Nhỏ Bình thường Lớn

Quảng Ninh và chiến lược phát triển bền vững

Nằm ở khu vực Đông Bắc tổ quốc, với tiềm năng, lợi thế của mình, Quảng Ninh đã được Chính phủ đồng ý xây dựng trở thành địa bàn động lực, cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với khu vực và quốc tế.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển kinh tế dịch vụ, công nghiệp hiện đại và là một trong những đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, du lịch dịch vụ, kinh tế biển của miền Bắc.

Tiềm năng, cơ hội nổi trội

Quảng Ninh có vị trí địa chính trị, kinh tế đặc biệt, được ví như “đất nước Việt Nam thu nhỏ” là cơ hội để phát triển kinh tế toàn diện, hiện đại, đa dạng và phong phú, có khả năng hội nhập quốc tế sâu rộng.

Đầu tiên phải kể đến sự thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy, cảng biển. Là cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, nhất là cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cảng nước sâu Cái Lân… Quảng Ninh có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước Đông Bắc Á và các nước thuộc khu vực Tiểu vùng Mekong mở rộng, điểm kết nối quan trọng của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Hoạt động xuất nhập khẩu mỗi năm đã mang về cho ngân sách Tỉnh trên 2.000 tỷ đồng/năm, tương đương 50% GDP của Tỉnh. Thương mại biên giới trở thành kênh tiêu thụ hàng hoá hiệu quả cho khu vực sản xuất trong Tỉnh và các tỉnh bạn.

Thứ hai, Quảng Ninh có hơn 500 danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử được xếp hạng, đặc biệt có Vịnh Hạ Long 2 lần được UNESCO công nhận là “Di sản thiên nhiên của thế giới”, là cơ hội để phát triển dịch vụ du lịch, nhất là phát triển công nghiệp giải trí. Những năm qua, Quảng Ninh đã dần khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Đây được xem như một ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế của Tỉnh. Năm 2012, Quảng Ninh đón hơn 7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn 2,4 triệu lượt.

Thứ ba, Quảng Ninh có nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có, nhất là than đá, đá vôi, đất sét… là điều kiện và cơ hội tốt để phát triển trung tâm khai khoáng, trung tâm nhiệt điện, vật liệu xây dựng của cả nước. Hiện nay, với sản lượng than chiếm tới trên 90% sản lượng cả nước, cộng với các ngành công nghiệp khác như sản xuất vật liệu xây dựng, nhiệt điện, cơ khí, đóng tàu… đã hình thành nên sức mạnh ngành công nghiệp Quảng Ninh. Năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh chiếm tới 51% trong cơ cấu GDP.

Thứ tư, con người và lịch sử văn hóa Quảng Ninh là nơi hội tụ, giao thoa, sự thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Quảng Ninh là cái nôi cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống vang dội “kỷ luật và đồng tâm”. Chính truyền thống lịch sử, văn hóa đó đã tạo nên Đất mỏ Anh hùng trong kháng chiến và ngày nay đang là lực lượng xung kích thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhu cầu tất yếu chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã phát huy các lợi thế, tiềm năng cho phát triển kinh tế - xã hội: Tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt 12,7%, giai đoạn 2011-2012 bình quân tăng 9,53%/năm. GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 2.635,7 USD, gấp 1,7 lần so với cả nước. Cơ cấu kinh tế theo hướng tỷ trọng nông nghiệp giảm, công nghiệp, dịch vụ tăng. Năm 2011, nông nghiệp chiếm 5,11%, công nghiệp 53,83% và dịch vụ chiếm 41,06% trong cơ cấu kinh tế Tỉnh.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhất là từ khi mới chuyển sang cơ chế thị trường và mở cửa hội nhập, tăng trưởng của Quảng Ninh chủ yếu theo chiều rộng, theo số lượng. Đến nay, hiện trạng kinh tế - xã hội của Quảng Ninh đang bộc lộ dấu hiệu của tăng trưởng nóng và không bền vững. GDP của Tỉnh trong những năm qua nằm trong nhóm các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước, nhưng ngành công nghiệp khai thác than chiếm đến 33% GDP của Tỉnh (năm 2011). Thu nội địa Quảng Ninh trong những năm qua chiếm đến 77% là từ khai thác than và thu thuế cấp quyền sử dụng đất, (năm 2012 là trên 50%). Thu từ các ngành dịch vụ chỉ chiếm khoảng 23%.

