Trong khoảng hàng ngàn năm, và cũng mới cách đây không xa thôi, muốn trở thành nhà thông thái, người ta phải lên núi ở ẩn ít nhất là 3 năm! Lên núi, để có thể suy nghĩ sâu hơn, nhiều hơn. Lên núi, để tạm thời lánh khỏi cái thế giới bộn bề thông tin, mà phần lớn là vô ích, dù thời đó xã hội chưa nhiều thông tin như ngày nay. Bây giờ lên núi khó quá: không mấy người có "trang trại " trên núi để lên, mà có lên núi đi nữa, cũng trốn đâu cho thoát thông tin, khi Internet đã về đến khắp bản rừng. Đành ngồi giữa phố, giữa ồn ã, bộn bề, lộn xộn thông tin mà suy nghĩ vậy. Không nhiều người làm được điều đó. Càng hiếm hơn trong "thế hệ A Còng". Lâu rồi, liệu có mất dần thói quen suy nghĩ?
Internet ngày nay có cái gì đó giống như đòn bẩy ngày xưa của ông già Acsimét. Có cái đòn bẩy trong tay, người yếu cũng có thể bẩy được vật nặng chẳng kém gì người khỏe. Đòn bẩy, và nhiều công cụ lao động khác góp phần làm cho xã hội bình đẳng hơn: bình đẳng giữa người yếu và người khỏe (về thể chất). Internet làm được hơn thế: người ít học có thể biết nhiều điều mà "nhà thông thái" không biết, chỉ với một động tác "nhấp chuột". Đặc biệt là đối với các thông tin thường thấy trong các cuộc thi trên tivi, kiểu như "bài hát này trong phim nào", hoặc trong mục "Văn hóa" của Vnexpress: "hôm qua cô nàng (ngôi sao) X nào đó bắt đầu cặp bồ với anh Y...". Có cảm giác như ngày nay, không cần học nhiều, mà chỉ cần nhấp chuột thật thạo. Với con chuột trong tay, con người có vẻ trở nên bình đẳng hơn: sự bình đẳng trong hiểu biết thông tin. Nhiều khi tưởng như con Chuột đã xóa nhòa ranh giới trong xã hội con Người: ranh giới giữa người thông minh và người không thông minh, người học nhiều và người ít học.
Đúng là Internet đã làm nên một cuộc cách mạng thực sự, làm thay đổi cả xã hội, từ khoa học kỹ thuật đến kinh tế, văn hóa, thay đổi cả tính cách con người. Nhưng cuộc cách mạng nào cũng có sức tàn phá của nó. Cuộc cách mạng Internet có lẽ đã tàn phá đi ở một số đông, rất đông người, thói quen suy nghĩ. Và điều đáng lo ngại hơn: phần lớn nạn nhân của nó lại là thế hệ trẻ, "thế hệ A Còng". Người ta tự cảm thấy hài lòng vì mình "biết nhiều", thậm chí cái gì cũng biết. Nỗi khát khao hiểu biết nhiều khi được thỏa mãn bởi việc"lướt nét". Chỉ "lướt" là chủ yếu, chứ hầu như chẳng học gì. Người ta không còn thời gian để đọc một cuốn sách nghiêm chỉnh. Có cảm giác như để thời gian đó mà "lướt nét" sẽ biết được nhiều hơn? Không còn thời gian nghiền ngẫm, các thông tin cứ chảy qua bộ não người ta như một dòng sông chảy không ngừng. Trong dòng sông đó, khi thì cá tôm, khi thì rác rưởi. Đã trở thành "Ngày xưa", cái thời mà trên giá sách của các bậc túc Nho có thể chỉ có mấy chục cuốn sách Thánh Hiền. Các cụ đọc cả đời, đọc đi, đọc lại, nghiền ngẫm, và trở thành thông thái. Lại càng xa, thời mà Khổng Tử có thể "mặc nhi thức chi", ngồi lặng yên suy nghĩ mà hiểu được việc thiên hạ.
Không thể, và không nên quay lại "ngày xưa", nhưng nên quay lại với thói quen suy nghĩ của thời chữ a chưa bị còng lưng dưới gánh nặng của đủ loại thông tin, thời chú Chuột chưa đánh lừa người ham hiểu biết.
Thực ra, ngăn cản bớt, đúng hơn là chọn lọc thông tin, từ lâu đã là một cơ chế của tự nhiên nhằm bảo vệ con người. Chẳng thế mà khi về già, người ta trở nên "chân chậm, mắt mờ, tai nghễnh ngãng, răng rụng,..." Tất cả chỉ để hạn chế bớt thông tin: nhìn ít hơn, nghe ít hơn, đi ít hơn, ăn ít hơn, tóm lại là mọi ngả đường, mọi thứ thông tin có thể vào người đều phải được chặn bớt. Có như vậy, người ta mới thích ứng được, khi khả năng xử lý thông tin không còn như trước nữa. Đến mái tóc, tưởng như không thu nhận thông tin gì, cũng phải bạc dần. Nếu không thế, đôi khi bạn quên mình đã già. Và nguy hại hơn, có thể những người khác giới cũng lầm tưởng bạn còn trẻ, và không chừng các quan hệ mới có thể làm bạn phải xử lý một khối lượng thông tin khổng lồ!
Với xã hội, với cả một thế hệ, thì việc ngăn chặn sức tàn phá thói quen suy nghĩ của thời đại @ có lẽ đặt chủ yếu lên vai của ngành giáo dục. Làm thế nào để trẻ em từ nhỏ đã vui với niềm vui sáng tạo. Vui vì tự làm được con trâu lá đa hơn là được bố mẹ mua cho cái đồ chơi hiện đại. Muốn sáng tạo, người ta phải suy nghĩ, dù là sáng tạo nhỏ nhặt nhất. Vậy nên khi "giảm tải" chương trình, có lẽ cần giảm tải thông tin, hơn là giảm tải các phương pháp giúp sáng tạo nên thông tin. Chẳng hạn, một định lý (là một thông tin) mà không kèm theo chứng minh thì có nên đưa vào chương trình không? Sợ rằng, khi đó, học theo một cuốn sách giáo khoa sẽ không khác nhiều lắm với việc tìm thông tin trên Internet. Và như vậy, vô tình trẻ em từ nhỏ đã lầm tưởng rằng "ngồi lặng yên nhấp chuột (không suy nghĩ) mà vẫn hiểu được việc thiên hạ", và khi lớn lên sẽ chỉ là các khách hàng của món "mỳ ăn liền" trong tư duy.
Đôi điều suy nghĩ tản mạn giữa hai lần "nhấp chuột", dù chưa thấu đáo thì Đầu Xuân cũng xin chữ "đại xá".
Theo Hà Huy Khoái - Tạp chí Tia sáng
Không thể, và không nên quay lại "ngày xưa", nhưng nên quay lại với thói quen suy nghĩ của thời chữ a chưa bị còng lưng dưới gánh nặng của đủ loại thông tin, thời chú Chuột chưa đánh lừa người ham hiểu biết. |