Năm nay là năm thứ tư Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại được trao cho những người làm báo lĩnh vực này. Kể từ khi ra đời vào năm 2015, Giải đã góp phần tạo ra luồng gió mới trong đời sống hoạt động báo chí, góp phần động viên tích tực và khuyến khích những người hoạt động ở mảng báo chí chính thống nhưng luôn bị coi là "khô", ít hấp dẫn bạn đọc...
Thời cơ của thông tin đối ngoại
Phát biểu tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại 2017 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Giải thưởng này nhằm tăng cường sự kết nối, phối hợp giữa các đơn vị báo chí đối ngoại, giữa thông tin đối ngoại với thông tin đối nội, giữa các cơ quan đơn vị địa phương, đồng thời góp phần tạo động lực cho phóng viên, biên tập viên, các chuyên gia, nhà nghiên cứu của các cơ quan thông tấn báo chí, cơ quan xuất bản.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhận định, thành công năm nay cho thấy uy tín của Giải ngày càng nâng cao và khẳng định vai trò quan trọng của thông tin đối ngoại với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Không chỉ góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh một nước Việt Nam hòa bình, mến khách, ổn định, phát triển, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, báo chí đối ngoại còn giúp tạo dựng tin tưởng, đồng thuận và ủng hộ cao của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, tạo nên sức mạnh tổng hợp, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trao giải Nhất cho các tác giả đoạt giải, ngày 14/6. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhìn vào các tác phẩm dự thi năm nay, có thể nhận thấy báo chí đối ngoại đã được đăng tải trên các báo, tạp chí nước ngoài uy tín, tính lan tỏa của thông tin đến với độc giả cao với hình thức thể hiện đa dạng, sinh động. Bên cạnh những cây bút chuyên nghiệp, nhiều kiều bào, bạn bè quốc tế đến từ các nước Nga, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Cuba, Bulgaria, Slovakia, Ấn Độ, Pháp, Đức… đã nhiệt tình viết báo đối ngoại.
Theo ông Phạm Văn Linh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, các tác phẩm báo chí đối ngoại ngày càng có chất lượng chuyên môn tốt, đáp ứng được tính thời sự, tính đối ngoại, đề cập toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa trong nước cũng như đời sống của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh những thông tin chính xác, kịp thời và sinh động về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề quốc tế và khu vực, những người làm báo đối ngoại cũng luôn đấu tranh phản bác những thông tin sai sự thật, luận điệu xuyên tạc về Việt Nam.
Thực tế cho thấy, thành công của đối ngoại Việt Nam năm 2017 có sự đóng góp của báo chí trong việc đưa tin lan tỏa, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Trong Năm APEC 2017, báo chí đã luôn đồng hành với hàng chục sự kiện diễn ra trên các tỉnh, thành phố của Việt Nam, làm nổi bật nội dung, vai trò của chủ nhà cũng như thành công của Việt Nam đến với bạn đọc một cách nhanh nhất.
Có thể nói, sự hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam hiện nay chính là mảnh đất màu mỡ của những người làm báo đối ngoại. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, người làm báo phải tích cực cập nhật nhiều kiến thức tổng hợp trong tình hình mới bên cạnh phát huy lòng yêu nước và bản lĩnh chính trị.
Để nâng cao chất lượng của thông tin đối ngoại, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương thức truyền thông mới trong thời đại công nghệ 4.0 để mở rộng sức lan tỏa của thông tin. Mới đây, khi nói về Giải thưởng Báo chí Quốc gia 2017, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cũng cho biết số lượng các tác phẩm báo chí sử dụng công nghệ ngày càng nhiều cho thấy cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có dấu hiệu tích cực trong đời sống báo chí.
Phóng viên Phạm Thị Thuận; Báo Thế giới & Việt Nam (Bộ Ngoại giao) đoạt Giải Ba với chùm tác phẩm: “Chưa hết tò mò về Việt Nam”; “Trở về với bản ngã” và “Để sống cùng hai nền văn hóa”. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ngày 14/6 vừa qua, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Trung ương tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2017 (tác phẩm báo chí và sách). Tại sự kiện, Báo Thế Giới & Việt Nam - Cơ quan truyền thông của Bộ Ngoại giao được trao Giải Ba với chùm bài về chủ đề “Người gốc Việt và giá trị nguồn cội” của phóng viên Phạm Thuận. |
Thách thức với làm báo đối ngoại
Làm báo đã khó nhưng với những người làm báo ở lĩnh vực đặc thù là đối ngoại lại có những khó khăn riêng. Họ không chỉ cần giỏi chuyên môn nghiệp vụ, nhanh nhạy tiếp cận với thông tin mới, công nghệ mới mà còn phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhạy bén trong xử lý thông tin và đưa thông tin.
Sáng 20/6, trong buổi gặp mặt các nhà báo lão thành và lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu, các cơ quan báo chí chọn lọc thông tin, định hướng tốt dư luận xã hội, xây dựng môi trường thông tin lành mạnh.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 93 năm trước đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Kể từ đó, báo chí luôn là lực lượng nòng cốt và giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng. Thủ tướng khẳng định báo chí cách mạng là công cụ sắc bén góp phần quan trọng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều với luận điệu sai trái của các thế lực phản động. Vì vậy, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò lực lượng nòng cốt, tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như chủ động bác bỏ những nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội... Đây chính là nhiệm vụ và những khó khăn mà những người làm báo đối ngoại thường xuyên phải đối mặt.
Trong một thế giới ngổn ngang các sự kiện với nguồn tin dồn dập đến từ nhiều hướng khác nhau, việc đưa tin đúng định hướng không phải là một vấn đề dễ dàng với người làm báo chí đối ngoại. Khi nói về thách thức này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng cho rằng, trước môi trường đối ngoại và môi trường thông tin đang có sự thay đổi mạnh mẽ, người làm thông tin đối ngoại cần không ngừng đổi mới, cải tiến cả nội dung và hình thức theo phương châm: chính xác, kịp thời, linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng.