Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền ngày 19/11 tại Hà Nam. (Nguồn: BTC) |
Ngày 19/11, tại tỉnh Hà Nam, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng thường trực về Nhân quyền của Chính phủ chủ trì tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Quyết định số 1252/QĐ-TTg ngày 26/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền (gọi tắt là Quyết định 1252),
Mục đích của Hội nghị nhằm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Quyết định 1252 sau 5 triển khai thực hiện nhằm rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan trong việc triển khai thực hiện Công ước tại chu kỳ tiếp theo, qua đó giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với tình hình mới.
Hội nghị do ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp và Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng thường trực về Nhân quyền của Chính phủ đồng chủ trì.
Về đại biểu các cơ quan Trung ương có đại diện các Bộ, ngành như Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc, Ban Tôn giáo Chính phủ.
Về đại biểu địa phương có đại diện Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền thành phố Hà Nội, thành phố Hải Phòng và các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Giang; đại diện Sở Tư pháp các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh; đại diện của Văn phòng Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp, Cục Thi hành án, Hội Luật gia, Hội phụ nữ và Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Hà Nam.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng thường trực về Nhân quyền của Chính phủ, nêu rõ Công ước ICCPR là một trong 2 công ước cốt lõi trong hệ thống điều ước quốc tế về quyền con người, cùng với Công ước quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới hợp thành Bộ luật Nhân quyền quốc tế.
Là một thành viên tích cực và trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn trong việc thực thi các nghĩa vụ theo Công ước và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện rõ nhất qua việc Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) tháng 9/2024 đã thông qua Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kì phổ quát (UPR), ghi nhận nhiều thành tựu bảo đảm quyền con người, trong đó có các quyền dân sự và chính trị. Điều này thể hiện chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước và sự cố gắng nỗ lực của tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Hội nghị lần này là dịp để các bộ, ngành và địa phương đánh giá tình hình, kết quả thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ trong Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR gồm: nội luật hóa và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; tuyên truyền, phổ biến giáo dục đào tạo; hợp tác quốc tế và thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo Công ước.
Bên cạnh đó, chỉ ra những khó khăn, thách thức, hạn chế, đề xuất những sáng kiến, giải pháp nhằm thực thi hiệu quả Công ước, đặc biệt là chia sẻ những kinh nghiệm tốt, bài học hay của các đơn vị, địa phương nhằm bảo đảm và thúc đẩy ngày càng tốt hơn các quyền dân sự và chính trị của người dân.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Huyên, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp, cho biết qua theo dõi việc triển khai thực hiện, Bộ Tư pháp thấy rằng các Bộ, ngành, địa phương đã có sự chủ động, tận dụng các nguồn lực sẵn có, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương có liên quan để triển khai nhiệm vụ thông qua việc ban hành kế hoạch cụ thể để thực hiện Công ước ICCPR và các khuyến nghị của Uỷ ban Nhân quyền hoặc bổ sung lồng ghép nhiệm vụ vào các kế hoạch, đề án, chiến lược quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia trong nhiều lĩnh vực liên quan về quyền con người, quyền công dân khác.
Mặc dù vậy, việc triển khai Quyết định số 1252/QĐ-TTg chưa thực sự đồng đều ở các Bộ, ngành, địa phương; công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan còn hạn chế.
Do đó, ông Nguyễn Hữu Huyên đề nghị các cơ quan, Bộ ngành, địa phương có sự chia sẻ về tình hình thực hiện tại cơ quan, địa phương mình; đánh giá về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất các biện pháp khắc phục và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Hội nghị cũng là cơ hội giúp Cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm thông tin để chuẩn bị kỹ hơn cho Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam trong năm 2025.
"Chúng tôi cho rằng, việc triển khai Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước ICCPR cần được xác định là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng, nhằm đảm bảo tốt hơn các quyền dân sự, chính trị của người dân trên thực tế, cũng là góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách ổn định", Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tư pháp nói.
Hội nghị cũng là cơ hội giúp Cơ quan chủ trì soạn thảo có thêm thông tin để chuẩn bị kỹ hơn cho Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia ICCPR lần thứ 4 của Việt Nam trong năm 2025. (Nguồn: BTC) |
Sau nửa ngày làm việc tập trung, hiệu quả, Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Quyết định 1252 đã hoàn thành chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.
Trong bối cảnh Việt Nam sẽ bảo vệ Báo cáo quốc gia ICCPR lần thứ 4 dự kiến vào tháng 7/2025 tới đây, Hội nghị là cơ hội tốt giúp cho Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ, ngành đánh giá rút kinh nghiệm, tiếp tục cập nhật, hoàn thiện các nội dung phục vụ cho phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia cũng như việc triển khai thực hiện Quyết định 1252, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng cường công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành, cơ quan trong việc triển khai thực hiện Công ước tại chu kỳ tiếp theo.
Hội nghị cũng đã thu nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý giá từ các góc nhìn khác nhau để giúp Bộ Tư pháp tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ thực hiện hiệu quả Công ước ICCPR trong thời gian tới.