Tăng trưởng vượt bậc của kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi đà phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ cùng với hiệu ứng cơ bản tốt. (Nguồn: iStock) |
Kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu trầm lắng và chìm trong nỗi lo suy thoái, lạm phát, giá cả tăng cao, nhiều biến động thay đổi, thì Việt Nam vẫn duy trì hàng loạt chỉ số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ và nhiều quốc gia khác cũng đều khao khát một thành công như thế.
WSJ nhấn mạnh, quốc gia này có thể sẽ nằm trong số những nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á vào năm tới, mặc dù đồng tiền nội tệ (VND) yếu hơn và dự trữ ngoại hối đang giảm đi.
Sputnik đưa tin, một trong ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế hàng đầu thế giới Fitch Ratings đã xếp hạng Việt Nam ở mức BB với “Triển vọng tích cực” để nêu bật đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam.
Fitch cho rằng, tỷ giá VND/USD vẫn đang tiếp tục chịu áp lực khi đồng USD mạnh lên, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng đã giảm xuống dưới 100 tỷ USD nhưng tổ chức có đến hơn 100 năm kinh nghiệm trong việc đánh giá và cung cấp xếp hạng tín nhiệm cho các quốc gia, doanh nghiệp và nhà đầu tư trên toàn thế giới này vẫn kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,4% vào năm 2022.
Tăng trưởng vượt bậc của Việt Nam được thúc đẩy bởi đà phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ cùng với hiệu ứng cơ bản tốt. Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ tiếp tục là nhân tố thúc đẩy mức tăng trưởng trung và dài hạn mạnh mẽ của Việt Nam.
Theo WSJ, trên thực tế, Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế, dự trữ ngoại hối và chính sách tiền tệ linh hoạt.
Quy luật về trung bình cuối cùng có thể ứng với quốc gia này và Việt Nam sẽ gần như chắc chắn đạt được những kết quả tăng trưởng đáng khâm phục.
Tác giả Megha Mandavia cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vào tuần trước thông báo tăng lãi suất điều hành của mình thêm từ 0,5-1 điểm phần trăm - lần tăng thứ hai trong vòng hơn một tháng qua - động thái tăng lãi suất điều hành được NHNN lý giải là nhằm chống lạm phát trong bối cảnh áp lực toàn cầu đè nặng và đà trượt giá mạnh của VND do giá đồng USD lên cao nhất trong nhiều năm qua.
Tin liên quan |
Việt Nam - Một trong những điểm đầu tư sôi động nhất thế giới |
WSJ đánh giá, VND đã mất 4% trong tháng này sau khi NHNN nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá lên mốc 5% để bảo toàn nguồn dự trữ ngoại hối bằng đồng USD đang dần cạn kiệt.
Dữ liệu từ CEIC cũng cho thấy, dự trữ ngoại hối của Việt Nam bằng hơn ba tháng nhập khẩu tính đến tháng 6. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Indonesia là hơn 5 tháng nhập khẩu và 7 tháng với Thái Lan, Philippines tính đến tháng 8. Việt Nam không thể chủ quan với điều này.
Tác giả Megha Mandavia cho biết: “Tình hình có thể trở nên phức tạp hơn đối với Việt Nam nếu thế giới rơi vào suy thoái”.
Theo đó, Việt Nam có thể sẽ phải mở rộng biên độ giao dịch tỷ giá, ngoại hối một lần nữa và chấp nhận đà suy yếu của VND trong khi vẫn phải tiếp tục tăng lãi suất điều hành.
WSJ khẳng định: “Tuy nhiên, nhờ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại mạnh mẽ, tích cực và mức lương nhân công tương đối rẻ, động lực tăng trưởng sản xuất của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn”.
Đồng thời, tác giả này cho rằng, Việt Nam cũng có lợi thế xuất phát từ vị thế tăng trưởng đáng ghen tị: GDP quý 3/2022 tăng vọt 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh.
“Cách ly” khỏi khủng hoảng lương thực toàn cầu
Dù NHNN Việt Nam đang bắt đầu bước vào “cuộc chiến tiền tệ”, nhưng mới là giai đoạn đầu của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ từ tháng 9 vừa qua.
Trong phần lớn thời gian của năm 2022 (3 quý vừa qua), Chính phủ chủ yếu dựa vào việc giảm dự trữ ngoại hối (bán ròng ngoại tệ) và cắt giảm thuế nhiên liệu (thuế xăng dầu) để hỗ trợ chính sách tiền tệ và chống lạm phát.
