📞

Tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới Việt-Lào: Dự án nhiều ý nghĩa

10:18 | 20/05/2016
Ngày 19/5, Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức họp báo giới thiệu về Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam- Lào

Ngày 19/5, Ủy ban Biên giới Quốc gia (Bộ Ngoại giao) đã tổ chức họp báo giới thiệu về Dự án tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam- Lào và hệ thống các văn kiện pháp lý về quản lý biên giới quốc gia Việt Nam - Lào. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia chủ trì hội nghị.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thu Sương

Phát biểu tại họp báo, ông Nguyễn Anh Dũng nhấn mạnh, việc hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào và ký kết hai văn kiện pháp lý quan trọng liên quan đến biên giới hai nước thể hiện quyết tâm của hai Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Lào vì một đường biên giới chung hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Trên bình diện chính trị - pháp lý, việc hoàn thành công tác tăng dày, tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào là thành quả chung của nhân dân hai nước, là minh chứng thuyết phục cho việc hai bên giải quyết vấn đề biên giới, lãnh thổ trên cơ sở thương lượng, bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau, hợp tác cùng phát triển, phù hợp với pháp luật và thực tiễn quốc tế.

Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào được Cơ quan biên giới Trung ương hai bên đã đồng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hữu quan xây dựng từ năm 2004.

Nội dung chính của Dự án gồm: Tăng dày hệ thống mốc quốc giới ở những vị trí cần thiết để làm rõ đường biên giới; Tôn tạo các mốc hiện có và mốc tại cửa khẩu biên giới để đảm bảo kiên cố, vững chắc và khang trang; Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về đường biên giới Việt Nam – Lào (lập lại bộ hồ sơ cắm mốc và Nghị định thư phân giới cắm mốc phù hợp với số liệu đo đạc tại thực địa và thể hiện lên bộ Bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào tỷ lệ 1/50.000 do hai nước thành lập năm 2003).

Dự án được chính thức khởi công vào năm 2008. Sau 6 năm triển khai, đến cuối tháng 6/2013, xây dựng được 834 cột mốc tại 792 vị trí mốc và cắm bổ sung 29 cọc dấu tại 27 vị trí đường biên giới. Đến tháng 12/2014, hai bên đã xác định và xây dựng thêm 139 cọc dấu tại 86 vị trí đường biên, nâng tổng số vị trí mốc và cọc dấu trên toàn tuyến lên 905 vị trí, tương đương 1.002 mốc và cọc dấu.

Ngày 16/3/2016, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Lào, hai bên đã long trọng tổ chức Lễ Tổng kết hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam – Lào.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hai bên đã ký 2 văn kiện pháp lý “Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới Việt Nam – Lào” và “Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào. Theo đó, sau khi hoàn tất các thủ tục nội bộ của mỗi bên, hai bên sẽ tiến hành quản lý đường biên giới giữa hai nước theo các văn kiện nói trên.

Đường biên Việt Nam – Lào có chiều dài gần 2.340km, điểm khởi đầu là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc (tiếp giáp giữa cac tỉnh Điện Biên – Phông Xa Lỳ - Vân Nam), điểm kết thúc là giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia (tiếp giáp giữa các tỉnh Kon Tum – Asttapu-Ratanakiri). Đường biên giới này đi qua địa giới hành chính 10 tỉnh của Việt Nam, tiếp giáp với 10 tỉnh của Lào.