Tuy không sở hữu những mặt hàng đang tăng nóng như lúa mì, ngô… nhưng các nông sản Việt được kỳ vọng tiếp tục có được sự tăng trưởng tốt nhờ xu hướng thị trường thế giới. (Nguồn: Vietnamplus) |
Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu nông sản Việt Nam có sự tăng trưởng tốt. Xu thế thị trường thế giới cũng cho thấy nhiều nông sản tăng giá mạnh.
Tuy không sở hữu những nông sản đang tăng tăng nóng như lúa mì, ngô… nhưng các nông sản Việt được kỳ vọng tiếp tục có được sự tăng trưởng tốt nhờ xu hướng thị trường thế giới cũng như nhu cầu tăng lên sau khi dịch Covid-19 gây đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất.
Để tận dụng cơ hội này, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, cùng với tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), nông sản Việt cần tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất cùng với việc nâng cao chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nắm bắt cơ hội
Theo Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 2 tháng ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%. Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cà phê tăng 35,6%; cao su 6,6%; gạo 22,3%; hồ tiêu 43,8%…
Tuy nhiên, việc tăng này ở một số sản phẩm chủ yếu về mặt khối lượng xuất khẩu. Điển hình như mặt hàng gạo, khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 906 nghìn tấn với 437 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Như vậy, có thể thấy, sự tăng trưởng về khối lượng đang tăng mạnh hơn sự tăng về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1/2022 đạt 486 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng như Thái Lan đầu có sự tăng trở lại. Giá gạo Việt Nam tăng được cho là do các đơn hàng từ Trung Quốc đang tăng lên nên hoạt động thương mại nhộn nhịp hơn và khiến giá tăng nhẹ.
Giới thương nhân cho rằng, giá gạo Mỹ đang tăng nhanh do gạo có thể sẽ trở thành một lựa chọn thay thế cho lúa mì – vốn đang trở nên rất đắt đỏ sau khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng. Giá gạo Mỹ tuần qua đã tăng 4,2% lên 16,89 USD/100 lb (lb = 0,45359237 kg), cao nhất kể từ tháng 5/2020.
Tin liên quan |
Tác động kinh tế từ xung đột Nga-Ukraine |
Hay nhu cầu gạo tấm sẽ tăng lên trong thời gian tới, do giá ngô đang tăng, nên các nhà nhập khẩu có thể chuyển sang gạo tấm để thay thế cho ngô.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) đánh giá, khi giá nhiều loại lương thực trên thế giới tăng, trong tương lai, giá gạo dự báo cũng sẽ điều chỉnh tốt lên.
Còn hiện giá lúa trên thị trường lại đang thấp hơn khá nhiều so với cuối năm 2021, hy vọng thị trường tiêu thụ tốt sẽ đẩy giá lúa lên để gánh bớt phần nào chi phí đang tăng lên của nông dân do giá vật tư đầu vào ngày càng cao.
Ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, tính liên thông của thị trường lương thực, thực phẩm Việt Nam với thị trường thế giới tốt nên những biến động cũng sẽ có tính liên thông.
Tuy nhiên, yếu tố tác động giá trước hết là do chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí logistics. Liệu việc tăng giá nông sản thời gian tới có đến được người sản xuất hay phải bù vào chi phí logistics thì cần có sự đánh giá kỹ lưỡng.
Khai thác ưu đãi từ FTA
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao. Với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu ÂU (EU) – EVFTA chưa được lấp đầy trong năm 2021, trong khi xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng, xuất khẩu gạo sang EU hứa hẹn còn nhiều cơ hội hơn nữa trong thời gian tới.
Với thị trường EU, nhờ EVFTA, không chỉ riêng mặt hàng gạo, Bộ Công Thương dự báo, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu… tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Riêng về cà phê, mặt hàng này 2 tháng đầu năm có sự tăng mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng tới 35,6%. Tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.337 USD/tấn, tăng 32,6% so với tháng 2/2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.299 USD/tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo, giá cà phê toàn cầu có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Giới đầu cơ rút vốn tìm nơi trú ẩn an toàn do lo ngại rủi ro khi tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang. Về dài hạn, giá cà phê sẽ phục hồi khi cuộc khủng hoảng tại Đông Âu “hạ nhiệt”.
Ngành nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán tiếp tục mở rộng mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch. (Nguồn: VTV) |
Không ngừng nâng cao chất lượng
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành đã có sự cải cách, thay đổi, đầu tư số hóa, đa dạng các mặt hàng, sản phẩm có chiều sâu hơn so với xuất thô như trước đây.
Riêng công ty đã đa dạng hóa sản phẩm và kiểm soát chặt chẽ từ vùng trồng cho tới chế biến thành phẩm để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, công ty còn tăng cường việc bán hàng trực tiếp qua các sàn thương mại điện tử như Amazon, Lazada…
Mặc dù Việt Nam được coi là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, tuy nhiên, tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ chiếm khoảng 1 - 2% giá trị nhập khẩu nông sản của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Điều đó chứng tỏ dư địa xuất khẩu còn rất nhiều. Nhất là khi Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo nhập khẩu nông sản trong năm 2022 của nước này có thể lên tới 165 tỷ USD.
Một số nhóm sản phẩm có tỷ trọng nhập khẩu lớn như: Thủy sản, nông sản nhiệt đới, gia vị chiếm đến trên 90%; rau quả tươi, hạt thực vật, nước trái cây tỷ trọng nhập khẩu chiếm từ 20 - 50%. Những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn.
Với Trung Quốc, thị trường nhập khẩu nông sản lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ, xuất khẩu nông sản sang đây quan trọng là việc thực hiện Lệnh 248 và Lệnh 249.
Bên cạnh đó, Trung Quốc vẫn siết chặt nhập khẩu bởi chính sách “Zero Covid” với tất cả các nước nhập khẩu, nên việc kiểm soát hàng hóa từ khâu đóng gói, vận chuyển… để đảm bảo trong kiểm soát dịch vẫn cần tuân thủ.
Mới đây, quả ớt tươi đã chính thức được xuất khẩu trở lại cùng với 9 loại hoa quả và thạch đen được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, ngành nông nghiệp đang nỗ lực đàm phán tiếp tục mở rộng mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch, đồng thời triển khai mở rộng nhiều thị trường để giảm áp lực thị trường Trung Quốc cũng như thu được giá trị cao hơn.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành nông nghiệp sẽ phải đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi để không chỉ đáp ứng các điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà có thể xuất khẩu sang tất cả các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản… đều có thể đáp ứng được.
Cộng với đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của các thị trường.
| Xoài Đồng Tháp 'vượt biên' sang châu Âu 3 tấn xoài đầu năm 2022 của Đồng Tháp xuất khẩu sang châu Âu là xoài cát chu, có mã vùng trồng, truy xuất nguồn ... |
| Doanh nghiệp kiều bào tại Thụy Điển hiến kế đưa nông sản Việt Nam vào thị trường Bắc Âu Lần đầu tiên tham gia một Diễn đàn kết nối với trong nước, các doanh nhân kiều bào Việt Nam ở nước ngoài nói chung ... |