📞

Tăng cường vai trò của khu vực tư nhân, khai thác tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam

Hồng Châu 21:27 | 21/11/2023
Ngày 21/11, tại Hà Nội, Diễn đàn Năng lượng sản xuất tại Việt Nam sự kiện của Nhóm công tác về điện và năng lượng, thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Với các điều kiện tự nhiên sẵn có, năng lượng gió và năng lượng mặt trời là những lựa chọn ưu tiên tiềm năng nhất để đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Đây là sự kiện được tổ chức lần hai trong năm 2023, nhằm tập trung phân tích về ngành điện và năng lượng Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu và xem xét các chiến lược để thu hút nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nitin Kapoor đồng Chủ tịch, Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, năm 2023 là năm mà ngành điện và năng lượng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách về chuyển dịch năng lượng, bao gồm ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện, đồng thời nghiên cứu các công nghệ mới trong lĩnh vực điện và năng lượng.

Trong bối cảnh này và trước thềm Hội nghị COP28 tại Dubai, Diễn đàn Năng lượng sản xuất tại Việt Nam đã thúc đẩy đối thoại giữa khu vực tư nhân ở cả trong và ngoài nước với các cơ quan quản lý nhà nước về các nội dung quan trọng của ngành năng lượng; trong đó, gồm cả việc sắp sửa thành lập Ban chỉ đạo quốc gia các công trình dự án trọng điểm ngành năng lượng...

Những nội dung thảo luận trong sự kiện này được kỳ vọng sẽ hữu ích và hỗ trợ cho Chính phủ trong việc đạt được các cam kết quốc tế về phát thải ròng bằng 0.

Ông Lương Quang Huy, Trưởng phòng Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng Ozone, Cục Biến đổi khí hậu chia sẻ về chiến lược và chính sách chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, cùng với quá trình triển khai những chiến lược và chính sách này như Quy hoạch Điện VIII, Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia... Đồng thời, thông tin về các cam kết quốc tế của Việt Nam cùng các cam kết khác có liên quan và tác động của những cam kết này đến chính sách năng lượng của Việt Nam.

Còn ông Kojima Masao, Tổng phụ trách khu vực Việt Nam, Tổng Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng MUFG Bank, Ltd. đánh giá về các vấn đề chính của hợp đồng mua bán điện giữa nhà sản xuất và khách hàng (PPA) và các biện pháp giảm thiểu rủi ro.

Theo đó, ông Masao lý giải, thực trạng Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) không có nghĩa vụ theo hợp đồng phải mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió/mặt trời. EVN chỉ thanh toán cho lượng điện nhận được (nhận và thanh toán), không có mức mua tối thiểu bắt buộc. Việc cắt giảm lượng điện là do trong số các nguyên nhân khác, các hạn chế về độ ổn định của lưới điện, tình trạng quá tải của hệ thống truyền tải và phân phối, nhu cầu địa phương và chi phí phát điện tổng thể.

Ông John Rockhold, Chủ tịch, Nhóm Công tác Năng Lượng & Điện (PEWG), Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam đã giới thiệu về Báo cáo Kế hoạch Năng lượng sản xuất tại Việt Nam - ấn bản thứ ba (MVEP 3.0). Theo ông John Rockhold, mặc dù tỷ lệ tăng trưởng phụ tải hàng năm đang giảm dần, tuy nhiên, ngành điện Việt Nam vẫn đối mặt nguy cơ thiếu điện trong tương lai gần. Với các điều kiện tự nhiên sẵn có, năng lượng gió và năng lượng mặt trời là những lựa chọn ưu tiên tiềm năng nhất để đảm bảo an ninh năng lượng trong dài hạn.

Ông John Rockhold cũng chỉ ra những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam được chia thành 4 nhóm: Chính sách & Khung pháp lý; Công nghệ & Tiêu chuẩn; Tài chính; Nguồn nhân lực.

Báo cáo MVEP 3.0 trình bày một số gợi ý từ khu vực tư nhân cho cơ quan quản lý để thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia vào phát triển năng lượng theo tinh thần của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, từ đó biến ngành công nghiệp năng lượng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và trở thành động lực cho sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế.

Tham gia trình bày tại Diễn đàn lần này có các vụ, cục liên quan về chiến lược và chính sách về chuyển dịch năng lượng của Việt Nam, các cam kết quốc tế của Việt Nam, bao gồm Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và các cam kết khác liên quan, và tác động của những cam kết này đến chính sách năng lượng của Việt Nam.

Các chuyên gia trong ngành điện và năng lượng, bao gồm tổ chức tài chính, tổ chức tài trợ, công ty điện, cũng thảo luận về cách thức để khu vực công và khu vực tư nhân có thể cùng nhau thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo và tận dụng các nỗ lực khử cacbon để thúc đẩy các mục tiêu phát triển, nhờ đó đạt được mức phát thải ròng bằng 0 và thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Đồng thời nhấn mạnh quan điểm, để khai thác tối đa tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam, điều cấp thiết là phải tăng cường vai trò của khu vực tư nhân trong lĩnh vực năng lượng, và cần phải thực hiện ngay bây giờ, bằng cách tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào quá trình sửa đổi Luật Điện lực, xây dựng khung chính sách hiệu quả để phát triển năng lượng tái tạo và tham gia sâu hơn vào hoạt động của các Nhóm công tác JETP, các dự án song phương và hỗ trợ trực tiếp chính thức khác.

Diễn đàn đã tập trung phân tích về ngành điện và năng lượng Việt Nam trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng toàn cầu và xem xét các chiến lược để thu hút nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển dịch năng lượng đang diễn ra tại Việt Nam.