Theo các chuyên gia, những vụ giết người rồi tự tử xảy ra gần đây là một ví dụ về sự quá khích do căng thẳng trong tâm lý người Mỹ. Các chuyên gia về sức khoẻ tâm thần cho rằng số bệnh nhân nhập viện đang ngày càng gia tăng.
Tuần trước vụ người đàn ông đã giết cả gia đình rồi tự tử do phải đối mặt với phá sản về tài chính là vụ việc mới nhất về làn sóng của sự cùng quẫn tràn qua tâm lý người Mỹ.
Rajaram, một nhân viên tư vấn tài chính thất nghiệp, trước khi tự tử đã để lại lời nhắn nhủ rằng tình trạng tài chính khốn đốn khiến anh ta còn rất ít sự lựa chọn ngoài việc giết vợ, 3 con và mẹ vợ. Phó trưởng cảnh sát Los Angeles miêu tả Rajarram, 45 tuổi là người bị lâm vào tình trạng tuyệt vọng.
Tấn bi kịch của gia đình Rajaram ở bên bờ tuyệt vọng do sự hỗn loạn về tài chính đã khuấy động những ngày yên ả hạnh phúc của người Mỹ. Nỗi lo về việc nhà bị tịch thu, thất nghiệp và giá chứng khoán lao dốc làm gia tăng các vấn đề về sức khoẻ tinh thần.
“Những chấn động tâm lý tôi đã chứng kiến ở chu kỳ khoảng 20 năm trước và vụ 11/9”, theo giám đốc ComPsych Corp, trụ sở ở Chicago nghiên cứu các trường hợp có vấn đề về sức khoẻ tâm thần. “ Nhưng lần này những sang chấn trải rộng hơn và không dễ hồi phục trong vòng một vài tháng”.
Phó giám đốc của Value Options trụ sở tại Virginia, cũng theo dõi những người có vấn đề về sức khoẻ tâm thần, nói rằng những cuộc gọi điện thoại liên quan đến căng thẳng do nhà bị tịch thu và căng thẳng về tài chính đã tăng 200% ở California.
Bác sĩ Turner, trưởng khoa Tâm thần học ở Kaiser nói rằng riêng tháng 8 số lượng bệnh nhân mắc vấn đề về tâm thần nhập viện tăng gấp 4 lần bình thường, trong đó khoảng 60% bệnh nhân nói rằng căng thẳng về tài chính góp phần vào bi kịch của họ.
Tại Stockton, tâm bão của khủng hoảng tịch thu nhà xiết nợ ở California, một chuyên gia về sức khoẻ tâm thần nói rằng hơn 1/3 các bệnh nhân của chị liên quan đến những vấn đề về tịch thu nhà để xiết nợ. Không nghi ngờ gì nữa, những vấn đề này đã tràn vào ngõ ngách của cuộc sống gia đình.
“Họ bị khủng hoảng do những món nợ xấu trả tiền nhà, bởi vậy họ bắt đầu cắn xé và đổ lỗi cho nhau. Một số người sa vào nghiện ngập rượu chè. Đó là một ảnh hưởng của hiệu ứng domino”
Một số người trải qua những triệu chứng như suy nhược, đau đầu và thiếu tinh thần làm việc. Những khủng hoảng này có thể dần dần làm suy nhược con người khi sức khoẻ nền kinh tế tiếp tục xấu đi.
“Tôi cảm thấy kiệt quệ, cứ 15 phút tôi lại thấy cần phải uống B12”, Jackson, một nghệ sĩ 44 tuổi đang bị tịch thu nhà do nợ xấu kể.
Với những người như Rajaram, áp lực tài chính như một địa ngục không thể trốn thoát được. Điều gì đã đưa đẩy anh ta đến bên rìa của tất cả những nỗi tuyệt vọng này là cả một câu chuyện.
Anh ta có một công việc có thể nói là thành đạt, chuyên đầu tư vào các công ty mới khởi nghiệp. Anh ta có một gia đình êm đẹp. Vợ 39 tuổi, bà mẹ vợ 69 tuổi cùng 3 cậu con trai. Sau đó khủng hoảng kinh tế dẫn đến kết cục anh ta hành động một cách hung bạo.
Cảnh sát không tìm thấy chứng cớ rõ ràng về việc tịch thu xiết nợ của Rajaram và cũng chưa tìm thấy dấu hiệu vỡ nợ. Nhưng một điều tra viên quen với trường hợp như thế này nói rằng Rajaram “ mất nhiều tiền trên thị trường”.
“Anh ta nghĩ là không còn lựa chọn nào khác. Viên cảnh sát phẫn nộ. “ Thật là xấu hổ khi anh ta nghĩ thế bởi vì anh ta rõ ràng vẫn còn giải pháp.”
Tỷ lệ tuyệt vọng và tự tử có xu hướng tăng trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Một nghiên cứu cho thấy giai đoạn kinh tế suy thoái từ 1972 đến 1991, các vụ tự tử tăng 2% so với bính thường.
