📞

Tận dụng EVFTA, tìm kiếm cơ hội hợp tác mới

Nguyễn Văn Thảo 10:05 | 29/08/2022
Không chỉ trong thương mại, việc ký kết và thực thi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-EU (EVFTA) còn là dấu mốc nổi bật, tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước, mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng, toàn diện.
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo - Tác giá bài viết. (Ảnh: Tuấn Anh)

Sự khởi đầu thuận lợi

Sau hai năm có hiệu lực (1/8/2020-1/8/2022), hiệp định đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực. Dù chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch, đứt gãy chuỗi cung ứng, nhưng kim ngạch thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) không ngừng tăng trưởng vượt bậc.

Kim ngạch hai chiều năm 2021 đạt 63,6 tỷ USD, tăng 14,8% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của ta sang EU đạt 45,8 tỷ USD, tăng 14,2%, nhập khẩu đạt 17,9 tỷ USD, tăng 16,5% so với năm 2020.

7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 27,7 tỷ USD, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu đạt 9,08 tỷ USD, giảm 5,7%.

Xuất khẩu sang EU trong 07 tháng đầu năm 2022 chiếm tỷ trọng 12,7% tổng xuất khẩu Việt Nam ra toàn thế giới. Đáng chú ý xuất siêu lập kỷ lục 18,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đa số các mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng cao. Tỷ lệ sử dụng chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi theo EVFTA cũng tăng, cho thấy nhiều doanh nghiệp đã chú ý và tận dụng tốt các ưu đãi cắt giảm thuế quan trong hiệp định.

Bên cạnh đó, mức độ hiểu biết và kỳ vọng của doanh nghiệp với EVFTA là tương đối cao, EVFTA là một trong những FTA của Việt Nam có tỷ lệ tận dụng tốt nhất trong những năm đầu thực thi hiệp định. Đây thực sự là tín hiệu và sự khởi đầu thuận lợi để tạo đà cho thương mại song phương tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế là Việt Nam chưa thực sự tận dụng được hết hiệp định để tìm kiếm cơ hội hợp tác mới. Các mặt hàng phía EU có nhu cầu rất cao và Việt Nam có thể đáp ứng chưa nhiều, chủ yếu vẫn là các mặt hàng truyền thống ta đã có thế mạnh.

Đơn cử như nhóm thực phẩm, nông lâm thủy sản. Thị trường EU là một trong bốn thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Hàng năm EU có nhu cầu nhập khẩu khoảng 300 tỷ USD nông lâm thủy sản, nhưng Việt Nam mới xuất được khoảng 2-4 tỷ USD.

Riêng nhóm mặt hàng rau quả, EU có nhu cầu khoảng 35 tỷ USD/năm, trong khi ta mới xuất khẩu tầm 150 triệu USD. Trong đó, nhiều nhóm hàng như hoa quả nhiệt đới, nhóm quả mới lạ, rau gia vị, khoai, sẵn… rất có tiềm năng (với nhu cầu nhập khẩu tăng gần 40%/năm).

Tuy nhiên, Việt Nam mới bước đầu tiếp cận thị trường ở quy mô rất nhỏ, chủ yếu đơn hàng lẻ, qua kênh phân phối cửa hàng người Việt, chưa thực sự thâm nhập được thị trường toàn EU một cách hệ thống.

Song song với đó, năng lực cạnh tranh và mức độ tham gia sâu của doanh nghiệp còn hạn chế, ta chưa kết hợp được xuất khẩu với hợp tác đầu tư công nghệ cao để sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm, từ đó tham gia sâu vào chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị bền vững.

Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với EU trong những lĩnh như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế xanh, kinh tế số… (Nguồn: Tạp chí Tài chính)

Tận dụng cơ hội vàng…

Thời gian tới, EU cần tiếp tục được coi là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, không chỉ giới hạn trong thương mại, mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế khác.

Hiệp định EVFTA là một trong những FTA thế hệ mới đầu tiên EU ký kết và triển khai với một nước đang phát triển. EVFTA không chỉ đem lại cho Việt Nam cơ hội về mở rộng, đa dạng hóa thị trường; mà quan trọng hơn là giúp ta chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hướng tới mặt hàng giá trị gia tăng cao; giúp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tăng cường hợp tác với EU trong những lĩnh vực mới và quan trọng như phát triển bền vững, bao trùm, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, kinh tế xanh, kinh tế số…

EU là đối tác có thế mạnh về tài chính, công nghệ cao, tiềm năng và chất lượng thị trường. Kinh tế EU dù đang đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng “kép” của đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine, nhưng nhìn chung đời sống người dân cơ bản vẫn ổn định, tăng trưởng bền vững (dự kiến đạt 2,7 và 2,3% năm 2022-2023 và cao hơn vào năm 2024).

EU đánh giá cao vai trò, vị thế và tiềm năng của Việt Nam. Khối kỳ vọng, Việt Nam có thể trở thành đối tác kinh tế quan trọng, giúp EU thực hiện các chiến lược phát triển.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, EU đang rất nỗ lực để tăng cường tự chủ chiến lược, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, đa dạng hóa đối tác.

