Nhỏ Bình thường Lớn

Du lịch Quảng Ninh và mục tiêu 2020

Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Hà Quang Long, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ninh về những thành tích nổi bật và những kế hoạch để đạt được mục tiêu đến năm 2020

Để có cái nhìn tổng quan về ngành du lịch Quảng Ninh, xin ông giới thiệu với độc giả những thành tựu nổi bật của ngành trong thời gian qua?

Quảng Ninh là một đỉnh của tam giác tăng trưởng kinh tế miền BắcViệt Nam và cũng là một địa danh có tiềm năng du lịch đặc biệt nổi trội.

Quảng Ninh có danh thắng nổi tiếng làvịnh Hạ Longđã được UNESCOhai lần công nhận làDi sản thiên nhiên thế giớibởi giá trị toàn cầu về cảnh quan và địa chất địa mạo vào năm 1994 và năm 2000. Năm 2009, vịnh Hạ Long được Chính phủ công nhân là danh thắng quốc gia hạng đặc biệt. Năm 2011, vịnh Hạ Long một lần nữa được tôn vinh là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trên 600 di tích lịch sử văn hóa, lễ hội truyền thống, danh lam thắng cảnh, trong đó có nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng, rất có giá trị như Yên Tử đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và hiện nay là trung tâm Phật giáo, điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, Bạch Đằng - Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, khu di tích Nhà Trần, Chùa Quỳnh Lâm ( thuộc huyện Đông Triều), Đền Cửa Ông, Chùa Cái Bầu, Đình Quan Lạn, chùa Trà Cổ, lễ hội Tiên Công, lễ hội Chèo bơi Quan Lạn...

Với hình thế trải dài gần 250km bờ biển, Quảng Ninh sở hữu tài nguyên du lịch biển đảo độc đáo bậc nhất Việt Nam. Với trên 2.000 hòn đảo, cảnh quan nên thơ, nhiều bãi tắm đẹp quyến rũ như bãi tắm Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu, Cô Tô, Thanh Lân, Trà Cổ... Với điều kiện và lợi thế như vậy, Hạ Long (cùng với Cát Bà), Vân Đồn, Trà Cổ được Nhà nước quy hoạch là Khu du lịch quốc gia; Yên Tử là Điểm du lịch quốc gia.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn là cửa ngõ thông thương trực tiếp với Trung Quốc, một thị trường du lịch lớn trên thế giới và các nước khác thông qua các cửa khẩu quốc tế theo đường bộ, đường biển và cả đường hàng không trong tương lai.

Với lợi thế đặc biệt, lại được Đảng, Nhà nước và Tỉnh quan tâm đầu tư, du lịch Quảng Ninh những năm qua phát triển nhanh trên nhiều phương diện. Về không gian du lịch, hiện nay hoạt động du lịch đã phát triển trên phạm vi toàn tỉnh với 4 trung tâm du lịch lớn là: Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí - Quảng Yên - Đông Triều và Vân Đồn - Cô Tô. Cơ sở vật chất của ngành du lịch phát triển rất mạnh với trên 12.000 phòng nghỉ; trên 450 tàu du lịch với tổng trọng tải cho phép vận chuyển cùng lúc trên 18.000 khách, trong đó có trên 150 tàu du lịch nghỉ đêm trên Vịnh với gần 1800 phòng cao cấp. Nhiều khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, công viên, sân golf được xây dựng. Nội dung, hình thức, loại hình du lịch trên địa bàn khá đa dạng phong phú. Nhân lực du lịch trực tiếp lên tới 15.000 người.

Du lịch phát triển góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao nhận thức cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo...

Quảng Ninh và đặc biệt là Hạ Long đang trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu thu hút số đông du khách đến thăm. Trong 10 năm liên tục, từ 2001-2010, tốc độ tăng trưởng lịch của tỉnh giữ ổn định ở mức cao. Tăng trưởng khách quốc tế tăng trung bình 13,94%/ năm. Doanh thu du lịch tăng 29,24%/năm. Năm 2012, Quảng Ninh đón 7.005.000 lượt khách trong đó có 2.450.000 khách quốc tế. 9 tháng đầu năm nay, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 6,048 triệu lượt, tăng 10% cùng kỳ, trong đó khách quốc tế đạt 1,817 triệu lượt. Tổng doanh thu du lịch 9 tháng ước đạt 3.783 tỷ đồng, đạt 72,7% kế hoạch và tăng 14% so cùng kỳ năm trước. Du lịch đóng góp ngày càng cao trong sự nghiệp xây dựng phát triển tỉnh nhà.

Vậy phương hướng phát triển của du lịch Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Mục tiêu chung là đưa du lịch Quảng Ninh phát triển bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có sức thu hút lớn và có thu nhập cao; đưa Hạ Long - Quảng Ninh trở thành Điểm đến hàng đầu. Trong đó việc xây dựng quy hoạch phát triển, quản lý quy hoạch cùng với việc đầu tư đào tạo nhân lực trình độ cao, đầu tư phát triển sản phẩm, bảo vệ tài nguyên du lịch phải đặt lên hàng đầu.