“Như vậy, kinh tế Quảng Ninh phát triển nóng và đang phụ thuộc vào tài nguyên hữu hạn, không ổn định và hơn thế nữa phải trả giá cho việc tàn phá môi trường, cho sự hủy hoại cảnh quan và những di sản văn hóa vô giá”, ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh đã đúc kết như vậy. So với tiềm năng khác biệt và cơ hội nổi trội, kinh tế Quảng Ninh phát triển chậm và chưa tương xứng, nhất là một số ngành như: thương mại, du lịch, kinh tế biển. Tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa rõ nét; kết cấu hạ tầng còn thiếu và yếu; hàm lượng công nghệ trong sản phẩm công nghiệp thấp…

Hướng đến nền kinh tế xanh

Với những tiềm năng, cơ hội đó, cộng với lợi thế khác biệt là điều kiện thuận lợi để tỉnh Quảng Ninh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay. Và “Quảng Ninh lựa chọn con đường tăng trưởng xanh nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Sự lựa chọn này phù hợp với xu thế của thời đại, phù hợp với các định hướng phát triển dài hạn của đất nước, phù hợp với đặc thù của Quảng Ninh…”, ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh.

Theo đó, Quảng Ninh xác định mục tiêu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và đạt các tiêu chí tỉnh nông thôn mới. Đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của Miền Bắc và cả nước. Xây dựng thành công Đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc để Quảng Ninh phát triển nhảy vọt, toàn diện sau năm 2030.

Để thực hiện thành công mục tiêu đó, Quảng Ninh đang tập trung thực hiện tốt các giải pháp: Một là, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển bền vững và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế “xanh”. Quảng Ninh phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, chất lượng cao, lấy du lịch, dịch vụ phức hợp quy mô lớn, hiện đại để hình thành ngành công nghiệp giải trí làm mũi nhọn. Phát triển công nghiệp bảo đảm an ninh năng lượng, công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và kinh tế biển. Huy động mọi nguồn lực để tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ toàn tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông, xây dựng đường cao tốc, sân bay, cảng biển, đường sắt...

Hai là, Quảng Ninh đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, đa dạng các hình thức đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ bên trong.

Ba là, Quảng Ninh tập trung phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.

Bốn là, tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Quảng Ninh tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt bổ nhiệm cán bộ theo hướng thi tuyển cạnh tranh, minh bạch, công khai.

Năm là, đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên cương, biển đảo, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tăng cường hợp tác hữu nghị biên giới, phát triển quan hệ hợp tác với các địa phương, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới... để hợp tác kinh tế, văn hoá và thu hút đầu tư.

Như vậy, sau 50 năm xây dựng và phát triển, Quảng Ninh tiếp tục chuyển mình với những kỳ vọng mới: đột phá về mô hình tăng trưởng sang phát triển bền vững. Với bước chuyển về tư duy và cách làm này, Quảng Ninh sẽ tiếp tục khẳng định vị thế của một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước.


Ngày 24/9/2013, HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIII họp kỳ thứ 10 đã quyết nghị thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Xin trích dẫn các chỉ tiêu chính:

Về kinh tế:

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2020 đạt khoảng 12-13%; cơ cấu GDP năm 2015 dịch vụ chiếm 45-45,5%, công nghiệp và xây dựng 49-49,5%, nông nghiệp chiếm 5-5,5%;

Cơ cấu GDP đến năm 2020 dịch vụ chiếm 51-52%, công nghiệp và xây dựng chiếm 45-46%, nông nghiệp chiếm 3-4%; GDP bình quân đầu người đạt 3.600 - 4.000USD (năm 2015) và đạt 8.000 - 8.500USD (2020); tốc độ tăng thu ngân sách trên địa bàn bình quân trên 10%.

Về xã hội:

Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 73% năm 2015 và 89% năm 2020; tỷ lệ thất nghiệp thành thị duy trì dưới 4,3%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,1%/năm giai đoạn 2011-2015 và 0,7%/năm giai đoạn 2016-2020;

Đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 10,5 vào năm 2015 và đạt 12,0 vào năm 2030; tỷ lệ dược sĩ đại học/vạn dân đạt 2,2 vào năm 2015 và đạt 2,5 vào năm 2020.

Về môi trường:

Tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 53,5% vào năm 2015 và 55% vào năm 2020; giảm tỷ trọng các ngành khai thác khoáng sản, tăng tỷ trọng các ngành kinh tế xanh; đến năm 2015 thực hiện thu gom 90% rác thải chất rắn đô thị, 100% các KCN, mỏ than, nhà máy… có hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường;

Đến năm 2020 trên 90% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý, 100% KCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Duy trì tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 100%. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt trên 95% vào năm 2015 và đạt 98% vào năm 2020.

Về quốc phòng - an ninh:

Xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh, đảm bảo ổn định vững chắc an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tạo bước chuyển biến rõ rệt về trật tự, an toàn xã hội, nếp sống đô thị, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Xây dựng Quảng Ninh trở thành khu vực phòng thủ vững chắc của vùng Đông Bắc và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.



Anh Sơn