Vừa qua, EU đã ra một loạt các Chiến lược lớn, quan trọng để thực hiện mục tiêu này, như Chiến lược hợp tác với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) tăng cường kết nối trị giá 300 tỷ USD, La bàn Chiến lược (Strategic Compass) bảo đảm tự chủ an ninh, bao gồm cả tuyến hàng hải thương mại…

Đặc biệt, EU rất quan tâm đến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực bền vững, không chỉ trong nội khối, mà còn trên góc độ toàn cầu, đặc biệt là với châu Phi. Do vậy, thời gian tới, nhiều khả năng EU sẽ có nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn các mặt hàng chiến lược như nông sản, thực phẩm, năng lượng… và có nhu cầu tìm đối tác cùng tham gia chuỗi cung ứng, hỗ trợ châu Phi bảo đảm an ninh lương thực.

Trong khu vực, EU đánh giá cao vai trò, vị thế và tiềm năng của Việt Nam. Khối kỳ vọng, Việt Nam có thể trở thành đối tác kinh tế quan trọng, giúp EU thực hiện các chiến lược phát triển.

EVFTA là lợi thế rất lớn của ta, hiện mới chỉ có 4 quốc gia châu Á ký FTA với EU. Trong ASEAN, chỉ có Việt Nam và Singapore, nhưng cơ cấu kinh tế của ta với các nước này cơ bản không cạnh tranh lớn.

Có thể thấy, đây thực sự là cơ hội vàng cho Việt Nam để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng bền vững, cùng có lợi với EU và mở rộng hợp tác kinh tế sang các lĩnh vực chiến lược thiết yếu như phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế số…

Đây cũng là động lực quan trọng góp phần giúp Việt Nam thực hiện được quá trình phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tới, như nhiệm vụ Đảng và Nhà nước đề ra.

Việt Nam-EU cần tiếp tục duy trì thường xuyên, hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác trong khuôn khổ EVFTA để giải quyết khó khăn, thu hẹp khác biệt và xúc tiến thương mại. (Nguồn: Tạp chí Công thương)

… để tìm hướng đi mới

Để phát huy tốt hiệp định EVFTA nói riêng và tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế Việt Nam-EU, Việt Nam cần có các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa trong cả ngắn và dài hạn.

Về ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục có các chương trình xúc tiến, quảng bá lớn, thường xuyên, tập trung vào địa bàn EU; tăng cường hơn nữa thông tin đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh liên kết, hợp tác doanh nghiệp theo nhiều hình thức, nhất là giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với nhau và xuất/nhập khẩu.

Đồng thời, phải chú trọng hơn công tác giải quyết các vướng mắc còn tồn tại và phát sinh, nhất là các vấn đề liên quan đến rào cản kỹ thuật, biện pháp vệ sinh và kiểm dịch thực vật (SPS); đẩy mạnh hơn nữa kiểm soát chất lượng hàng hóa, công tác kiểm tra xuất xứ và chứng nhận…

Hai bên cần tiếp tục duy trì thường xuyên, hiệu quả các cơ chế đối thoại, hợp tác trong khuôn khổ EVFTA để giải quyết khó khăn, thu hẹp khác biệt và xúc tiến thương mại.

Về dài hạn, Việt Nam cần có kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế, thương mại, đầu tư với EU, trong đó chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu thương mại, đặt mục tiêu tham gia sâu vào chuỗi giá trị, thúc đẩy xuất khẩu bài bản từ quy hoạch vùng nguyên liệu đạt chuẩn quy mô lớn, đến đóng gói, bảo quản, vận chuyển, phân phối; kết hợp xuất khẩu với hợp tác đầu tư công nghệ cao ngay tại Việt Nam.

Đồng thời, xây dựng hệ thống cảnh báo, hỗ trợ doanh nghiệp đồng bộ để giải quyết tranh chấp thương mại và vướng mắc.

Cách tiếp cận với thị trường EU cần chú trọng đến liên kết, trong đó có liên kết giữa Chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp và khuyến khích hơn nữa doanh nghiệp EU tham gia vào chuỗi liên kết này.

Không chỉ thương mại, Việt Nam cũng cần tranh thủ thời cơ vàng này để tìm các hướng đi mới, mở rộng cơ hội hợp tác sang các lĩnh vực mới, như vận động EU hỗ trợ ta thực hiện các cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững; nghiên cứu thúc đẩy hợp tác nông nghiệp ba bên Việt Nam-EU-châu Phi để góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bền vững.

Qua EU, Việt Nam cần đẩy mạnh kết nối với các định chế tài chính, các tổ chức tín dụng “xanh”, tranh thủ hợp tác về chuyên môn, công nghệ, nâng cao năng lực, trao đổi kinh nghiệm… trong các vấn đề này.

Về phần mình, các cơ quan đại diện Việt Nam tại EU, trong đó có Đại sứ quán, Phái đoàn sẽ tiếp tục nỗ lực làm cầu nối liên kết, hợp tác hai bên, tận dụng EVFTA và tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế cùng có lợi giữa Việt Nam và đối tác quan trọng này.