📞

Tản mạn người Hà Nội ở Sài Gòn

07:00 | 08/10/2016
Dù định cư nơi mảnh đất phương Nam, nhưng phần lớn người Hà Nội vẫn giữ được trong mình bản sắc riêng, khó trộn lẫn với người di cư đến từ các vùng, miền khác. 

Trong khoảng gần một thế kỷ nay, có hai cuộc di dân lớn từ Bắc vào Nam. Thứ nhất là cuộc di cư diễn ra vào năm 1954 sau khi Hiệp định Geneva được ký kết. Đã có khoảng 1,2 triệu người từ miền Bắc di cư vào miền Nam. Đợt thứ hai diễn ra sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng với công cuộc phân bổ lại lao động và di dân tự nhiên trong cả nước.

Ở đợt di dân thứ hai, nhiều người Bắc được đưa vào các tỉnh phía Nam xây dựng kinh tế mới. Sau đó, một số lượng đáng kể dịch chuyển từ các vùng kinh tế mới phía Nam về địa bàn TP. Hồ Chí Minh sinh sống.

Việc dịch chuyển địa bàn sinh sống của người Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh vẫn diễn ra liên tục hàng năm, đặc biệt trong những thập niên gần đây đối với đối tượng trẻ.

Hiện tại, người Hà Nội ở TP. Hồ Chí Minh khá đông, tập trung nhiều nhất tại quận Tân Bình. Xem xét về thời gian cư trú và tính cách, có thể tạm chia thành ba lớp người Hà Nội ở TP. Hồ Chí Minh.

TP. Hồ Chí Minh - “Thành phố của dân di cư”.

Lớp thứ nhất là những người di cư từ năm 1954, tiếp quản Sài Gòn và trong công cuộc kinh tế mới. Đây là lớp người “cũ” và có thể coi là “ giữ gìn bản sắc văn hóa của sinh quán”. Thậm chí qua hàng chục năm, sống giữa một cộng đồng dân cư người Nam, uống dòng nước Nam, nhưng giọng nói của lớp người này phần lớn vẫn nguyên vẹn âm Hà Nội. Cách hành xử, giao tiếp, đối đãi với người nhà, người ngoài vẫn toát lên vẻ thanh lịch của người Tràng An. Nhiều gia đình còn giữ được lễ nghi trong gia đình, nết người, nếp nhà như: “ăn trông nồi ngồi trông hướng”, “Trên kính, dưới nhường”…

Lớp người thứ hai, đó có thể là kết quả sự kết hợp người Hà Nội, hoặc người Hà Nội với người thuộc một tỉnh miền Bắc (phạm vi bài này xin chưa đề cập tới sự kết hợp giữa người Hà Nội với người Nam). Những lớp người “thuần Hà Nội” thường được cha mẹ truyền dạy khá nhiều về tình yêu quê hương, bản quán. Các con phải biết hướng về cội nguồn và luôn nhắc con cháu “Đói cho sạch, rách cho thơm”… Dù sống ở mảnh đất phương Nam, nhưng họ vẫn luôn dành nhiều tình cảm cho nơi “chôn nhau, cắt rốn”. Vì thế, có rất nhiều người, dù sinh ra và lớn lên tại TP. Hồ Chí Minh, hiện vẫn nói “đặc” giọng Hà Nội, cách sinh hoạt, hành xử vẫn mang dáng dấp của người Thủ đô.

Lớp người Hà Nội thứ ba đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh là những bạn trẻ “dám” xa quê để tìm cơ hội phát triển. Sự dịch chuyển này cơ bản là một chiều, tức là chủ yếu người Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh lập nghiệp chứ rất ít trường hợp ngược lại. Lớp người này thường trẻ trung, có kiến thức, có bản lĩnh độc lập và là “sản phẩm” của giai đoạn hội nhập. Họ tiếp thu nhanh chóng những trào lưu mới của những vùng đất mới. Vì thế, “chất” Hà Nội trong lớp người thứ ba này mờ nhạt khá nhanh trước nhịp sống vội vã của TP. Hồ Chí Minh. Nhưng sự mờ nhạt ấy thường chỉ mang tính nhất thời nhằm thích nghi với cuộc sống mới, công việc mới.

Trên thực tế, đối tượng người Hà Nội hiện đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh còn lớn và đa dạng hơn nhiều. Tuy nhiên, dù thuộc lớp người nào, đến trước hay đến sau, cái “chất” Hà Nội vẫn luôn tồn tại, thậm chí, nó còn được truyền từ đời này sang đời sau.