📞

Tập trung phát triển doanh nghiệp đầu chuỗi để vực dậy doanh nghiệp trong nước

15:23 | 16/03/2021
TGVN. Cần có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được, tăng khả năng vượt lên sau dịch Covid-19.
Có đến 90% các doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực vì Covid-19. (Nguồn: Nhịp cầu đầu tư)

Dịch Covid 19 tiếp tục có diễn biến khó lường đã và đang tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp (DN). Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để tạo đà cho DN trụ vững trong bối cảnh khó khăn này, cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách, tạo thuận lợi cho các DN tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Một mặt cần tập trung phát triển các DN đầu chuỗi để vực dậy lực lượng DN trong nước thời gian tới.

Khảo sát mới công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có đến 90% các DN bị ảnh hưởng tiêu cực vì Covid-19, con số này cho thấy đây là một tỷ lệ rất cao. Cùng với đó, trong năm 2020 vừa qua dịch bệnh đã làm cho số lượng DN rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục vượt ngưỡng 100.000 DN…

Nhiều gói hỗ trợ của Nhà nước đã kịp thời và phát huy tác dụng. Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn kỳ vọng trong bối cảnh khó khăn này, các gói hỗ trợ cần được tiếp tục triển khai và đi vào thực chất nhằm phát huy tác dụng.

Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh nêu ý kiến, cần có cơ chế hỗ trợ cho nhiều tầng DN. Đối với các DN nhỏ và siêu nhỏ, việc giảm tiền điện sẽ rất đáng quý. Đây không phải là câu chuyện để Nhà nước mất quá nhiều nhưng là một giải pháp tham mưu rất tốt.

“Giảm chi phí đường bộ nhưng lại bắt bất cứ DN nào cũng phải đi ra đường sẽ không hợp lý. Chúng ta hỗ trợ DN từ những cái nhỏ đến cái lớn hơn khi DN kỳ vọng giảm về bảo hiểm xã hội, vấn đề về thuế VAT… là những vấn đề rất thực tiễn đối với nhiều DN”, bà Hiếu nêu ý kiến.

Nhiều chuyên gia kinh tế khuyến nghị, trong bối cảnh khó khăn nhà nước cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ những DN lớn có vài trò dẫn đắt, đầu tàu bị thiệt hại nặng nề do Covid-19. Một mặt tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và tìm cách giảm các chi phí thông qua câu chuyện giá thuê đất, lãi suất tín dụng hoặc giãn các loại phí cho DN… Cần nghiên cứu để giảm thuế VAT, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì được lãi suất thấp nhằm cứu cánh cho cộng đồng DN.

Ông Nguyễn Kim Hùng, quyền Viện trưởng, Viện Khoa học quản trị DN và Kinh tế số Việt Nam nêu quan điểm, Chính phủ cần ban hành một gói kích thích và tăng trưởng kinh tế trong 5 năm tới. Cùng với đó, cần tập trung phát triển các DN đầu chuỗi để có thể vực dậy lực lượng doanh nghiệp trong nước.

“Nếu 1 DN đầu chuỗi giải quyết được vấn đề tỷ lệ nội địa, sử dụng toàn bộ nguyên liệu và dịch vụ trong nước để chế biến sản phẩm sẽ là DN nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng. DN đầu chuỗi sẽ có trách nhiệm đào tạo, đưa ra yêu cầu đào tạo trong trung và dài hạn đối với cộng đồng chuỗi cung ứng của họ. Nếu đạt được điều này ngay lập tức DN phải có cơ chế hỗ trợ”, ông Hùng cho biết.

Trong bối cảnh hiện nay, việc cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài là rất cần thiết, cùng với đó là giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu.

Mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa, nội khối cao.

Có chính sách tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam trụ lại được, tăng khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới.

(theo Nguyễn Hằng/VOV.VN)