TS. Nguyễn Đức Kiên. (Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị) |
Lưu tâm đến lạm phát nhưng không xem là vấn đề sống còn
Các tổ chức kinh tế cảnh báo một cuộc suy thoái đồng loạt ở những nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Nếu điều này xảy ra, hệ quả của nó tới các nền kinh tế sẽ là gì?
Với cách ứng xử của Chính phủ Mỹ hiện nay có thể thấy chính họ cũng quan ngại khả năng suy thoái. Tuy nhiên, tới thời điểm này, chúng ta chưa đủ thông số để có thể khẳng định.
Trong trường hợp suy giảm tăng trưởng, hệ quả của nó: Thứ nhất: Thương mại toàn cầu giảm. Tình hình đầu tư, sản xuất, kinh doanh của các DN trong nước bị hạn chế sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong nhập khẩu của các hàng hóa tiêu dùng, hàng hóa cơ bản và các nguyên liệu vật liệu từ nước ngoài cũng sẽ giảm theo đó.
Thứ hai: Sự mất giá của đồng tiền: Lạm phát gia tăng dẫn đến tình trạng giá trị đồng tiền của các quốc gia giảm mạnh. Đồng tiền mất giá sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế không chỉ tác động đến một quốc gia mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu với các quốc gia khác.
Thứ ba: Giá hàng hóa, nguyên vật liệu thô sẽ giảm. Nếu nền kinh tế Mỹ và các nước lớn giảm thì nhu cầu về sản xuất hàng hóa, nhu cầu về nguyên liệu sản xuất cũng sẽ giảm đáng kể.
Thứ tư: Nếu tình hình kinh tế đi xuống, ngân hàng trung ương sẽ không thể sử dụng các công cụ tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế do việc làm này sẽ làm gia tăng lạm phát của quốc gia. Như vậy, năng lực trợ giúp của ngân hàng đối với nền kinh tế suy thoái gặp nhiều trở ngại.
Theo ông, đâu là rào cản, thách thức lớn nhất, đối với nỗ lực tăng trưởng và kiềm chế lạm phát trong giai đoạn còn lại của năm 2022?
Có rất nhiều thách thức, đặc biệt với giá nguyên nhiên, vật liệu đầu vào tăng rất cao thì sẽ có độ trễ và tác động đến chi phí của DN cũng như người dân. Mặc dù gần đây cũng có chiều hướng giảm nhưng vẫn đang ở mức cao, điều này cũng sẽ ảnh hưởng mặt bằng giá các mặt hàng quan trọng như là giá xăng, giá vận tải, các vật tư cho nông nghiệp, các vật liệu xây dựng và giá lương thực, thực phẩm tăng.
Bối cảnh quốc tế, xung đột chính trị Nga và Ukraine vẫn chưa có điểm dừng và lạm phát các nước tăng cao. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, FED tăng mạnh lãi suất đồng USD cũng là một áp lực lên lạm phát và nợ công của Việt Nam.
Lạm phát hiện đang được coi là nỗi lo lớn với các nhà quản lý kinh tế trên thế giới, nhiều ngân hàng trung ương đã phải tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Vậy theo ông, tại Việt Nam, chính sách tiền tệ nên được điều hành thế nào cho phù hợp?
Lạm phát ở nhiều nước trên thế giới vừa là do cầu kéo, vừa là do chi phí đẩy. Còn ở Việt Nam, lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) rất thận trọng trong việc thực thi chính sách tiền tệ với loại lạm phát này. Theo quan sát của tôi, Việt Nam vẫn chủ trương duy trì trạng thái hiện tại trong năm nay. Trên thị trường, các ngân hàng rục rịch tăng lãi suất nhưng lãi suất điều hành của Việt Nam vẫn duy trì ổn định.
Vị thế của nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã có những thay đổi tích cực hơn rất nhiều. Lạm phát được kiểm soát ổn định quanh mức 4% trong một thời gian dài. Dự trữ ngoại hối tăng cao liên tục và đạt chuẩn theo đánh giá về ngưỡng an toàn của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng đang được thắt chặt lại, trong khi hồ sơ pháp lý cũng nhưng năng lực tài chính của các DN cũng được kiểm soát.
Trong nhiều năm gần đây, các DN của Việt Nam đã chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước Liên hiệp châu Âu (EU), châu Phi và các nước châu Á khác...
Việt Nam nằm trong chuỗi cung ứng nhưng nghiêng nhiều hơn ở đầu cầu sản xuất. Các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguyên liệu trong sản xuất công nghiệp. Trước làn sóng tăng giá, Việt Nam chủ động được các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực. Nhìn vào đặc thù kinh tế Việt Nam hiện nay có thể thấy lạm phát là vấn đề cần lưu tâm nhưng chưa phải là vấn đề sống còn, vẫn trong mức độ chấp nhận được.
