Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trả lời họp báo ở Cairo, ngày 14/1. (Nguồn: Reuters) |
“Người bạn” của châu Phi
Trung Quốc ngày càng xem châu Phi là một trong những khu vực có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại, đặc biệt trước bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp với nhiều bất ổn chính trị và điểm nóng xung đột.
Việc Bắc Kinh bày tỏ sự quan tâm lớn với lục địa này đã bắt đầu từ sau Thế chiến II, khi hỗ trợ các quốc gia kém phát triển trong khu vực thông qua dịch vụ xã hội về giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, hợp tác về tài nguyên thiên nhiên giữa châu Phi và Trung Quốc dần phát triển kể từ khi quốc gia Đông Bắc Á cải cách mở cửa năm 1978.
Chuyến công du châu Phi của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từ ngày 13-18/1 vừa qua cho thấy, Bắc Kinh dành sự quan tâm không nhỏ đến khu vực này trong quá trình phát huy ảnh hưởng trên trường quốc tế.
Chuyến thăm bắt đầu với cuộc tiếp xúc giữa ông Vương Nghị với lãnh đạo các quốc gia Ai Cập, Tunisia, Togo và Cote. Tại đây, nhà ngoại giao bày tỏ sự ủng hộ của Trung Quốc với các nước châu Phi trong việc bảo vệ chủ quyền và độc lập của họ.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Togo Robert Dussey tán thành chính sách “một Trung Quốc” và nhấn mạnh thêm rằng, người dân châu Phi cần một người bạn như Trung Quốc.
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 19 tại Kampala, Uganda, ngày 19/1. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Tại Hội nghị cấp cao Phong trào Không liên kết (NAM) lần thứ 19 và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước đang phát triển (G77) lần thứ 3 gần đây, Trung Quốc cũng nhận được sự ủng hộ tích cực từ các nước châu Phi.
Trong đó, Quyền Ngoại trưởng Sudan Ali Al-Sadiq đánh giá Bắc Kinh là đối tác quan trọng của khu vực. Ông bày tỏ: “Chúng tôi rất mong chờ sự hiện diện của Trung Quốc trên lục địa này, vì Trung Quốc cam kết không ràng buộc sự phát triển của các nước châu Phi”.
Trung Quốc cho rằng, thế giới cần tiếp tục duy trì độc lập và loại bỏ chính trị cường quyền, cần nỗ lực tìm kiếm điểm chung để thúc đẩy hòa bình, bình đẳng và công bằng. Đồng thời, Bắc Kinh khẳng định sẽ luôn là thành viên của thế giới đang phát triển và sẵn sàng hợp tác với các nước phương Nam để thúc đẩy Sáng kiến Phát triển toàn cầu, Sáng kiến An ninh toàn cầu và Sáng kiến Văn minh toàn cầu, hướng tới xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại.
Trước đó, Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) đã thu hút sự hợp tác từ 52 nước châu Phi. Các quốc gia này ký Biên bản ghi nhớ (MoU) về BRI với Trung Quốc, tạo điều kiện hợp tác xây dựng đường sá, bến cảng, đường sắt và các cơ sở hạ tầng quan trọng khác. Điều này không chỉ giúp tăng cường khả năng giao lưu giữa các quốc gia, mà còn là cơ hội tốt để Bắc Kinh tận dụng tối đa tiềm năng tài nguyên ở khu vực.
"Câu trả lời" của Mỹ
Trong thập niên qua, Mỹ luôn theo dõi BRI của Trung Quốc nói chung và quá trình mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trên khắp châu Phi nói riêng. Do đó, Washington coi việc cải thiện quan hệ thương mại với khu vực này là “ưu tiên trong chính sách đối ngoại”.
Ngày 22/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã khởi hành chuyến công du tới bốn quốc gia châu Phi, bắt đầu từ Cape Verde trước khi đến Bờ Biển Ngà, Nigeria và Angola. Qua đây, Nhà Trắng muốn khẳng định rằng, châu Phi vẫn là ưu tiên hàng đầu trong giải quyết xung đột khu vực và khủng hoảng toàn cầu.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matt Miller mô tả các nước châu Phi là “những quốc gia cực kỳ quan trọng trong chính sách của Mỹ”. Ông Blinken dự kiến thảo luận về các vấn đề kinh tế và an ninh, bao gồm cả nguy cơ khủng bố ở Sahel.
Washington cho biết sẽ hợp tác với Cape Verde về gói đầu tư thứ ba. Trong khi đó, Thủ tướng Cape Verde Ulisses Correia e Silva nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn tăng cường quan hệ đối tác với Mỹ trong lĩnh vực an ninh hàng hải và an ninh mạng từ góc độ khu vực và toàn cầu”.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) và Thủ tướng Cape Verde Ulisses Correia e Silva trong cuộc gặp tại Cung điện chính phủ ở Praia, Cape Verde. (Nguồn: U.S.News & World Report) |
Trước đó, Mỹ đã hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng, bao gồm khoản đầu tư vào dự án hành lang Lobito ở Angola. Đây được xem là “câu trả lời” cho chính sách BRI từ Bắc Kinh. Bởi hồi năm 2022, Angola đã từ chối đề nghị của Trung Quốc nhằm khôi phục và vận hành dịch vụ vận chuyển hàng hóa dọc tuyến Hành lang Lobito.
Thay vào đó, họ cấp quyền 30 năm cho một tập đoàn châu Âu do Mỹ hậu thuẫn, hứa hẹn vận chuyển hàng triệu tấn khoáng sản năng lượng xanh như đồng, mangan và coban từ Congo đến bờ biển Đại Tây Dương của Angola.
Song, bà Molly Phee, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Phi, nhấn mạnh: “Chúng tôi không phản đối việc các quốc gia đa dạng hoá quan hệ đối tác”.
Bác bỏ ý kiến của báo chí khi cho rằng Washington cố gắng cạnh tranh Bắc Kinh ở châu Phi, quan chức này nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi chỉ đang quan tâm tới những lo ngại của người châu Phi”.
Các dự án của Trung Quốc phản ánh mục đích chính trị to lớn là tăng cường quan hệ với các quốc gia châu Phi. Bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng lẫn thực hiện các chuyến thăm cấp cao, Bắc Kinh dần khiến đối thủ cạnh tranh của mình là Mỹ không thể ngồi yên.
Do đó, thông qua chính sách kinh tế và an ninh, Washington muốn lấy lại ảnh hưởng với châu Phi sau khoảng thời gian tập trung vào xung đột Hamas-Israel. Những chính sách hiện nay cho thấy Mỹ đang nhanh chóng đưa ra phản ứng trong quá trình cạnh tranh địa chính trị với Trung Quốc.