📞

Tại sao phụ nữ Mỹ ít theo học ngành máy tính?

17:00 | 05/08/2016
Ngày nay, ở Mỹ, ngành khoa học máy tính (computer science) thu hút chủ yếu nam giới theo học. Tuy nhiên, có một giai đoạn trong quá khứ, không ít phụ nữ theo đuổi chuyên ngành “khô khan” này.

Theo Đài Phát thanh Công cộng Mỹ (NPR), những người tiên phong trong lĩnh vực máy tính - những lập trình viên đầu tiên của Mỹ - đa số là phụ nữ. Trong nhiều thập kỷ, số lượng nữ giới theo học ngành máy tính nhiều hơn nam giới. Tuy nhiên, đến năm 1984, mọi thứ bắt đầu thay đổi. Kể từ mốc này, tỷ lệ nữ giới học ngành máy tính giảm dần, sau đó sụt giảm mạnh, trong khi phụ nữ đăng ký học các chuyên ngành khác như luật, y tế… lại tăng lên.

Rốt cuộc, điều gì đã xảy ra?

Nhóm phóng viên của NPR đã mất nhiều tuần để đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Họ đã nhận thấy một điểm rất đáng chú ý, đó là thời điểm số lượng phụ nữ theo học máy tính sụt giảm cũng là lúc máy tính cá nhân (personal computer – PC) xuất hiện phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở các hộ gia đình Mỹ.

Biểu đồ phụ nữ Mỹ theo học các chuyên ngành máy tính, y dược, luật, vật lý trong giai đoạn 1970 - 2010. (Nguồn: NPR)

Ở giai đoạn sơ khai này, máy tính cá nhân là món đồ chơi không hơn không kém, khi người ta chỉ có thể chơi trò bóng bàn (pong) hoặc vài ba trò bắn súng đơn giản. Chính vì vậy, các hãng sản xuất máy tính luôn muốn tiếp thị sản phẩm này đến đối tượng nam giới.

Thông điệp quảng cáo “máy tính là thứ dành riêng cho nam giới” đã dần trở thành một quan niệm phổ biến trên khắp nước Mỹ. Nam giới dần chiếm ưu thế trong ngành khoa học máy tính vì từ nhỏ họ đã được tiếp xúc nhiều với máy tính, trong khi đa số bé gái coi đây là loại “đồ chơi” không phù hợp với giới tính của mình. Chính quan niệm này đã ngày càng đẩy xa phụ nữ khỏi ngành máy tính, kể từ năm 1984 “định mệnh” đó.

Hàng loạt bộ phim ra đời trong những năm 1980 như “Weird Science” (Khoa học kỳ lạ), “Revenge of the Nerds” (Sự trả thù của những kẻ mọt sách) hay “War Games” (Trò chơi chiến tranh)… đều có cốt truyện giống nhau: những chàng trai thông minh dùng công nghệ để chiến thắng các kẻ thù và giải cứu các cô bạn gái của họ.

Vào những năm 90 của thế kỷ XX, nhà nghiên cứu Jane Margolis đã phỏng vấn hàng trăm sinh viên ngành khoa học máy tính tại Đại học Carnegie Mellon - một trường hàng đầu trong lĩnh vực này ở Mỹ. Margolis nhận thấy rằng, các gia đình có xu hướng mua máy tính cho con trai hơn là cho con gái, mặc dù các bé gái cũng rất thích thú với công nghệ mới.

Trong bối cảnh máy tính cá nhân trở nên khá phổ biến, các giáo sư khoa học máy tính cũng dần mặc định rằng các sinh viên của họ đã được tiếp xúc nhiều với máy tính trước khi bước vào đại học. Tuy nhiên, trên thực tế có những sinh viên như Patricia Ordonez không hề có cơ hội được dùng máy tính ở nhà.

Khi Ordonez - một nữ sinh trung học rất giỏi Toán - vào học tại Đại học John Hopskin, cô dự định theo đuổi hoặc là ngành khoa học máy tính, hoặc là kĩ thuật điện tử. Sau đó, khi tham dự lớp học đại cương, Ordonez nhận ra rằng, hầu hết các bạn nam trong lớp đều hiểu biết về máy tính hơn cô gấp nhiều lần, bởi lẽ họ đã lớn lên cùng thứ “đồ chơi” này.

“Tôi vẫn nhớ, một lần, tôi đặt một câu hỏi cho một vị giáo sư. Ông ta ngừng giảng, nhìn tôi chằm chằm và nói: ‘Đáng lẽ em phải biết điều này rồi chứ!’. Ordonez hồi tưởng. “Lúc đó tôi nghĩ rằng, có lẽ mình sẽ không bao giờ học tốt ngành này được”.

Sau đó, Ordonez vẫn “qua” được môn đại cương khoa học máy tính với điểm C đầu tiên trong đời. Tuy nhiên, cô đã quyết định bỏ dở việc học máy tính tại trường Johns Hopskin và chuyển sang học chuyên ngành ngôn ngữ nước ngoài.

Thật bất ngờ, hơn 10 năm sau, Ordonez lại quay lại học máy tính. Học tập và nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của một giáo sư tận tâm, cô đã hoàn thành chương trình Tiến sĩ khoa học máy tính. Hiện nay, Ordonez là Phó Giáo sư về khoa học máy tính tại Đại học Puerto Rico.

(theo NPR)