Dự án chung này giữa ESA với Cơ quan vũ trụ Nhật Bản (JAXA) có tổng chi phí 1,3 tỷ Euro, với sự tham gia của 33 công ty thuộc 12 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), cũng như các công ty từ Mỹ và Nhật Bản.
Kế hoạch phóng BepiColombo đã bị trì hoãn nhiều lần, nhưng hiện tại việc phóng con tàu không gian này đã gần như chắc chắn được tiến hành vào tháng 10/2018, và BepiColombo sẽ là sứ mệnh đầu tiên của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đến hành tinh gần Mặt Trời nhất này.
Tàu không gian BepiColombo sẽ là sứ mệnh đầu tiên của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đến hành tinh gần Mặt Trời nhất. (Nguồn: BBC) |
Tàu có thiết kế khác thường, gồm một phần phình ra chứa 2 tàu nhỏ - một của châu Âu và một của Nhật Bản. Hai tàu này sẽ tách ra khỏi tàu mẹ khi đến sao Thủy và bay theo hai quỹ đạo khác nhau nhưng bổ sung cho nhau vòng quanh sao Thủy.
ESA cho biết BepiColombo sẽ bám theo các kết quả rất kỳ lạ mà tàu Messenger của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã khám phá, từ đó thám hiểm sâu hơn các bí ẩn trên sao Thủy.
Theo Giám đốc khoa học của ESA Alvaro Gimenez, sao Thủy khác thường nhất trong số các hành tinh đá. Bề mặt của nó đã đổ nát vì sự thay đổi nhiệt độ tới mức cực đoan, từ -180 độ C đến 450 độ C.
Nó cũng có một từ trường và là hành tinh đá duy nhất bên ngoài Trái Đất có từ trường.
Nhưng sao Thủy rất yếu đến mức bề mặt của nó không phải là một cái "khiên" bảo vệ mình khỏi bức xạ Mặt trời.
Quỹ đạo của nó cách Mặt Trời 58 triệu km và bề mặt của nó bị phá nát bởi các tia bức xạ vốn có thể phá hủy mọi dạng sinh vật sống tồn tại trên Trái Đất.
Chính vị trí rất gần với Mặt Trời khiến việc nghiên cứu sao Thủy từ Trái Đất trở nên rất khó khăn, vì cường độ ánh sáng quá cao cản trở khả năng quan sát.
Lực hút mạnh của Mặt Trời cũng gây khó khăn cho một tàu vũ trụ muốn bay trong một quỹ đạo vững chắc quanh hành tinh này.
Nhiệt độ cao cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với các kỹ sư và cả hãng Airbus, và khiến dự án trên bị hoãn lại nhiều lần.
Airbus cho biết họ đã bọc tàu BepiColombo bằng một vật liệu cách nhiệt được thiết kế đặc biệt gồm 50 lớp để có khả năng chịu nhiệt độ cao, trong khi ăngten của tàu được làm từ titan chịu nhiệt, bọc bằng một lớp vật liệu mới chế tạo.
Giám đốc dự án BepiColombo của ESA, ông Ulrich Reininghaus ví chuyến thám hiểm này giống như "bay vào một chiếc lò nướng khổng lồ" mà có thể hứng chịu những hậu quả không mong muốn.
Đến nay, NASA mới thực hiện 2 sứ mệnh tới sao Thủy, do tàu Mariner 10 thực hiện vào những năm 1970, và tàu Messenger đã bay trong quỹ đạo sao Thủy từ năm 2011 cho đến khi hết nhiên liệu vào tháng 4/2015.