Động lực để phát triển kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm là gì thưa ông?
6 tháng cuối năm, nền kinh tế sẽ phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, cầu trong nước và đầu tư công. Một số ngành dịch vụ có mức tăng trưởng cao 2 con số trong quý II/2022 như du lịch, dịch vụ ăn uống. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của DN được duy trì và đang dần phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng là động lực cho tăng trưởng. Việc triển khai các hiệp định thương mại tự do mới, đơn cử như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực thực thi từ đầu năm nay sẽ tạo điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư chất lượng cao hơn và hiệu quả tốt hơn.
Thu hút FDI cũng là điểm sáng, tạo nên sức bật cho nền kinh tế. Năm 2022, Việt Nam có khả năng thu hút khoảng 40 tỷ USD vốn FDI đăng ký và 21 - 22 tỷ USD vốn thực hiện như mục tiêu đề ra. Nhiều DN cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng trong nước và gói hỗ trợ kinh tế có thể là một cú hích thuận lợi cho các DN, giúp giảm bớt những khó khăn, trở ngại.
Đầu tư công không chỉ được coi là một trong 3 động lực để tăng trưởng kinh tế, mà còn là động lực để nền kinh tế có cơ hội phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Trong đó tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng vì đầu tư vào hạ tầng trong lúc này được coi là then chốt để vực dậy nền kinh tế, bởi sẽ kéo các nguồn vốn đầu tư khác, kéo các lĩnh vực sản xuất khác phát triển theo, vừa tạo công ăn việc làm nâng cao chất lượng sống của người dân.
Tuy nhiên, đến nay giải ngân vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước mới đạt hơn 30% kế hoạch nên Chính phủ đang rất quyết liệt thúc đẩy giải ngân đầu tư công…
Củng cố nội lực
Bình quân mỗi tháng có hơn 19.000 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động; ngược lại, có 13.500 DN rút lui khỏi thị trường mỗi tháng. Ông có khuyến nghị gì với riêng cộng đồng DN?
Con số này cho thấy khó khăn của DN vẫn còn phía trước. Chính phủ đã chủ động lường trước những khó khăn của nền kinh tế trong nước và quốc tế, tình hình dịch bệnh để từ đó có các biện pháp ứng phó.
Từng DN phải nhận định rõ khó khăn, thách thức cụ thể của mình để có những giải pháp thích ứng phù hợp. (Nguồn: VNE) |
Chính phủ đã kịp thời đưa ra những chính sách, giải pháp hỗ trợ những đối tượng cần hỗ trợ đó là người dân, DN, giữ thị trường. Việc Chính phủ cần làm là tiếp tục tập trung kiểm soát lạm phát và đảm bảo nguồn cung lương thực, năng lượng và các mặt hàng thiết yếu, theo dõi chặt chẽ biến động giá cả trong nước và quốc tế; bên cạnh đó tiếp tục triển khai các gói hỗ trợ DN.
Về phía DN cần chủ động đầu vào và đầu ra; cải cách về quản lý và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ. Từng DN phải nhận định rõ khó khăn, thách thức cụ thể của mình để có những giải pháp thích ứng phù hợp.
Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh các trọng tâm chỉ đạo, điều hành và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong tình hình mới. Trong đó yêu cầu "4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 kiên quyết không". Ông nhận xét gì về những chỉ đạo này? Để đảm bảo kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm, những giải pháp nào cần được tập trung triển khai thời gian tới?
Điểm cần nói đến là kinh tế vĩ mô ổn định, trong thời điểm khó khăn bủa vây mà kinh tế vĩ mô ổn định là rất quý. Chúng ta tự hào là một trong những nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng dương năm 2021 (tăng 2,91%) và trong 6 tháng năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng, từ đó củng cố vị thế trên thị trường quốc tế, tăng niềm tin tới người dân, DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Có được kết quả này là, trong hoàn cảnh đặc thù, Quốc hội, Chính phủ đã áp dụng nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ. Bơm hút tiền một cách linh hoạt dựa trên tín hiệu thị trường cũng như chủ động thực thi chính sách tài khoá kịp thời và quyết liệt.
Chính phủ bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, trong đó bảo đảm nhất quán, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Cần phải đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia. Khơi thông sản xuất trong nước cũng như là xuất khẩu; kích cầu tiêu dùng nội địa, phát huy hết các thế mạnh sẵn có.
Xin cảm ơn ông!