Nhỏ Bình thường Lớn

Tấm lòng của cha Sáu

Nhà thờ Phát Diệm thờ chúa Jesus nhưng lại được xây theo lối kiến trúc đình, chùa của người Việt Nam. Trước khi đến đây, những hiểu biết của tôi về công trình này chỉ vỏn vẹn có vậy.
tam long cua cha sau
 

Ngay khi đặt chân đến Nhà thờ Phát Diệm, tôi đã rất ngỡ ngàng khi nhận ra đây là một quần thể kiến trúc rộng lớn chứ không phải chỉ vỏn vẹn có một nhà thờ đá như hình dung trước đây. Hướng dẫn viên của tôi là anh Thắng, một thanh niên trong làng tình nguyện đến nhà thờ làm việc. Theo lời kể của anh, cha Phêrô Trần Lục (cha Sáu) (1825-1899) là người kiến thiết cả quần thể này. Ông xây dựng nhà thờ để cảm tạ Đức Mẹ Maria đã giúp ông qua khỏi bệnh hiểm nghèo trong thời gian đi lính.

Quần thể được khởi công từ năm 1865 và hoàn thành vào năm 1899 với sáu nhà thờ, một phương đình (tháp chuông), một ao và ba ngọn núi nhân tạo. Trước khi mất, cha Sáu có mong muốn được chôn cất tại chính nơi đây, trong một ngôi mộ nhỏ và không ghi lại tên tuổi. Sau này, nhớ đến công lao truyền bá đạo Thiên Chúa của cha Sáu, các vị linh mục và giáo dân đã xây cho ông một ngôi mộ khang trang hơn.

Trước mặt ngôi mộ là ngôi nhà thờ chính tòa Phát Diệm - nhà thờ lớn nhất ở khu quần thể này. Công trình có lối kiến trúc giống với những ngôi chùa Phật giáo nhưng có ba ngọn tháp, tượng trưng cho Chúa Ba ngôi. Sau lưng ngôi mộ là phương đình được xây giống như cổng làng của người Việt Nam. Ở tầng một của công trình có chiếc sập đá nặng khoảng 20 tấn. Cái sập vuông tượng trưng cho đất, mái vòm tròn tượng trưng cho trời, đúng như truyền thuyết bánh chưng bánh dầy.

Vì là đoàn ngoại giao nên chúng tôi được “ưu ái” cho lên tham quan gác mái của Khương Đình, nơi treo quả chuông lớn bằng đồng. Đường lên gác mái vừa hẹp, vừa tối làm tôi liên tưởng đến những căn mật thất trong các lâu đài ở châu Âu thời Trung cổ. Bốn phía của quả chuông có khắc bốn chữ Hán: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Theo lời hướng dẫn viên, khi đánh vào từng phía, chuông sẽ phát ra những tiếng kêu khác nhau. Thời nhà cửa còn thưa thớt, người dân ở cả ba tỉnh Nam Định, Thanh Hóa và Ninh Bình đều nghe thấy những hồi chuông gióng lên.

Trên đường đi xuống, tôi bắt chuyện với Đại sứ Thái Lan Vongphakdi - người mới sang công tác ở Việt Nam được một tuần. Ông chia sẻ: “Chúng tôi cũng có những nhà thờ được xây với phong cách Thái và cả những ngôi chùa được xây theo kiểu… phương Tây. Tuy nhiên, tôi vẫn rất ấn tượng khi được tham quan quần thể nhà thờ Phát Diệm. Tôi nghĩ công trình hơn 100 năm tuổi này cũng phản ánh quá trình đạo Thiên Chúa du nhập vào Việt Nam”.

Tới nhà thờ Trái tim Chúa Jesus, anh Thắng chỉ cho đoàn vết đục đẽo của những người thợ thủ công vẫn còn nguyên trên các bức tường. Điểm nhấn ở đây là bàn thờ Chúa được tạo nên từ phiến đá nặng 17 tấn. Hai bên bàn thờ là bức phù điêu về vòng đời của hoa sen - tượng trưng cho quá trình sinh-lão-bệnh-tử của mỗi con người. Giữa bông hoa là một cây thánh giá. Thông qua hình ảnh này và lối kiến trúc của quần thể nhà thờ, cha Sáu muốn thể hiện sự giao thoa, hòa hợp giữa đạo Phật và đạo Thiên Chúa ở Việt Nam. Ông mong muốn các giáo dân giữ gìn bản sắc và văn hóa Á Đông nhưng không quên đặt giáo lý nhân văn của chúa Kito vào từng hành động trong cuộc sống.            

Trâm Nguyễn