WSJ nhận định rằng: “Việt Nam cũng được ‘cách ly’ một phần khỏi đà gia tăng giá lương thực toàn cầu” .
Việc quốc gia này gần như không chịu ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng cao trên toàn cầu là vì nước này là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nói cách khác, Việt Nam là một cường quốc về lương thực, do đó, ám ảnh tăng giá toàn cầu đối với mặt hàng này không đe dọa quốc gia gần 100 triệu dân.
Các lợi thế của Việt Nam vẫn được duy trì tốt. Chỉ số CPI chỉ ở mức 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8. Thậm chí báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 10 tăng 4,3%, vẫn ở mức thấp theo chuẩn khu vực.
Việt Nam đang vượt xa phần còn lại của châu Á khi xét về tăng trưởng kinh tế thần tốc, dự trữ ngoại hối (đồng USD) và chính sách tiền tệ linh hoạt. (Ảnh: Lê Tân) |
Tuy nhiên, theo Goldman Sachs, xuất khẩu hiện đang phải đối mặt với những khó khăn ngày càng tăng. Tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam vào tháng 9 đã giảm 5,1% so với tháng trước (số liệu đã điều chỉnh theo yếu tố mùa vụ).
Sau giai đoạn 2020-2021 đầy khó khăn, Việt Nam trải qua phần lớn thời gian của năm 2022 với lạm phát vẫn duy trì ở mức thấp và tăng trưởng nhanh.
WSJ cho rằng, “thời thế hiện tại sẽ khó khăn hơn một chút”, nhưng vẫn đánh giá kinh tế Việt Nam duy trì đà tích cực.
Việt Nam đang sẵn sàng tăng trưởng nhanh trong năm tới. Natixis dự báo, GDP Việt Nam sẽ tăng 6,5%, trong khi Capital Economics dự báo mức trên 7%.
Ngoài ra, đồng tiền quốc gia suy yếu cũng có thể giúp giảm bớt tác động từ nhu cầu xuất khẩu yếu đi trên toàn cầu hiện nay.
WSJ khẳng định: “Dù giai đoạn tăng trưởng vàng của Việt Nam hậu đại dịch Covid-19 có thể đã qua, nhưng hầu hết các quốc gia vẫn vô cùng khao khát những con số tăng trưởng đáng ngưỡng mộ như vậy trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại”.
Điểm sáng trong "bức tranh màu xám"
Trong báo cáo “Triển vọng kinh tế khu vực châu Á- Thái Bình Dương” mới công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, Việt Nam là điểm sáng trong một “bức tranh xám màu”.
Bà Anne Marie Gulde Wolf, Quyền Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của IMF cho rằng: “Việt Nam là một trong số ít các nước chúng tôi nâng cấp dự báo tăng trưởng lên 7% trong năm nay, thay vì 6% trước đó”.
Trong báo cáo mới cập nhật, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của châu Á và khu vực Thái Bình Dương xuống 0,9 điểm % vào năm 2022 và 0,8 điểm % vào năm 2023.
Đồng thời, dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm nay sẽ giảm xuống còn 4% và tăng lên 4,3% vào năm 2023. Dù vậy, Việt Nam là câu chuyện hoàn toàn khác.
IMF đưa ra đánh giá: “Kinh tế toàn cầu đang hứng chịu những cơn sóng gió lớn và Việt Nam là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Chúng tôi vẫn thấy, quốc gia này là một nền kinh tế rất năng động”.
Lợi thế của Việt Nam, theo IMF là nhờ vào chính sách tiền tệ đúng đắn, chính sách hỗ trợ tài khoá kịp thời và nhu cầu bên ngoài được duy trì mạnh mẽ.
| Dòng vốn FDI của Trung Quốc đang ‘đổ bộ’ vào Việt Nam Trung Quốc nhiều năm liền là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại song phương duy trì tốc ... |
| Kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, nhiều điểm sáng Chiều 29/10, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo thường kỳ tháng 10 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng ... |
| Thu hút FDI: Việt Nam sở hữu nhiều cơ hội 'hiếm có khó tìm' trong bối cảnh thế giới đầy biến động Sáng 25/10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) và ... |
| Thế giới ngập tràn tăng trưởng thấp, lạm phát cao nhưng kinh tế Việt Nam là một 'ngoại lệ' Tờ The Australia Financial Review (AFR) đăng tải bài báo của tác giả Emma Connors ca ngợi tiềm năng phát triển của nền kinh tế ... |
| Việt Nam - Một trong những điểm đầu tư sôi động nhất thế giới “Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong hai hoặc ba năm tới nhờ việc chứng tỏ vị thế của mình trong ... |