TIN LIÊN QUAN | |
BIDV bán trái phiếu cao hơn lãi suất huy động đến 1,0%/năm | |
300 triệu USD "tiếp sức" các doanh nghiệp nhỏ và vừa |
Theo báo cáo của Ban Điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), năm 2018, ngân hàng đạt và vượt 100% so với kế hoạch và so với năm trước.
Diện mạo mới
So với năm 2017, tổng tài sản năm 2018 của BIDV tăng 9,2%, giành vị trí số 1 trong hệ thống các ngân hàng. Đáng chú ý, tỷ trọng tài sản sinh lời/tổng tài sản lên tới 97%, tăng 0,2%. Với tiêu chí này, tạp chí The Asian Banker đưa BIDV vào thứ hạng 156/500 ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tái cơ cấu, BIDV đạt 7 chỉ tiêu đứng đầu hệ thống. |
BIDV tiếp tục giữ vị trí thứ nhất với tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.237.755 tỷ, tăng 7,2%; trong đó, dư nợ tín dụng đạt 1.010.993 tỷ, chiếm 13% thị phần tín dụng toàn ngành.
Trong tổng nguồn vốn 1.226.454 tỷ (tăng 9%), huy động từ tổ chức, dân cư (thị trường 1) đạt 1.053.826 tỷ (tăng 11%), chiếm 12,3% quy mô huy động vốn toàn ngành. Nói cách khác, thương hiệu, uy tín đã mang lại cho BIDV vị thế độc tôn ở phần huy động vốn từ thị trường 1.
Ngoài ra, một chỉ tiêu khác cũng gây chú ý với giới đầu tư chứng khoán là giá trị vốn hóa thị trường của ngân hàng đạt 5,15 tỷ USD, trở thành tổ chức tín dụng có giá trị vốn hóa lớn thứ 2 của thị trường chứng khoán. Cùng đó, thị giá cổ phiếu tăng 35% so với đầu năm, duy trì mức tăng trưởng ngay cả trong những giai đoạn biến động do tác động bởi các thông tin tiêu cực; thanh khoản ở mức cao với số lượng giao dịch bình quân 2,7 triệu cổ phiếu/phiên. Tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện chiếm 3,1%, tăng so với mức 2,36% đầu năm, P/E đạt 21 lần.
Tuy nhiên, nếu các thông số trên chỉ là bề nổi thì sự chuyển dịch cơ cấu kinh doanh theo chiến lược bền vững của BIDV mới thực sự là điều đáng nói.
Chỉ trong thời gian rất ngắn, BIDV vươn lên đứng đầu hệ thống về mảng bán lẻ, xét về quy mô, tỷ lệ đóng góp/tổng thu nhập ròng. Đây là hướng đi có tính chiến lược rõ ràng dựa trên đề án tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2012 – 2016. Cụ thể, dư nợ bán lẻ của ngân hàng đạt tới 308.337 tỷ, tăng trưởng 29% và chiếm 31% tỷ trọng tổng dư nợ; huy động vốn bán lẻ đạt 571.204 tỷ, chiếm tỷ trọng 54% tổng huy động vốn, thu nhập ròng từ hoạt động ngân hàng bán lẻ chiếm 34% tổng thu nhập ròng của toàn hệ thống.
Để có được con số này, BIDV sở hữu lượng khách hàng cá nhân gần 11 triệu khách, tăng 13%, tương ứng 12% dân số cả nước. Đây là lý do 5 năm liền ngân hàng đạt danh hiệu “Ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam” do Asian Banker bình chọn. Cùng với đó, BIDV cũng có 263 nghìn khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chiếm 46% số lượng SMEs cả nước.
Xoay trục và kiểm soát rủi ro
Nếu nói một điều gì đó về BIDV trong 2 – 3 năm gần đây, đó chỉ có thể là hiệu quả hoạt động dựa trên sự xoay trục mang tầm chiến lược tập trung vào bán lẻ đối với nhóm cá nhân, khách hàng SMEs song hành chính sách quản trị rủi ro nghiêm ngặt.
Nhờ đó, BIDV tạo nên sự khác biệt so với trước về mặt thu nhập. Cụ thể, tổng thu nhập ròng đạt 44.483 tỷ, cao nhất trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, góp phần lớn vào định hướng chiến lược về chuyển dịch cơ cấu thu nhập. Chẳng hạn, bên cạnh thu ròng từ lãi đạt 34.956 tỷ, tăng trưởng 13% (so với 2017) thì thu từ dịch vụ (kể cả phí bảo lãnh) đạt tới 5.284 tỷ, tăng trưởng 19%, giữ vị trí độc tôn về thu dịch vụ ròng trong hệ thống. Cơ cấu thu dịch vụ tiếp tục cải thiện, ở chỗ: thu dịch vụ ròng phi tín dụng (không gồm thu phí bảo lãnh) đạt 3.551 tỷ, tăng trưởng 20%, thu dịch vụ bán lẻ duy trì mức tăng trên 25%, chiếm tỷ trọng 29%/tổng thu dịch vụ ròng (cải thiện 2% so với năm 2017).
Một mảng thu nhập khác không thể không nhắc tới là kinh doanh vốn và tiền tệ. Tổng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối đạt 1.040 tỷ, cao nhất trong 10 năm; duy trì vị trí Top 3 ngân hàng có thị phần mua bán ngoại tệ lớn nhất toàn hệ thống tổ chức tín dụng.
