📞

Tăng tuổi nghỉ hưu: Cần có lộ trình để giảm “sốc”

Nguyệt Anh 15:03 | 13/06/2019
TGVN. Chia sẻ với báo TG&VN, ĐBQH Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, tăng tuổi nghỉ hưu cần phải có lộ trình để giảm “sốc” trên thị trường lao động…    
Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi.

Là Đại biểu quốc hội, quan điểm của ông thế nào về quy định tăng tuổi hưu?

Tôi cho rằng, bây giờ đặt vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp với điều kiện của nước ta khi bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng. Đặc biệt, tuổi thọ của người Việt Nam đã được cải thiện tốt hơn, khi bình quân đạt trên mức trung bình của thế giới.

Hơn nữa, điều kiện lao động đã được cải thiện đáng kể. Do đó, người lao động cũng có xu hướng kéo dài thời gian làm việc để tăng thu nhập và cải thiện lương hưu khi về già.

Tuy nhiên, tăng bao nhiêu tuổi cho nam và nữ cũng như tăng trong ngành nghề, lĩnh vực nào cần phải tính toán cụ thể. Đặc biệt, cần đánh giá tác động cả về kinh tế, xã hội, phải tạo được sự đồng thuận của xã hội, nhất là người lao động trực tiếp sản xuất.

Đồng thời, tăng tuổi nghỉ hưu cần phải có lộ trình để vừa giảm “sốc” trên thị trường lao động, vừa tránh hạn chế chỗ làm việc cho lao động trẻ, đặc biệt lao động đã qua đào tạo, để hạn chế thất nghiệp và thiếu việc làm.

Nhưng hiện nay, nhiều người đang hiểu sai việc tăng tuổi hưu đối với người lao động được áp dụng đối với tất cả các ngành nghề, lĩnh vực?

Người lao động hiện tại đang rất băn khoăn vì nghĩ rằng họ phải làm việc tới tuổi 60 và 62. Tuy nhiên, thực chất không phải ai cũng làm đến tuổi này. Về cơ bản, tôi phải khẳng định lại, với những lao động chân tay (như da giày, dệt may, thủy sản, điện tử) hay những ngành nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ được quyền về hưu sớm hơn so với lao động bình thường.

Trong tờ trình của Chính phủ đang đưa ra hai phương án nhưng thực chất chỉ là một phương án điều chỉnh theo lộ trình để nam nghỉ hưu ở tuổi 62, nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Còn 2 phương án là đề cập tới lộ trình khác nhau, nhanh hay chậm mà thôi.

Chúng ta phải hết sức lưu ý, trong quy định của pháp luật hiện hành và dự án Bộ luật lao động sửa đổi, tuổi về hưu được chia làm 3 nhóm.

Nhóm đầu về đúng độ tuổi quy định là những người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Nhóm thứ hai được quyền về hưu sớm hơn 5 năm trong trường hợp họ bị suy giảm khả năng lao động, hoặc làm công việc trong điều kiện lao động đặc biệt nặng nhọc độc hại, nguy hiểm, làm công việc trong điều kiện lao động nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

Cuối cùng là nhóm được quyền nghỉ hưu muộn hơn, nhưng không quá 5 năm với những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công việc quản lý và một số trường hợp đặc biệt nhưng có sức khỏe, có nhu cầu và được cơ quan sử dụng lao động mong muốn ở lại để làm việc, đóng góp vì kinh nghiệm.

Tăng tuổi nghỉ hưu cần phải có lộ trình để giảm “sốc” trên thị trường lao động. (Nguồn: An ninh Thủ đô)

Chính phủ cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi cho tất cả các nhóm đối tượng lao động để quy định pháp luật có tính khả thi. Đồng thời, phải tuyên truyền để người lao động thấy được sự cần thiết điều chỉnh tuổi nghỉ hưu nhằm bảo đảm nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, không gây cản trở cho lao động trẻ, cũng không để lãng phí nhân lực chất lượng cao có kinh nghiệm.

Trong bối cảnh Việt Nam với dân số đang ở "cơ cấu vàng" - tức tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tăng lên. Vậy việc tăng tuổi hưu liệu có ảnh hưởng tới cơ hội của người trẻ?

Tăng tuổi nghỉ hưu đương nhiên là ảnh hưởng đến việc làm của lao động trẻ nếu chúng ta tăng nhanh và tăng cho mọi nhóm lao động. Do đó, rất cần tăng theo lộ trình và tăng dần đều để tránh gây ảnh hưởng tới cơ hội của người trẻ.

Kinh nghiệm cho thấy, một quốc gia có quy mô dân số tương đương dân số của Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và 400 nghìn người bước vào độ tuổi nghỉ hưu.

Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 1 tuổi/năm, nghĩa là sẽ có 400 nghìn người tiếp tục làm việc, cho dù ở khu vực nhà nước hay khu vực doanh nghiệp, lẽ ra họ sẽ nhường chỗ cho 400 nghìn người mới tham gia thị trường lao động.

Do vậy, thị trường lao động sẽ bị tắc nghẽn. Sau 2 năm, con số này sẽ là khoảng 800 nghìn người và mức độ tắc nghẽn sẽ tăng lên.

Hiện tại, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng, lực lượng lao động còn dồi dào. Nếu lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chậm sẽ tác động làm dòng chảy của thị trường lao động chậm lại một chút chứ không tắc nghẽn như phương án điều chỉnh nhanh.

Vậy ông lý giải tại sao lại có sự khác biệt trong việc tăng tuổi hưu giữa nam và nữ?

Ngay từ đầu chúng ta đã quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ cách biệt nhau 5 tuổi và coi đó là sự ưu tiên cho phụ nữ khi vừa gánh vác công việc xã hội vừa phải đảm trách thiên chức làm mẹ, công việc gia đình.

Nhưng đến nay điều kiện lao động đã được cải thiện, môi trường làm việc tốt hơn; tuổi thọ của phụ nữ cao hơn nam giới. Từ đó, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu.

Tuy nhiên, nhiều người đề cập đến việc nâng tuổi hưu nam 62, nữ 60 là chưa thực hiện bình đẳng giới. Ông nghĩ sao?

Qua hội thảo và lấy ý kiến, nhiều người nêu quan điểm này tức là phải bảo đảm bình đẳng giới thực chất, các biện pháp đặc biệt tạm thời theo tinh thần Công ước quốc tế về loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).

Trong khi khoảng cách tuổi nghỉ hưu cần được xem xét tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, tính chất lao động của những nhóm lao động khác nhau. Hiện nay, có những nhóm đối tượng không có khoảng cách về tuổi nghỉ hưu.

Việc thay đổi khoảng cách chênh lệch tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ 5 năm xuống còn 2 năm đòi hỏi những thay đổi đồng bộ về công thức tính lương hưu, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch…

Xin cảm ơn ông!

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: “Chúng ta xác định việc điều chỉnh tuổi hưu vừa phải đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa đảm bảo việc làm cho giới trẻ. Không có chuyện người già tranh chấp chỗ của người trẻ, quan chức giữ ghế để làm việc, mà chúng ta tính cho tương lai. Nếu không tính tuổi nghỉ hưu nghĩa là chúng ta truyền gánh nặng cho thế hệ sau”.