Được sự cho phép của cấp trên, vừa qua Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký hợp đồng với Tập đoàn tư vấn BCG (The Boston Consultancy Group) của Mỹ, lập Quy hoạch phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cùng với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh đã được xây dựng bởi Công ty tư vấn quốc tế Mackinsey - Hoa Kỳ, các chương trình phát triển kinh tế xã hội, giáo dục đào tạo nhân lực trên địa bàn được thúc đẩy đồng bộ trong thời gian tới, chắc chắn Du lịch Quảng Ninh sẽ có bước phát triển mới, đóng góp tích cực hơn nữa đối với sự phát triển chung của tỉnh.

Đây là mục tiêu chung, vậy ngành đã và đang làm gì để đạt mục tiêu này?

Một mặt, chúng tôi tiếp tục theo sát kế hoạch lập quy hoạch, bảo đảm định hướng, đồng thời triển khai có trong tâm các nội dung khác đáp ứng mục tiêu phát triển. Ngành Du lịch Quảng Ninh đã và đang xúc tiến chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch địa phương, thương hiệu sản phẩm, triển khai chương trình đa dạng hóa dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng phát triển sản phẩm tiêu biểu, phù hợp các thị trường du lịch. Phối hợp mời gọi đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch chất lượng cao. Liên kết với các cơ sở đào tạo có uy tín để thúc đẩy nhanh hơn chương trình đào tạo bồi dưỡng nhân lực. Tăng cường quan hệ hợp tác phát triển với các tỉnh, thành, tổ chức du lịch ở trong nước và ngoài nước. Hợp tác liên kết phát triển theo vùng. Tăng cường công tác quảng bá. Tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống phục vụ khách du lịch. Quyết liệt chấn chỉnh, quản lý môi trường du lịch theo Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ; xúc tiến hình thành tổ chức để hỗ trợ tốt hơn khách du lịch...

Xin cảm ơn ông.

Đoàn Ngọc (thực hiện)


Đặc sản Quảng Ninh

Đến với mảnh đất địa đầu vùng Đông Bắc tổ quốc, bạn hãy thưởng thức:

Cà Sáy Tiên Yên: là vịt lai ngan được dân địa phương thuần chủng và nuôi tại đây từ lâu đời. Người Tiên Yên làm thịt cà sáy và chế biến món nước chấm chuyên dùng hết chỗ chê. Một thứ nước chấm có vị thơm của nước mắm Cái Rồng lại có vị ngọt ngào nồng ngậy của xá xị Quảng Tây cùng với vị cay dịu của gừng Tiên Yên trồng trên đất quê nhà.

Chả mực bánh cuốn: Biển Quảng Ninh có nhiều loại mực: mực nang, mực ống, mực sim. Mực ống thường phơi khô đem nướng ăn. Còn mực sim, mực nang thì xào. Đặc biệt mực nang còn dùng làm chả mực rất ngon. Ở thành phố Hạ Long có dãy phố chuyên làm chả mực bánh cuốn ở cạnh rạp Bạch Đằng đã trở nên quen thuộc, nhiều người gọi là phố “Chả mực bánh cuốn”.

Nem chua và Canh hà Quảng Yên: Nem chua Quảng Yên có thể sánh cùng nem chua Thanh Hoá. Song mỗi nơi lại có hương vị riêng. Còn Canh hà Quảng Yên thì không đâu có. Đặc biệt là giống hà sống ở dòng sông Chanh. Hà sông Chanh đem nấu canh chua ăn rất ngon và có cả bốn mùa, nhưng thú vị nhất vẫn là được ăn vào những ngày hè nóng bức.

Sái Sùng rang: Ở vùng biển Quảng Ninh có một loại hải sản đặc biệt, được gọi là sái sùng (hay sá sùng), tiếng Hán Việt gọi là sá trùng (con sâu cát), dân địa phương gọi là con mồi. Sái sùng khô đem rang, khi chín có màu vàng, mùi rất thơm, một hương thơm nồng ngậy đậm đà của biển. Sái sùng rang chấm với tương ớt, điểm thêm rau dấp cá, rau thơm và uống với bia thì thật là tuyệt.

Rượu ngán Hạ Long: Rượu ngán có mùi thơm, một mùi thơm khó tả rất riêng của biển. Một ly rượu ngán chuẩn phải có màu hồng, có vị hơi mằn mặn, chan chát, có mùi thơm thì mới đúng là rượu ngán Hạ Long. Uống rượu ngán Hạ Long ăn tôm hấp, sò huyết, ghẹ luộc, cá nướng, chả mực, hay bất kỳ một thứ hải sản nào cũng đều rất hợp.

D.L (sưu tầm)