Ngày vi chất dinh dưỡng được tổ chức nhằm tăng nhận thức của người dân về tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng. (Ảnh minh họa) |
Phát biểu tại buổi lễ, PGS.TS. Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: Thiếu vi chất dinh dưỡng bao gồm thiếu vitaminA, iốt, sắt, kẽm là các vấn đề sức khỏe cộng đồng ở nước ta ảnh hưởng tới sự phát triển tinh thần và thể lực của trẻ em; đồng thời ảnh hưởng tới năng suất lao động của người Việt Nam và nhiều mặt kinh tế - xã hội.
Ngày vi chất dinh dưỡng được tổ chức nhằm tăng nhận thức của người dân về tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng và cho trẻ em từ 6 - 36 tháng tuổi trên toàn quốc uống vitamin A.
Với sự hỗ trợ của Liên minh toàn cầu về cải thiện dinh dưỡng và tổ chức Irish Aid (Đại sứ quán Ireland), Viện Dinh dưỡng đã được chỉ định để xây dựng dự án “Cải thiện tình trạng dinh dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Hiện dự án đã được triển khai ở bốn tỉnh Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Nam và Cà Mau.
Mục tiêu của dự án là truyền thông về dinh dưỡng tối ưu cho trẻ; đồng thời đưa ra giải pháp tăng cường vi chất thuận tiện và dễ dàng cho các bà mẹ để cung cấp mức vi chất dinh dưỡng vừa đủ trong chế độ ăn hàng ngày của trẻ.
Các hoạt động của dự án bao gồm: lập kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm, thiết kế và phân phối, chiến dịch thay đổi hành vi toàn diện cũng như giám sát mạnh mẽ của các hoạt động khác nhau tại các xã, huyện, tỉnh. Đến nay, dự án đã đạt được những kết quả khả quan với hơn 1.000 cán bộ y tế được đào tạo và hơn 700.000 gói bột bổ sung đa vi chất dinh dưỡng được phân phối tại các trung tâm y tế xã trong khoảng 4 tháng.
Việt Nam hiện có dân số hơn 90 triệu người và ước tính có khoảng 7,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng năm 2012 cho thấy chế độ ăn điển hình của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không cung cấp đủ năng lượng, chất dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng cho trẻ để có sự tăng trưởng và phát triển tối ưu.
Kết quả từ cuộc Điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2010 cho thấy có 9,1% trẻ em Việt Nam bị thiếu máu; 12,9% có tình trạng thiếu sắt và 51,9% thiếu kẽm; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi là 25,9%...
A.L