Mặt trăng nhìn từ Bắc Kinh. (Nguồn: The Guardian) |
Phát biểu trên Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (CCTV) ngày 9/9, ông Zou Yongliao (Trung tâm nghiên cứu Mặt Trăng, Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc), cho biết: Nhiệm vụ của tàu Hằng Nga 4 là nghiên cứu điều kiện địa chất ở vùng tối của Mặt trăng. Tín hiệu vô tuyến từ Trái Đất không thể truyền tới vùng tối của Mặt trăng, khiến nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng để lắp đặt các thiết bị điện tử cực nhạy mà không lo bị nhiễu.
Ông cũng cho biết thêm, Trung Quốc sẽ lắp đặt một kính viễn vọng vô tuyến trên vùng tối của Mặt trăng nhằm phục vụ các nhà thiên văn học, góp phần giúp con người "lấp đầy lỗ hổng" trong hiểu biết về vũ trụ.
Tàu vũ trụ Hằng Nga 4 của Trung Quốc dự kiến hạ cánh xuống vùng tối của Mặt trăng trước năm 2020. Nếu chuyến thám hiểm này thành công, Trung Quốc sẽ trở thành nước thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Nga, có tàu vũ trụ không người lái hạ cánh trên bề mặt Mặt trăng và đem các mẫu vật trở về Trái Đất. Trung Quốc còn để ngỏ dự định sẽ đưa một nhóm phi hành đoàn lên Mặt trăng trong tương lai không xa.
Năm 2003, Trung Quốc đã đưa phi hành gia đầu tiên của họ vào không gian. Kể từ đó, nước này đã có những bước tiến nhảy vọt về khoa học vũ trụ, bao gồm cả việc xây dựng một trạm thí nghiệm ngoài không gian.
CKT (theo The Guardian)