📞

Tập trận Malabar 2022 hay màn phô diễn quyết tâm chống Trung Quốc của Bộ tứ

Hồng Phúc 14:36 | 05/12/2022
Trong bài viết đăng trên Asia Times ngày 3/12, Simran Walia* khẳng định, tập trận Malabar 2022 cho thấy sự sẵn sàng các nước Bộ tứ (Quad) trong việc chống lại sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tập trận Malabar 2022 của các nước Bộ tứ diễn ra tại Biển Nhật Bản từ ngày 8-18/11. (Nguồn: Twitter)

Cam kết về an ninh hàng hải của các nước cùng chí hướng

Cuộc tập trận hàng hải Malabar 2022 diễn ra ở Biển Nhật Bản từ ngày 8-18/11 với sự tham gia của hải quân các nước Bộ tứ gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Phiên bản lần thứ 26 của cuộc tập trận đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập và do Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản (JMSDF) đăng cai.

Đáng chú ý, nhóm Bộ tứ tham gia cuộc tập trận Malabar 2022 trong bối cảnh hành vi bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Cuộc tập trận Malabar đầu tiên diễn ra vào năm 1992 giữa Mỹ và Ấn Độ. Nhật Bản trở thành bên tham gia thường trực vào năm 2015 và Australia góp mặt vào năm 2020 - đánh dấu lần đầu tiên hải quân 4 quốc gia thành viên Bộ tứ cùng tham gia Malabar.

Theo chuyên gia Simran Walia, sự hiện diện của cả 4 quốc gia thành viên Bộ tứ trong cuộc tập trận Malabar để tăng cường hội nhập và sử dụng các chiến thuật chiến tranh tiên tiến.

An ninh hàng hải nhằm mục đích giải quyết các thách thức liên quan đến cướp biển, buôn lậu và đánh bắt trái phép trong vùng biển quốc tế. Các quốc gia thành viên Bộ tứ cam kết sâu sắc với pháp quyền và phản ứng với các hoạt động bất hợp pháp như vậy.

Malabar 2022 bao gồm huấn luyện chiến thuật cấp cao cũng như tích hợp tàu ngầm cùng với huấn luyện tác chiến chống ngầm và các hoạt động ngăn chặn trên biển.

Một trong những điểm nổi bật chính là cuộc tập trận Chiến tranh trên biển, giúp hải quân các nước củng cố khả năng tương tác và nắm bắt các kỹ năng chiến thuật. Một thỏa thuận hỗ trợ hậu cần giữa các nước Bộ tứ cũng đã được xác nhận trong cuộc tập trận.

Chuyên gia Simran Walia đánh giá, Malabar 2022 là một cơ hội tuyệt vời để các quốc gia có cùng chí hướng trong Bộ tứ hợp tác với nhau nhằm duy trì an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tham gia Malabar 2022, Mỹ triển khai tàu sân bay Ronald Reagan, một tàu tuần dương và một tàu khu trục được trang bị tên lửa dẫn đường, trong khi Nhật Bản cử 3 tàu khu trục, một tàu đổ bộ, một tàu hỗ trợ và một tàu ngầm. Ấn Độ gửi một khinh hạm đa năng và một tàu hộ tống chống tàu ngầm, còn Australia cử một khinh hạm, một tàu hỗ trợ và một tàu ngầm.

Thông qua cuộc tập trận, Nhật Bản có thể nâng cao khả năng của mình và tăng cường hợp tác với hải quân Ấn Độ, Mỹ và Australia. Còn Ấn Độ có dịp thể hiện năng lực tác chiến chống tàu ngầm và lực lượng tác chiến đặc biệt trong sự phối hợp với các thành viên khác của Bộ tứ.

Hàm ý với Ấn Độ trong đối phó với thách thức mang tên Trung Quốc

Mối quan hệ đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới đã được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ ở Tokyo vào tháng Năm. Nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA) liên quan đến việc chia sẻ dữ liệu vệ tinh và cảnh báo các quốc gia Đông Nam Á về các cuộc xâm nhập lãnh thổ; đồng thời cho phép cảnh báo liên quan đến các tàu đánh cá bất hợp pháp và cướp biển trong vùng biển thuộc ranh giới biển của các nước.

MDA sẽ giúp các quần đảo Thái Bình Dương, các đảo ở Ấn Độ Dương và Đông Nam Á giám sát các vùng biển quốc tế và tiếp tục duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Tranh chấp lãnh thổ trên biển của Trung Quốc với các nước như Indonesia, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản và Malaysia càng khiến Bộ tứ tập trung hơn vào việc duy trì an ninh và ổn định trong khu vực.

Tăng cường hợp tác hàng hải ở Ấn Độ Dương đã thúc đẩy Ấn Độ tham gia vào chính sách ngoại giao hàng hải sâu rộng với các quốc gia khác trong Bộ tứ để duy trì một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Ấn Độ đã ở thế phòng thủ trước hành vi của Trung Quốc trong những năm gần đây và có thể xây dựng dựa trên MDA và tăng cường hơn nữa việc vươn ra khu vực.

Sự trỗi dậy của hải quân Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã thúc đẩy cả bốn nước Bộ tứ cùng nhau phát triển các chiến lược chung thông qua các cuộc tập trận quân sự. Tác giả Simran Walia cho rằng, Ấn Độ đặt mục tiêu thách thức các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực với sự hỗ trợ từ Australia, Mỹ và Nhật Bản nhằm duy trì một trật tự dựa trên luật lệ.

Điều quan trọng là duy trì MDA liên tục để thúc đẩy an ninh hàng hải và các quốc gia Bộ tứ có các nguồn lực cần thiết để làm việc đó. Trọng tâm cơ bản của Bộ tứ nên kết hợp với các nỗ lực của MDA thành một bức tranh hoạt động tổng thể để giúp nâng cao nhận thức tình huống về an ninh hàng hải.

Bộ tứ có thể cải thiện phản ứng quân sự đối với an ninh hàng hải bằng cách tổ chức đào tạo về khả năng tương tác giữa các nước thành viên và cả những nước ASEAN. Đáng chú ý, sự tham gia của Bộ tứ ở khu vực Ấn Độ Dương sẽ hữu ích cho việc phát triển hợp tác với các cường quốc hải quân thân thiện khác.

Trong bối cảnh đó, theo chuyên gia Simran Walia, hải quân Ấn Độ phải đẩy mạnh hợp tác với hải quân của Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Australia và Anh để tăng cường khả năng tương tác và có được công nghệ chiến lược quan trọng.


* Tác giả là nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu Sức mạnh không quân ở New Delhi, Ấn Độ. Với bằng thạc sĩ về nghiên cứu Nhật Bản, Simran Walia tập trung nghiên cứu chính trị và chính sách đối ngoại của Nhật Bản và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.