📞

Tăng lương cơ sở sẽ không gây ra tình trạng lạm phát tăng đột biến

Gia Thành 16:21 | 03/07/2024
Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7, đồng ý cải cách tiền lương với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng, tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội từ 1/7. Làm thế nào để tăng lương nhưng không kéo theo lạm phát tăng vọt?
Để kiểm soát hiện tượng lạm phát tăng theo lương cơ sở, các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai giám sát thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin giá... (Nguồn: Vietnamnet)

Nhận định về vấn đề nói trên, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, trong 15 năm qua tốc độ tăng của Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng lương.

Tính từ năm 2009 cho đến ngày 1/7/2024 - tức ngày chính thức áp dụng chính sách lương mới - mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, mức lương tối thiểu vùng của doanh nghiệp tăng khoảng 484%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng khoảng 108%.

Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương thực sự phải là thu nhập chính để đảm bảo nguồn sống của người lao động và gia đình, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.

Tăng lương sẽ góp phần nâng cao mức sống của người dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế và làm cho sức mua tăng lên, khi đó quan hệ cung cầu có sự thay đổi, có khả năng tác động đến giá cả.

Bà Oanh cho rằng, những năm trước đây, thông thường khi lương tăng thì giá cả tăng. Thậm chí chỉ khi mới có chính sách của Chính phủ về việc tăng lương thôi thì giá cả đã tăng rồi, chưa cần đợi đến thời điểm thực thi. Đó là vì thị trường khi đó còn ở dạng tự phát và công tác quản lý xung đột về giá chưa được hoàn thiện như hiện nay.

Vụ trưởng Vụ Thống kê giá dẫn chứng, năm 2008 và 2011 xảy ra lạm phát tăng rất cao nhưng không phải chỉ do tăng lương mà ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế thế giới. Chính sách tiền tệ thời kỳ này còn lỏng lẻo không linh hoạt, việc điều hành các chính sách tiền tệ vĩ mô còn lúng túng…

"Trong những năm trở lại đây đã có sự thay đổi rất rõ rệt. Chính phủ, người dân và thị trường đã có những thích ứng, không còn bị tác động nhiều nữa nên việc tăng lương thường tạo ra lạm phát kỳ vọng, còn chuyện tăng giá ít xảy ra. Do đó, lần tăng lương này sẽ không gây ra tình trạng tăng đột biến đối với lạm phát", bà Nguyễn Thu Oanh khẳng định.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cũng nhấn mạnh, không nên chủ quan và vẫn phải lường trước hiện tượng “té nước theo mưa” khi tăng lương từ 1/7.

Để kiểm soát được hiện tượng này các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai giám sát thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin giá, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với cả việc chấp hành các pháp luật về giá cũng như xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Bà Oanh nói: “Đây là giải pháp rất là quan trọng vì khi giá cả được công khai minh bạch thì sẽ tránh được tình trạng tăng giá bất hợp lý. Ngoài ra cũng cần kêu gọi các doanh nghiệp tham gia các chương trình bình ổn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp quy mô lớn, uy tín, chiếm thị phần cao, là đầu mối cho các chuỗi cung ứng. Đồng thời, khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hoá, kích cầu tiêu dùng”.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu gồm ông Nguyễn Thường Lạng, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) và bà Nguyễn Thị An Hưng, Cựu sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, cần có các giải pháp đồng bộ cả về tuyên truyền nhân thức, kinh tế, tài chính, hành chính - pháp lý cùng với các chủ thể có liên quan như nhà nước, doanh nghiệp, dân cư, các đối tượng hữu quan khác.

Theo đó, về phía nhà nước, cần có nguồn hoặc cơ chế dự trữ hàng hóa đáng kể để cung ứng ra thị trường vào thời điểm cần thiết, hình thành cơ chế giá trần phù hợp với những mặt hàng thiết yếu, tăng cường hiệu nang quản lý thị trường khi có hiện tượng đầu cơ tăng giá hoặc tăng giá không đủ cơ sở và căn cứ phù hợp, coi trọng tuyên truyền để ổn định tâm lý công chúng trước tình hình tăng lương.

Đồng thời, khuyến khích cạnh tranh theo giá, tăng cường nhập khẩu để ổn định giá và tăng lãi suất huy động, phát hành trái phiếu dự án hoặc trái phiếu doanh nghiệp có nhà nước bảo lãnh để thu hút phần nào lượng tiền nhàn rỗi trong lưu thông.

Đối với doanh nghiệp, cần tái cơ cấu, áp dụng mô hình kinh doanh mới, quản trị tinh gọn để tiết kiệm chi phí, khai thác mọi sự hỗ trợ để tiết kiệm chi phí.

Đối với công chúng, cần ổn định tâm lý, không chạy theo tâm lý đám đông, không tự gây ra làn song đô xô mua hàng hóa khi chưa có nhu cầu thực sự, giảm thiểu tâm lý tích trữ và có phương thức chi tiêu cá nhân hợp lý, tiết kiệm và bền vững.