây là chủ nhà Năm APEC 2017, Diễn đàn WEF-ASEAN 2018, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều 2019 và đặc biệt là “vai trò kép” tại ASEAN và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc… đã góp phần quan trọng khẳng định năng lực và vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải của Việt Nam trong thúc đẩy quan tâm chung, hợp tác chung. Vì vậy, vai trò của Việt Nam được đông đảo đối tác, bè bạn quốc tế ủng hộ, tin cậy và kỳ vọng.

“Sức mạnh mềm của Việt Nam thời nay còn được tạo dựng từ việc Việt Nam sẵn sàng và có thể đảm nhận các trọng trách lớn tại các cơ chế đa phương, làm cho các nước thêm tin cậy vào năng lực và khả năng đóng góp của chúng ta vào các công việc chung của khu vực và trên thế giới”.

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

Việt Nam đang đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực hiện khát vọng trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Thế giới bước vào thời kỳ phát triển mới của kỷ nguyên số, song tình hình sẽ chuyển biến hết sức sâu sắc, đầy biến động, thậm chí với những chuyển dịch mang tính bước ngoặt, mang lại cả thời cơ và thách thức chưa từng có.

Vì vậy, Đại sứ Nguyệt Nga cho rằng, “sức mạnh mềm sẽ càng quan trọng hơn khi chúng ta muốn phát triển ở tầng nấc cao hơn, muốn đóng vai trò lớn hơn, đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề của khu vực và thế giới trong kỷ nguyên số”.

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

Theo bà, như bài học kinh nghiệm của nhiều nước và thực tiễn nước ta vừa qua cho thấy, để đạt mục tiêu trên, trước hết chúng ta cần xây dựng định hướng chiến lược về phát huy sức mạnh mềm Việt Nam thời kỳ mới một cách bài bản, dài hạn, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huy động tiềm năng của mọi tầng lớp xã hội.

“Việc phát huy sức mạnh mềm phải là nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, vì sức mạnh của Việt Nam trong lịch sử từ trước đến nay vẫn là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp toàn dân. Đối ngoại Việt Nam là đối ngoại toàn diện, đa binh chủng”.

Thứ hai, cần chú trọng phát huy nội lực, đổi mới toàn diện trên nền tảng chuyển đổi số và phát triển bền vững, thúc đẩy các ngành công nghiệp sáng tạo, nuôi dưỡng niềm tự hào của thế hệ trẻ về lịch sử và văn hiến dân tộc… để làm điểm tựa gia tăng sức mạnh mềm quốc gia trong kỷ nguyên số.

“Chúng ta cần tiếp tục khẳng định, Việt Nam không chỉ là một mô hình thành công về đổi mới, mở cửa và hội nhập như trong 35 năm qua, mà thời nay còn là một quốc gia có năng lực đổi mới sáng tạo, kết nối rộng lớn, nhạy bén thích nghi với thay đổi và ứng phó với thách thức mới”.

Thứ ba, cần đẩy mạnh đổi mới tư duy và có cách tiếp cận năng động, sáng tạo trong triển khai đối ngoại thời kỳ mới, chú trọng phát huy sức mạnh mềm. Theo đó, cần nâng cao năng lực và khẳng định vai trò “nòng cốt, dẫn dắt và hòa giải” trong các vấn đề then chốt của khu vực, quốc tế và phát huy vị thế mới về địa chiến lược, địa kinh tế của đất nước.

Nâng tầm đóng góp vào quan tâm chung, tăng cường đảm nhận trọng trách quốc tế tầm mức cao hơn, vai trò điều hành tại các cơ chế quốc tế và khu vực, về dài hạn đăng cai tổ chức sự kiện mang tính gắn kết công chúng rộng lớn phù hợp khả năng, kể cả các sự kiện thể thao, triển lãm – hội chợ ở quy mô châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu.

Thứ tư, định hình chiến lược ngoại giao công chúng đáp ứng yêu cầu mới của thời kỳ hội nhập sâu rộng kỷ nguyên số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, phát huy vai trò của thế hệ trẻ, hình thành các trung tâm văn hóa Việt ở các nước….

“Điều quan trọng không thể thiếu là phải chú trọng hình thành văn hóa hội nhập Việt Nam, tạo nên những thế hệ ‘công dân ASEAN’, ‘công dân toàn cầu’…, để mỗi người dân, doanh nghiệp, địa phương Việt Nam thực sự là một đại sứ, đại diện của sức mạnh mềm dân tộc thời kỳ mới”, nữ Đại sứ nói.

“Sức mạnh mềm” Việt Nam trong thời kỳ chiến lược mới

Kim Chung – Nguyễn Hồng (ghi)

Đồ họa: Minh Nhật

Ảnh: Nguyễn Hồng, Stephanie Mitchell, TTXVN...

Đọc thêm

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

Việt Nam - Brazil: Bện chặt thêm sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc

"Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Brazil 112 năm trước chính là biểu tượng cho sợi dây liên kết từ rất sớm giữa hai dân tộc. Dù cách xa nửa vòng trái đất, nhưng nhân dân hai nước đã có những điểm chung..." Đại sứ Việt Nam tại Brazil Bùi Văn Nghị trả lời phỏng vấn Báo Thế giới và Việt Nam trước thềm chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

Những ‘cú twist’ đối ngoại sẽ tái định hình ‘phong cách Donald Trump’

‘Nước Mỹ trên hết’, ‘chia sẻ trách nhiệm’, ‘áp lực tối đa’, ‘cây gậy và củ cà rốt’… sẽ là những cách tiếp cận mới trong chính sách đối ngoại mang ‘thương hiệu’ riêng của Tổng thống đắc cử Donald Trump.
Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác nhiều lần 'đầu tiên' đặc biệt của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm

Chuyến công tác 8 ngày với gần 80 hoạt động của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đạt được kết quả tốt đẹp trên cả bình diện song phương và đa phương.
Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trung Quốc dành nhiều biệt lệ đón tiếp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18-20/8, Đảng, Nhà nước Trung Quốc thu xếp đón tiếp đặc biệt trọng thị, bố trí các biện pháp lễ tân, an ninh cao nhất theo nghi thức chuyến thăm cấp Nhà nước với nhiều biệt lệ, thể hiện sự coi trọng quan hệ với Đảng, Nhà nước, Nhân dân Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa đối ngoại Việt Nam lên tầm cao mới

"Những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua có những dấu ấn to lớn, quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng", Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công tác đối ngoại.
'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.