Hầu hết ca sĩ sử dụng phần phối âm thu sẵn để làm nhạc đệm cho tiết mục biểu diễn của mình |
Gần 8 năm, thu được 55 tỉ đồng tiền tác quyền là con số chưa phải lớn so với những gì thực tế giới nhạc sĩ sáng tác được hưởng nhưng đó cũng là con số không nhỏ so với trước đây - gần như mất trắng.
Nhìn con số thu tác quyền âm nhạc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) năm 2009 lên đến 23,3 tỉ đồng (trong đó có khoảng 10%-15% là tiền tác quyền của các tác giả âm nhạc quốc tế) mới thấy việc thực thi quyền tác giả âm nhạc tại VN ngày càng khả thi. Mục tiêu 30 tỉ đồng mà VCPMC đặt ra trong năm 2010 là việc trong tầm tay.
Tác giả ca khúc: Được mùa
Nhìn vợ nhạc sĩ Trương Quang Tuấn xúc động đến run tay khi ký vào hóa đơn nhận tiền tác quyền của chồng trong năm 2009, dù chỉ được hơn chục triệu đồng, mới thấy được nỗi vui mừng của các nhạc sĩ và người thân của họ như thế nào khi được hưởng giá trị tác phẩm nghệ thuật do chính họ hoặc người thân đã tạo ra.
Không ít nhạc sĩ, tác giả, đặc biệt là những tác giả lão thành, đều xem số tiền tác quyền mà họ được nhận từ vài năm nay là “trong mơ”. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi khi VCPMC chưa ra đời, các tác giả có nhận được tiền tác quyền hay không là phụ thuộc vào ý thức của người sử dụng.
Đó chính là lý do vì sao ngày càng có nhiều tác giả ủy quyền cho VCPMC thu tiền tác quyền các tác phẩm của mình ngày càng tăng. Tính đến nay, có khoảng 1.602 tác giả ủy quyền cho VCPMC thu hộ tiền tác quyền.
Theo kế hoạch của VCPMC, trong năm 2010, thu nhập của nhạc sĩ từ tiền tác quyền chắc chắn sẽ tăng cao hơn năm 2009. Điều này được khẳng định bằng hàng loạt kế hoạch thu tác quyền một cách triệt để ở diện rộng (không chỉ ở lĩnh vực biểu diễn, đài phát thanh truyền hình mà còn ở lĩnh vực băng đĩa, karaoke file midi (các đơn vị sản xuất karaoke), các điểm kinh doanh, dịch vụ karaoke, nhà hàng, khách sạn, quán bar, siêu thị và đặc biệt là lĩnh vực âm nhạc trên internet; không chỉ ở TP mà còn ở các tỉnh, thành).
Và quan trọng nhất, trong năm nay (năm cuối cùng của mục tiêu 2007-2010), việc thu tiền tác quyền không chỉ dừng lại ở đề nghị mà còn có sự trợ giúp từ các cơ quan thực thi pháp luật. Hiện nay, VCPMC đã hoàn tất hồ sơ, đồng thời ủy quyền cho Văn phòng luật sư Lê Quang Vy tiến hành khởi kiện những đơn vị, cá nhân từ chối hợp tác trong việc đóng tiền tác quyền.
Theo ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC chi nhánh phía Nam, những đơn vị, tổ chức, nằm trong danh sách kiện lần này là các kênh truyền hình cáp, một vài đài phát thanh truyền hình tỉnh, các tụ điểm kinh doanh karaoke...
Nhạc sĩ hòa âm: Trắng tay
Tác giả sáng tạo ca khúc thì như thế còn các nhạc sĩ viết bản hòa âm thì sao? Một ca khúc khi được sử dụng trên thị trường không thể không tính đến phần sáng tạo của nhạc sĩ hòa âm, thậm chí còn kể đến các nhạc công đã biểu diễn trong đó.
Nhất là trong thời buổi ca sĩ đi biểu diễn thường sử dụng bản phối ghi âm từ phòng thu để làm nhạc đệm thay cho ban nhạc sống, phần tác quyền bản phối âm của các nhạc sĩ hòa âm trở nên quan trọng. Các nhạc sĩ viết hòa âm nổi tiếng hiện nay đều cho biết họ chưa nhận được một đồng thù lao nào của những cá nhân, tổ chức, đơn vị sử dụng tác phẩm âm nhạc có phần phối âm của họ.
Thực tế, các nhà tổ chức biểu diễn cũng không hay biết phần hòa âm mà ca sĩ đang sử dụng làm nhạc đệm khi biểu diễn là của ai nên dù có muốn trả tiền tác quyền cũng không thể được. VCPMC mới làm được việc thu hộ tiền tác quyền cho tác giả ca khúc, còn tác giả hòa âm thì chưa đề cập.
Theo ông Đinh Trung Cẩn, muốn bảo vệ được tác quyền của các nhạc sĩ viết hòa âm, tác giả phải ủy quyền việc thu hộ tiền tác quyền cho VCPMC và phải đăng ký bản tổng phổ gốc của mình để làm cơ sở đối chiếu. Lâu nay, các nhạc sĩ viết hòa âm chưa coi trọng tác quyền nên ít người chịu giữ lại bản tổng phổ gốc, do vậy việc xác định quyền tác giả cho họ là rất phức tạp.
Việc phân định, xác định tác quyền của nhạc sĩ hòa âm trong những ca khúc được sử dụng trên thị trường có thể sẽ mất công hơn và phức tạp hơn so với tác giả phần ca khúc. Tuy nhiên, VCPMC cũng nên làm được việc này để giúp các nhạc sĩ hòa âm hưởng được những quyền lợi mà luật pháp đã quy định.
|
Theo Người Lao Động