Một điểm đáng lưu ý ở BIDV trong 2 năm qua chính là quản trị rủi ro. Theo số liệu từ báo cáo, thông qua kiểm soát chi phí hoạt động, đã tiết kiệm được gần 1.000 tỷ đồng, đưa tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập ròng (CIR) giảm về mức 36,2%, thấp xa so với thông lệ.
Ngân hàng kiên trì thu nợ, đưa tổng số thu nợ ngoại bảng, nợ đã bán cho VAMC trong năm 2018 đạt hơn 6.400 tỷ, bổ sung lượng tiền rất lớn vào thu nhập của ngân hàng. Cùng với đó, ngân hàng cũng trích lập dự phòng rủi ro đúng đủ theo quy định đối với các dư nợ thông thường và dư nợ đã bán cho VAMC, đảm bảo lộ trình tất toán sớm trái phiếu trước hạn trong năm 2019.
Với sự chuyển hướng và kèm theo là bộ giải pháp hợp lý, tính đến 31/12/2018, chênh lệch thu chi ngân hàng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 28.366 tỷ.
Ngoài ra, từ năm 2014 đến nay, ngân hàng luôn kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 2%/tổng dư nợ. Riêng năm 2018, nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp xử lý, kiểm soát chất lượng tín dụng nên đến 31/12/2018, tỷ lệ nợ xấu là 1,9%/tổng dư nợ; tỷ lệ nợ nhóm 2 là 2,3%, đảm bảo mục tiêu kiểm soát theo phương án cơ cấu giai đoạn 2016 – 2020.
Cùng đó, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 32%; tỷ lệ cho vay trên huy động vốn là 86%; tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ đạt 9,02%, hợp nhất đạt 10,34%.
“Át chủ bài” của bán lẻ
Sau 4 năm được khởi xướng bởi Ban Kinh tế Trung ương và Chính phủ, hoạt động ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong nền kinh tế nói chung, ngành ngân hàng nói riêng được triển khai khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, với cách làm của riêng mình, BIDV cho thấy những bước đi chắc chắn nhưng khá táo bạo.
Trong khi nhiều ngân hàng đã và đang triển khai ngân hàng số (Digital Banking) dưới dạng “phòng”, “bộ phận”… BIDV thành lập Trung tâm Ngân hàng số - Digital Banking Center.
Theo ông Trương Hồng Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Ngân hàng số BIDV, nếu như số giao dịch từ năm 2013 chỉ 3 triệu, năm 2014 là 6 triệu thì đến năm 2018 vọt lên 82 triệu giao dịch với giá trị hơn 1 triệu tỷ đồng. “Con số này đưa BIDV lên top 2 hoặc 3 trong toàn hệ thống”, ông Quân cho biết.
Cũng qua thống kê tại BIDV, tỷ trọng giao dịch rút tiền mặt ATM tại ngân hàng này đã giảm từ mức 59% xuống 47%; giao dịch kênh quầy giảm từ 32% xuống 24% trong khi các kênh ngân hàng điện tử tăng từ 9% lên 29%.
Để triển khai đúng hướng chiến lược ngân hàng số, BIDV đã thay đổi căn bản về định hướng chiến lược khách hàng. Có nghĩa, trước đây, ngân hàng bán dịch vụ mà mình có; còn bây giờ, ngân hàng đứng ở phía khách hàng để thiết kế sản phẩm.
Ngân hàng đưa ra nhiều giải pháp công nghệ trong phát triển các sản phẩm mới và tinh chỉnh, hoàn thiện các sản phẩm hiện có, đầu tư nguồn lực xây dựng, nâng cấp hệ thống. Mới đây, ngân hàng triển khai 20 dịch vụ thanh toán hóa đơn mới trên tất cả các kênh Internet và Mobile; thí điểm dịch vụ chấp nhận thanh toán hiện đại khác như thẻ Visa Pay Wave, QR code, VNPay, Pay+QR...
Cũng để hoàn thiện phần hạ tầng, ngân hàng đã nâng cấp và phát triển mới hàng trăm chương trình, phần mềm nhằm từng bước chuyển dịch các sản phẩm, dịch vụ sang kênh “số hóa”, rút ngắn thời gian giao dịch.
“Chênh lệch thu chi đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 28.366 tỷ, tăng trưởng 21% so với năm 2017. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn hệ thống đạt 9.473 tỷ, vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao, mục tiêu kế hoạch năm 2018 tại Phương án cơ cấu lại; ROA đạt 0,6%, ROE đạt 14,6%; đảm bảo tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm theo cam kết với cổ đông. Trong đó, lợi nhuận trước thuế của khối công ty trực thuộc đạt 651 tỷ; có 2 đơn vị vượt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là Công ty cổ phần bảo hiểm BIDV (BIC) với 203 tỷ và Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) 238 tỷ đồng”. |
| BIDV: mọi hoạt động được duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả, đảm bảo lợi ích chính đáng, hợp pháp của khách hàng, cổ đông Với tiềm lực tài chính mạnh, quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam, với hệ thống quản trị theo ... |
| Moody’s nâng mức xếp hạng tín nhiệm đối với các ngân hàng Việt Nam Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service vừa nâng mức xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành cùng với tiền gửi ngoại tệ ... |
| BIDV Metlife góp phần cải tiến quy trình mua bảo hiểm nhân thọ BIDV MetLife đang khẳng định vị thế của một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ luôn hướng tới sự đổi mới, tập trung vào những ... |