📞

Tập trận quy mô lớn, ông Putin muốn 'khoe cơ bắp' trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ?

Ngọc Hà 15:46 | 14/06/2021
Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trang mạng Bộ Quốc phòng Nga ngày 10/6 cho biết Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đang tiến hành cuộc tập trận hỗn hợp ở khu vực trung tâm Thái Bình Dương.
Ông Putin cho rằng ông Biden 'vô cùng khác biệt' so với ông Trump. (Nguồn: Getty)

Chiêu bài phô trương sức mạnh?

Theo trang mạng của bộ trên, cuộc tập trận này nằm trong kế hoạch huấn luyện của các đơn vị kiểm soát và chỉ huy quân sự trực thuộc Hạm đội Thái Bình Dương trong năm 2021. Tham gia cuộc tập trận ở vùng biển xa này có tới 20 tàu nổi, tàu ngầm và tàu hỗ trợ.

Trong số đó, phải kể đến tuần dương hạm mang tên lửa Varyag, tàu chống ngầm cỡ lớn mang tên Đô đốc Panteleyev được trang bị tên lửa dẫn đường và tàu chiến Nguyên soái Shaposhnikov. Ngoài ra, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga cũng điều khoảng 20 chiến đấu cơ tham gia tập trận, trong đó có máy bay chống ngầm Tu-142MZ và các tiêm kích MiG-31BM.

Bộ Quốc phòng Nga nhấn mạnh, đây là cuộc trận trận “rất xa bờ và nhằm chứng tỏ khả năng liên lạc, phối hợp tấn công trên không, trên bộ và dưới mặt nước”. Bản tin của trang mạng bộ trên không nói cụ thể vị trí của cuộc tập trận mà chỉ nêu “các hoạt động chống kẻ thù giả tưởng” xảy ra ở vùng trung tâm của Thái Bình Dương (Central Pacific).

Đài BBC dẫn định nghĩa của các trang hàng hải quốc tế, thì vùng trung tâm Thái Bình Dương nằm ở phía Bắc của đại dương này, giữa quần đảo Line và quần đảo Marshall, không xa Hawaii của Mỹ.

Cuộc tập trận này diễn ra trước thềm cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Biden và Putin, dự kiến diễn ra tại Geneva vào ngày 16/6 tới.

Theo bình luận của Anthony Zurcher, phóng viên Bắc Mỹ của BBC News, cuộc gặp Biden-Putin sẽ diễn ra “với đầy mâu thuẫn, căng thẳng”. Việc Nga tập trận sẽ không làm “nhẹ đi” tình trạng đối đầu giữa hai quốc gia.

Nga cũng “xoay trục về châu Á”?

Theo trang mạng của ấn phẩm Geopolitical Futures ngày 10/6/2021, cuộc tập trận là dấu hiệu cho thấy Nga đang “xoay sang phía Đông” nhằm củng cố vị trí ở tuyến hàng hải phía Bắc bán cầu đồng thời thể hiện khả năng bảo vệ các đảo xa. Đây cũng cơ hội để Nga tái cấu trúc, nâng cao khả năng tác chiến của Hạm đội Thái Bình Dương hiện có 83 tàu chiến, tàu ngầm.

Thông điệp của Nga nêu ra là Washington xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương thì phải tính đến vị trí cường quốc quân sự của Nga tại đó.

Mặc dù hiện Moscow chưa bày tỏ quan điểm cụ thể và rõ ràng về Trung Quốc, song Moscow và Bắc Kinh gần đây đã tiến hành các tập trận chung hải, lục, không quân chung quy mô lớn. Tuy nhiên, BBC cho rằng Moscow ý thức được vai trò của mình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi nhận thấy mối quan hệ "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" giữa Mỹ và hai đồng minh khu vực là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Đó là lý do vì sao Moscow ngỏ ý muốn bàn thảo với Tokyo về việc đàm phán ký kết hòa ước về lãnh thổ sau Thế chiến thứ II.

Ông Putin vẫn muốn hợp tác với ông Biden

Trả lời phỏng vấn NBC News trước thềm hội nghị với Tổng thống Biden vào tuần sau, Tổng thống Putin cho rằng quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Theo bản dịch những đoạn trích cuộc phỏng vấn được NBC News phát vào ngày 11/6, ông Putin nói: “Chúng tôi có mối quan hệ song phương đã xấu đi tới mức thấp nhất trong những năm gần đây”.

Ngoài ra, ông Putin ca ngợi cựu Tổng thống Donald Trump là “một cá nhân phi thường, tài năng”. Còn đối với Tổng thống Biden, ông Putin cho rằng ông Biden “vô cùng khác biệt so với ông Trump vì ông Biden là một chính trị gia chuyên nghiệp. Ông ấy (Biden) đã dành toàn bộ thời thanh xuân của mình cho hoạt động chính trị".

Khi được hỏi về việc ông Biden gọi ông là “kẻ giết người” trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 3/2021, ông Putin nói rằng ông đã nghe hàng chục lời cáo buộc như vậy, nên không hề "ngạc nhiên". Mặc dù vậy, ông Putin nói rằng có thể hợp tác với ông Biden.

Tại cuộc gặp ngày 16/6 tới, Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ đề cập đến những vụ cuộc tấn công tin tặc đòi tiền chuộc xuất phát từ Nga, việc Moscow gây hấn với Ukraine, việc bỏ tù những người bất đồng chính kiến và các vấn đề khác đã gây xích mích trong mối quan hệ giữa hai nước.

Lúc khởi hành chuyến công du châu Âu kéo dài 8 ngày trong tuần này, ông Biden khẳng định: “Chúng tôi không tìm kiếm xung đột với Nga. Chúng tôi muốn một mối quan hệ ổn định và có thể đoán định được... nhưng tôi đã nói rõ: Mỹ sẽ đáp trả một cách mạnh mẽ và có ý nghĩa nếu chính phủ Nga tham gia vào các hoạt động gây hại”.

(tổng hợp)