Không ít thanh thiếu niên phương Tây sử dụng mạng xã hội để tự chẩn đoán sức khỏe tâm thần. Ảnh minh họa. (Nguồn: CNN) |
Không giống đa số thanh thiếu niên lướt TikTok và Instagram để giải trí, cô con gái 14 tuổi của bà Erin Coleman (Mỹ) sử dụng các mạng xã hội để tìm kiếm các video về chẩn đoán sức khỏe tâm thần.
Dựa vào thông tin trên mạng xã hội, cô bé tin chắc rằng cô mắc các chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), trầm cảm, tự kỷ, hội chứng sợ bẩn, sợ vi trùng và chứng sợ ra khỏi nhà. Bà Coleman cho biết: “Mỗi tuần, con gái tôi lại tự đưa ra một chẩn đoán khác. Thấy ai bị làm sao nó nghĩ mình cũng bị như vậy”.
Sau khi trải qua các cuộc kiểm tra về sức khỏe tâm thần và tình trạng y tế, bác sĩ kết luận con gái bà Coleman ở tình trạng lo lắng nghiêm trọng.
Khủng hoảng sức khỏe tâm thần
Các nền tảng truyền thông xã hội, bao gồm TikTok và Instagram, bị giám sát chặt chẽ trong những năm gần đây vì có khả năng dẫn dắt người dùng trẻ tuổi đến những nội dung có hại và làm trầm trọng thêm khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên.
Theo đó, ngày càng nhiều thanh thiếu niên sử dụng các nền tảng xã hội như Instagram và TikTok để tìm tài liệu cũng như hỗ trợ cho sức khỏe tâm thần của các em, đồng thời tự giải quyết theo cách mà các em cho là phù hợp với mình.
Sử dụng Internet để tự chẩn đoán bệnh không phải điều gì mới mẻ. Với lượng thông tin lớn, có sẵn trên môi trường mạng, các em có được thông tin về sức khỏe tâm thần mà mình cần và bớt cảm thấy cô đơn.
Tuy nhiên, việc tự chẩn đoán và chẩn đoán sai làm trầm trọng thêm vấn đề. Rủi ro hơn, các em có thể tự sử dụng thuốc cho tình trạng bệnh mà mình không mắc phải. Càng tìm kiếm các nội dung này, các thuật toán của mạng xã hội càng hiển thị nhiều video và bài đăng tương tự.
Tiến sĩ Larry D. Mitnaul, một bác sĩ tâm thần cho lứa tuổi thanh thiếu niên ở Wichita, Kansas cho biết, cách tự chẩn đoán phổ biến nhất mà ông gặp phải ở thanh thiếu niên là ADHD, rối loạn tự kỷ, rối loạn nhận dạng phân ly và rối loạn đa nhân cách, đặc biệt kể từ năm 2021. “Hậu quả là việc điều trị và can thiệp khá phức tạp”, việc này đặt các bậc cha mẹ vào tình thế khó khăn vì tìm kiếm sự giúp đỡ không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Một phụ huynh khác, bà Julie Harper (Mỹ) cho biết, con gái bà vốn hướng ngoại và thân thiện nhưng điều đó đã thay đổi từ đợt phong tỏa do Covid-19 vào năm 2020, khi cô bé 16 tuổi và bị chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Dù sau đó tình trạng có cải thiện khi dùng thuốc, nhưng tâm trạng thất thường của cô bé ngày càng tăng và các triệu chứng mới xuất hiện sau khi cô bắt đầu dành nhiều thời gian xem TikTok.
Các chuyên gia cho biết nhiều người dùng mạng xã hội đăng bài về chứng rối loạn tâm thần thường được thanh thiếu niên coi là “nguồn đáng tin cậy”, vì những người dùng đó cũng mắc chứng rối loạn được thảo luận trong video, hoặc vì họ tự nhận mình là chuyên gia về chủ đề này.
Lời kêu gọi hành động
Hồi tháng Năm, Tổng hội bác sĩ phẫu thuật Mỹ đã đưa ra lưu ý về việc sử dụng mạng xã hội có “nguy cơ gây hại sâu sắc” cho trẻ em và kêu gọi tăng cường nghiên cứu về tác động của nó đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên, cũng như kêu gọi hành động từ các nhà hoạch định chính sách và các mạng truyền thông xã hội. Theo bà Alexandra Hamlet, nhà tâm lý học ở thành phố New York, các công ty chủ quản mạng xã hội nên điều chỉnh thuật toán để phát hiện người dùng xem quá nhiều nội dung về một chủ đề cụ thể. Bà nói: “Họ cần có thông báo nhắc nhở người dùng tạm dừng và suy nghĩ về thói quen sử dụng mạng của mình”.
Trong một tuyên bố, bà Liza Crenshaw, người phát ngôn của Meta, công ty mẹ của Instagram, cho biết “Công ty không có các biện pháp bảo vệ cụ thể ngoài Tiêu chuẩn cộng đồng. Tiêu chuẩn này cấm quảng bá, khuyến khích hoặc tôn vinh những thứ như ăn uống kiêng khem hoặc tự làm hại bản thân”. Meta đã tạo ra một số chương trình như chương trình Well-being Creator Collective, để hướng dẫn những người sáng tạo nội dung thiết kế các nội dung tích cực, truyền cảm hứng và hỗ trợ sức khỏe thể chất và tinh thần cho thanh thiếu niên. Instagram giới thiệu một số công cụ để hạn chế lướt mạng vào đêm khuya, đưa thanh thiếu niên chuyển qua chủ đề khác nếu đã xem một nội dung quá lâu.
Nâng cao kiểm soát
Các mạng xã hội hiện nay đều có công cụ để đo tác hại của việc sử dụng quá đà, nhất là đối với giới trẻ nhưng lại có ít các biện pháp để hạn chế. Dù vậy, một số nền tảng, ứng dụng cũng đã bắt đầu đưa ra biện pháp khắc phục.
Chẳng hạn như, Snapchat, một trong những nền tảng giao tiếp và là mạng xã hội rất được giới trẻ phương Tây ưa chuộng, đã chính thức phải đưa vào sử dụng tính năng “Family center” (Trung tâm gia đình), trong đó cho phép các phụ huynh được kiểm soát một phần việc sử dụng mạng xã hội của con cái. Thông qua tính năng này, các bậc cha mẹ biết được tần suất đăng nhập mạng xã hội, những đối tượng giao tiếp của con mình trên mạng xã hội dù không được phép xem nội dung các giao tiếp.
Theo cảnh báo hôm 23/5 của bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ Vivek Murthy, các mạng xã hội phải đưa vào sử dụng các tính năng tương tự bởi lẽ việc bảo vệ trẻ vị thành niên là một trong những ưu tiên lớn nhất của các cơ quan quản lý mạng xã hội tại các nước phương Tây, đặc biệt tại châu Âu.
Theo đó, xu hướng phát triển mạng xã hội là tất yếu và cần điều chỉnh để chúng phát triển minh bạch, kiểm soát được, chứ không nên kìm hãm. Trong bối cảnh các hãng công nghệ lớn như Google, Facebook và TikTok… ngày càng gây ảnh hưởng song lại ít bị ràng buộc trách nhiệm với cộng đồng thì vai trò thắt chặt kiểm soát của các chính phủ là cần thiết. Ngoài trách nhiệm của các công ty công nghệ, yếu tố quan trọng khác để bảo đảm môi trường mạng xã hội lành mạnh là nâng cao ý thức của mỗi người tham gia mạng xã hội và củng cố vai trò rất quan trọng của giáo dục.