Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh điều đó khi chủ trì phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về trẻ em vào sáng nay 11/1.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về trẻ em. (Nguồn: VGP( |
Triển khai nhiều biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các cấp, các ngành tập trung hành động quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách về công tác trẻ em, tạo chuyển biến thực sự, nhất là những vấn đề đã tồn tại nhiều năm. Đây là nhiệm vụ chính trị trung tâm đối với tương lai của đất nước.
Theo Báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2023, hệ thống văn bản pháp luật về trẻ em tiếp tục được bổ sung, sửa đổi, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch nhằm thực hiện tốt hơn nữa quyền trẻ em và giải quyết kịp thời các vấn đề trẻ em.
Các cơ quan, bộ, ngành đã triển khai quyết liệt, kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em: Tập huấn, nâng cao năng lực bảo vệ trẻ em ở cơ sở; lực lượng công an không để các vụ việc xâm hại trẻ em bị phát hiện mà không xử lý; tòa án đã giải quyết, xét xử 98,5% vụ án liên quan đến xâm hại người dưới 18 tuổi; nhiều trường hợp trẻ em bị mua bán, bạo lực được chăm sóc, trợ giúp, bảo vệ…
Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa cho rằng, công tác truyền thông về trẻ em đã có nhiều đổi mới, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của gia đình, hướng dẫn cha mẹ cách ứng xử với con cái.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với các tỉnh, thành phố triển khai nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em (đuối nước, phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ).
Bộ Y tế từng bước triển khai mô hình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời của trẻ; tham gia xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về liên thông thủ tục hành chính về khai sinh, khai tử và cấp BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, tình trạng thiếu vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng đã được khắc phục. Theo lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 (phòng bệnh do virus Rota, do phế cầu, ung thư cổ tử cung, cúm mùa), dự kiến tháng 6/2024, vaccine rota sẽ được dùng cho trẻ em theo quy định.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn tiếp tục được quan tâm với hơn 6,4 triệu lượt trẻ em được hỗ trợ trên 1.646 tỷ đồng. Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đã trao học bổng, quà tặng cho gần 15.000 em với số tiền trị giá 1,15 tỷ đồng…
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại phiên họp thường kỳ của Ủy ban Quốc gia về trẻ em, sáng 11/1. (Nguồn: VGP) |
Bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, tình hình xâm hại trẻ em tiếp tục gia tăng, phức tạp, chưa đạt được mục đích phòng ngừa, kiểm soát, kéo giảm so với yêu cầu đặt ra.
Theo Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, số vụ việc trẻ em, người vị thành niên vi phạm pháp luật trong năm 2023 tăng 14%, có phương thức và thủ đoạn manh động, liều lĩnh. Những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vi phạm pháp luật của trẻ em, người vị thành niên bị ảnh hưởng bởi các hành vi bạo lực, xâm hại trong gia đình, trách nhiệm của xã hội, nội dung độc hại trên các nền tảng mạng xã hội.
Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc đề nghị rà soát lại các văn bản, chính sách đã ban hành, thực tế triển khai, làm rõ trách nhiệm, "địa chỉ" tiếp nhận, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, cần tạo chuyển biến thực sự đối với những vấn đề, tồn tại trong công tác trẻ em, như: Xâm hại, bạo lực học đường, tai nạn thương tích, an toàn trên không gian mạng, tư vấn tâm lý, tình trạng sử dụng chất kích thích…
Cho ý kiến đối với một số vấn đề cụ thể, Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành nghiên cứu tiếp tục cải thiện công tác tư pháp đối với trẻ vị thành niên; cụ thể hóa các khuyến nghị của Liên hợp quốc về cải thiện các nhóm chỉ số liên quan đến trẻ em trong phát triển bền vững; đánh giá tác động của các nền tảng xã hội trực tuyến đối với trẻ em; nghiên cứu tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử, hoặc các chất kích thích khác đối với sức khỏe thể chất, tâm thần của trẻ em; rà soát thực trạng, nhu cầu sử dụng bể bơi, hồ bơi trong trường học, thiết chế văn hoá, thể thao tại cộng đồng…
Phó Thủ tướng nhấn mạnh trong năm nay, "chúng ta phải khẩn trương triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động về chăm sóc, bảo vệ trẻ em một cách tổng thể, bài bản, khoa học. Kèm theo giải pháp, bộ máy tổ chức, nguồn lực thực hiện cụ thể, khả thi, nhằm giải quyết cho được những tồn tại trong công tác trẻ em, bảo đảm quyền trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần".
| Để trẻ em không sa vào 'hố đen' trên thế giới ảo... Để trẻ em không bị sa vào "hố đen" trên thế giới ảo, vấn đề quan trọng là cần giáo dục các em cách ứng ... |
| Chuyên gia cảnh báo về những nguy cơ của Trí tuệ nhân tạo đối với trẻ em Nhằm giảm thiểu các rủi ro của trí tuệ nhân tạo tác động đến trẻ, không phải cấm trẻ sử dụng mà quan trọng nhất ... |
| Việt Nam nỗ lực thực hiện quyền con người Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện quyền con người, vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không ai ... |
| Vì tương lai phát triển toàn diện của trẻ em vùng dân tộc thiểu số Bảo đảm quyền lợi trẻ em vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, được Đảng, Nhà nước, người dân hết sức quan ... |
| 'Cùng chung tay, cùng thay đổi' trong hành động vì bình đẳng giới Trao quyền cho phụ nữ, đầu tư cho bình đẳng giới và phòng ngừa bạo lực với phụ nữ, trẻ em trở nên quan trọng ... |