📞

Tạ ơn mảnh đất thân thương

08:25 | 24/10/2013
Chúng tôi đến Khu tập thể cán bộ cấp cao ở phố Vạn Bảo gặp ông trong một chiều thu Hà Nội. Tác phong nhanh nhẹn vốn có của vị nguyên “thủ lĩnh” Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khiến chúng tôi “mất” cảm giác về tuổi tác của ông.
Ông Vũ Mão trao đổi với phóng viên báo Thế Giới & Việt Nam.

Khi biết chúng tôi muốn hỏi về những kỷ niệm của mình trong thời gian ông gắn bó với Quảng Ninh, ông đưa ra cuốn sách “Quảng Ninh: Địa danh Phong thủy”.

“Với Quảng Ninh, tôi đã có 10 năm sống và làm việc, cống hiến và trưởng thành. Ước nguyện của tôi là nghiên cứu để viết đôi nét về phong thủy của địa danh Quảng Ninh. Việc làm ấy là để tạ ơn mảnh đất thân thương mà mình đã từng gắn bó”.

Thế mới biết, ông vẫn nặng tình với mảnh đất vùng Đông Bắc tổ quốc.

Thời còn công tác tại đây, phần lớn thời gian ông làm việc ở Ty Thủy lợi (1971 - 1979), công việc ấy cho phép ông được đi khắp nơi trên mảnh đất Quảng Ninh.

“Quảng Ninh là vùng đất rộng lớn, biển rộng mênh mông, núi rừng bao la, tài nguyên phong phú. Đấy là tiền đề để phát triển”, ông nhận xét.

Ấy là địa thế, là phong thủy của mảnh đất vùng than, còn con người nơi đây thì “đầy nhiệt tình, tâm huyết luôn mang trong mình bầu máu nóng. Họ là những người cương trực, thẳng thắn biết đấu tranh cho lẽ phải. Chữ Quảng còn nói lên lòng khao khát của người dân muốn địa phương mình phát triển, đạt tới sự nghiệp lớn”.

“Người Quảng Ninh luôn cần cù, nhẫn nại để đạt tới sự nghiệp lớn ấy”. Nghe ông nói, chúng tôi nhìn nhau: Chắc là ông vẫn theo sát tính “thời sự” của Quảng Ninh, vẫn luôn mong mảnh đất này thành đầu tàu kinh tế của miền Bắc, của đất nước?

Và như thể đã thành thói quen từ lâu, ông ngâm hai câu thơ:

Cao vút Bài Thơ cờ hồng phất phới

Cách mạng kiên trung Đất Mỏ anh hùng

Từ lúc ấy, ông trở nên lãng đãng… “tôi nhớ Tiên Yên có nhiều đồi núi, sông suối với kinh tế theo mô hình nông - lâm - ngư nghiệp. Rừng Tiên Yên có nhiều cây gỗ quý, là vùng trồng quế nổi tiếng”.

“Đặc biệt gà Tiên Yên và cà sáy Tiên Yên ngon nổi tiếng Quảng Ninh” ông chợt nhớ..., rồi cất giọng:

Con sông nhỏ Tiên Yên

Dòng nước trôi êm đềm

Một màu xanh biêng biếc

Mang giáng hình nàng Tiên

Ông lại nhớ đến phố huyện Tiên Yên, đó là “con phố cổ kính bởi những mái ngói âm dương thâm nâu màu xưa cũ… Phố không vỉa hè, một bước từ hiên là ra đến đường. Trong ngôi nhà, bếp liền ngay đó nên khói bếp đôi khi làm cho đôi mắt cay cay mà lại ấm áp thân thương…”.

Rồi ông nhớ đến công trình thủy lợi lớn nhất Quảng Ninh: xây dựng đập hồ Yên Lập những năm 1975 - công trình thủy lợi có sự tham gia chỉ đạo xây dựng của ông. “Hồ có diện tích 182 km2, đủ để tưới tiêu cho các huyện Hoành Bồ, Yên Hưng, Uông Bí…”.

Khi về, chúng tôi tìm hiểu mới biết: Sau khi hoàn thành, nước ôm quanh chân núi tạo thành một hồ lớn có nhiều cảnh đẹp hấp dẫn với những đảo nổi tự nhiên như: đảo Bàn Tay, đảo Canh, đảo Cua, đảo Giáp Giới… cùng với rừng thông bao la phủ kín các ngọn đồi tạo nên cảnh đẹp nên thơ. Hồ đang thu hút hàng vạn du khách đi thuyền đến chùa Lôi Âm (được xây dựng từ thế kỷ 15) để lễ Phật và ngắm cảnh.

Nhưng ông lại cho hay, Yên Lập là công trình thủy lợi lớn đầu tiên có sự tham gia của ông, để sau này, khi đã là thủ lĩnh của Đoàn Thanh niên (thập kỷ 1980), ông tiếp tục gắn bó với các công trình thủy lợi khi đề nghị với Đảng, Nhà nước cho Đoàn đảm nhận công trường xây dựng nhà máy nhiệt điện Phả Lại và nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tháng 11/1982, hai công trình chính thức mang tên Công trường Thanh niên Cộng sản và Đoàn Thanh niên nhận đỡ đầu, vận động tuổi trẻ cả nước góp sức.

Trời cuối chiều Yhu, Hà Nội se se lạnh, rời căn gác nhỏ, chúng tôi vẫn thấy ông cất giọng ngâm đầy cảm xúc:

Yên Tử ngàn năm lãng đãng mây

Tùng lâm nhè nhẹ gió mưa bay

Về nơi Tam Tổ thiêng liêng ấy

Cho hồn thanh thoát giữa đời say

Ông Vũ Mão (sinh năm 1939), nguyên Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ năm 1982 - 1987, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước từ năm 1987 - 1992, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ năm 1992 - 2002, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội từ năm 2002 - 2007, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa 5, 6, 7, 8, 9 (từ năm 1982 - 2006), Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội các khóa 9, 10, 11.

Năm 1971, ông công tác tại Ty Thủy lợi Quảng Ninh. Năm 1976, ông là Trưởng ty Thủy lợi. Tháng 1/1979, ông được phân công làm Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, Quảng Ninh.

Năm 1980, ông được điều sang làm Bí thư Tỉnh Đoàn Thanh niên tỉnh Quảng Ninh. Tháng 11/1980, ông được phân công làm Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phụ trách tổ chức.

Anh Ngọc