Chán nản về tình trạng tài chính, người ta thường bắt đầu tự cô lập khỏi gia đình và bạn bè, tự khép mình vào cái vỏ ốc tuyệt vọng. Bị loại khỏi vòng quay kiếm tiền mà họ cần một cách liều mạng, họ rơi vào trạng thái mất niềm tin.
Tuy nhiên những vụ tự tử chỉ là số ít. Phố biến hơn là tình trạng lo âu, cáu kỉnh, ảnh hưởng đến công việc và những mối quan hệ cá nhân, khiến mối quan hệ với mọi người càng tồi tệ hơn.
Những dấu hiệu trầm uất đầu tiên thường xuất hiện như: chứng mất ngủ, buồn bực, dễ cáu kỉnh, căng thẳng, có thể các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè không để ý chia sẻ hoặc không biết nguyên nhân do đâu.
Một cuộc khảo sát mới đây do Hội tâm lý Mỹ tiến hành đã cho thấy 8/10 người Mỹ cho rằng kinh tế là nguyên nhân chính gây căng thẳng trong cuộc sống của họ. Gần một nửa đang phải lo lắng để vật lộn với những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống gia đình.
“Nếu con người cảm thấy stress về một điều gì đó, họ sẽ cũng thấy chán nản mọi thứ khác. Đó là hiệu ứng lan toả” theo nhà tâm lý học Monica.
Bất ổn kinh tế đã không chỉ ảnh hưởng đến những người bị mất nhà hoặc mất việc, mà còn ảnh hưởng rộng đến những người đầu tư cho tương lai của họ. Tuần này chỉ số Dow Jones đã chìm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Kinh tế là một “ tác nhân gây căng thẳng”, ảnh hưởng đến mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội”.
Vào thời điểm người ta bị thiệt hại tài chính, thậm chí cả những chi phí nhỏ cũng có thể phồng lên thành gánh nặng. Một bệnh nhân là giáo viên, đã bị chán nản do thay đổi công việc và cô ấy không thể chịu được giá xăng lên cao khi hàng ngày phải đi lại cách nhà 35 dặm (khoảng 60km).
Một bệnh nhân khác, chủ một cơ sở kinh doanh nhỏ, cảm thấy thất bại do cô ấy đã phải dãn thợ vì ít việc.
Những niềm vui đơn giản, không mất tiền, như đi dạo trong công viên hoặc trượt patin lại khiến họ càng buồn bã do nó gợi cho họ suy nghĩ rằng gia đình họ không thể có đủ điều kiện để hưởng thụ những niềm vui xa xỉ hơn.
Không giống như những rắc rối về tình cảm, đối với các bệnh nhân quá chán nản do liên quan đến tình trạng tài chính, các chuyên gia sức khoẻ tâm thần cũng phải giúp xử trí những vấn đề về tiền nong của bệnh nhân. Một số bệnh nhân yếu quá đến nỗi chuyên gia tâm lý phải đóng vai trò làm người đại diện giải quyết những vấn đề tài chính cho họ.
“Những người này chán nản đến nỗi họ chỉ có thể nhấc được mỗi cánh tay. Họ không thể làm được việc gì và mọi thứ rối tung lên. Họ không biết rằng nếu họ viết ra giấy hoặc gọi một cuộc điện thoại thì họ có thể tránh được một số cảm giác tiêu cực xuất hiện”.
Sau một thập kỷ kiếm tiền dễ dàng và giá nhà đất tăng chóng mặt, nay bong bóng kinh tế vỡ khiến nhiều người phải đối mặt với thực tế khắc nghiệt. Với những người nhập cư đang phải nỗ lực thể hiện mình, say sưa với “giấc mơ Mỹ”, cú đánh kinh tế này đặc biệt là một đòn giáng mạnh.
Rajaram cũng là một người trong cộng đồng thiểu số đã đạt được giấc mơ Mỹ trong một thời gian ngắn hơn hầu hết những người nhập cư khác, theo luật sư Lakshmy, cũng là người sáng lập DAYA Inc, một tổ chức giúp đỡ những nạn nhân Nam Á bị bạo lực gia đình. Rajaram cũng đã thành công ngoài mong đợi và cũng phải chịu sức ép. Theo luật sư Lakshmy, “Có một sức ép liên miên để đạt được giấc mơ Mỹ”.
Vài tuần trước, cả gia đình vẫn còn vui vẻ trong buổi tiệc ở Beverly Hills, một người bạn của họ nhớ lại. “Tôi không nghĩ rằng có ai trong những bạn bè thân của gia đình họ biết được chuyện gì sắp xảy ra.”, theo lời kể của một phụ nữ không thân thiết với gia đình lắm. ” Người ta thường không kể nhiều về tình trạng tài chính gay go của bản thân mà tự âm thầm chịu đựng.”
Theo VieTimes