📞

Tên lửa ATACMS của Mỹ và tên lửa ALCM của Anh: Vũ khí nào sẽ 'về đội' Ukraine?

Xuân Sơn 20:13 | 25/04/2023
Nhằm củng cố năng lực tấn công tầm xa trước lực lượng của Nga, Ukraine đang đứng trước lựa chọn giữa tên lửa ATACMS của Mỹ và tên lửa ALCM của Anh.
Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) được phóng bởi M270. (Nguồn: Wiki)

Các quan chức quốc phòng của Ukraine đang tính đến giải pháp thay thế là tên lửa hành trình phóng từ trên không (ALCM) của Anh, nếu như Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) của Mỹ không được sớm gửi đến đất nước này. Hiện tại, Kiev đã sử dụng hệ thống tên lửa phóng loạt tầm xa (MLRS) và đang thúc giục Washington cung cấp công nghệ ATACMS để đối phó với Nga.

Triển vọng về ATACMS mờ mịt

Tuy nhiên, có ít triển vọng cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ sớm chuyển tiếp vũ khí ATACMS cho Ukraine. Thậm chí, Mỹ trước đó còn miễn cưỡng khi gửi hệ thống MLRS tới Kiev.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3/2023, khi được hỏi về khả năng Mỹ gửi tên lửa ATACMS tới Ukraine, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Mark Miley cho biết: “Hiện tại, chúng tôi không có ý định gửi ATACMS tới Ukraine”.

Ông Mark Miley giải thích rằng, từ góc độ quân sự, Mỹ có tương đối ít tên lửa ATACMS, do đó nước này phải đảm bảo duy trì đủ kho vũ khí, đạn dược của riêng mình. Tuy nhiên, Tướng Miley vẫn khẳng định rằng Washington chưa đi đến một quyết định cuối cùng và ông sẽ không đưa ra dự đoán về bất cứ một vấn đề gì liên quan.

Trong khi đó, theo tờ EurAsian Times, hệ thống ATACMS của Mỹ hoàn toàn có thể được thay thế bằng công nghệ tên lửa ALCM của Anh. Gần đây, Tổng biên tập Oleh Katkovt của tờ Defense Express của Ukaine đã nhận định rằng, chất lượng tên lửa ALCM của Anh thực sự tốt hơn ATACMS của Mỹ, đồng thời khẳng định nó sẽ mang lại khả năng vận hành linh hoạt và chính xác hơn.

Thông số kỹ thuật của tên lửa ALCM. (Nguồn: EurAsian Times)

So sánh giữa hai loại tên lửa

Tên lửa ALCM được phát triển bởi hãng sản xuất tên lửa đa quốc gia MBDA có trụ sở tại châu Âu, loại vũ khí này được thiết kế để phá hủy boongke, cơ sở hạ tầng kiên cố, cũng như các mục tiêu di động hoặc cố định khác.

Trong khi đó, tên lửa MGM-140 ATACMS, được sản xuất bởi hãng Lockheed Martin, cũng sở hữu chức năng tương tự như ALCM, khi chúng có khả năng tiêu diệt các mục tiêu có giá trị cao ở khoảng cách xa.

ATACMS có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên tới 300km, trong khi ALCM có tầm hoạt động vượt ra ngoài phạm vi 560km.

Tuy nhiên, do các hạn chế của chế độ kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), tầm bắn của tên lửa ALCM phiên bản xuất khẩu phải được giới hạn dưới mức 300 km. Vì vậy, theo quan điểm của Ukraine, xét cho cùng thì không có sự khác biệt giữa tầm bắn của tên lửa ATACMS và ALCM.

Trên thực tế, Nga đã vận chuyển hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có tầm bắn 500km và tên lửa hành trình R-500 có tầm bắn 500-2500km tới Belarus. Tổng biên tập tờ Defense Express của Ukaine cho rằng đây minh chứng cho thấy Moscow đã "vi phạm thỏa thuận quốc tế" về việc không được chuyển giao vũ khí tên lửa có tầm bắn hơn 300km.

Theo ông Katkov, điều này mở ra khả năng để Ukraine được nhận vũ khí tên lửa tầm xa với tầm bắn hơn 300km từ các đồng minh của mình và trong trường hợp này, đó có thể là tên lửa ALCM.

Tên lửa ATACMS được trang bị đầu đạn nặng 227kg, nhẹ hơn đáng kể so với đầu đạn nặng 450kg của tên lửa ALCM. Ông Katkov nhận định: “Đầu đạn của tên lửa ALCM lớn gấp đôi ATACMS. Yếu tố này nâng cao khả năng công phá của lực lượng Ukraine trên chiến trường”.

Thêm vào đó, bởi vì tên lửa ALCM được phóng thông qua máy bay quân sự, nên vũ khí này có tính cơ động cao hơn để tiêu diệt mục tiêu bên trong lãnh thổ kẻ thù.

Ngược lại, hệ thống tên lửa ATACMS triển khai trên mặt đất khó đạt được tính cơ động cao như tên lửa ALCM - có thể được vận chuyển khắp 3 hướng Đông, Bắc và Nam bằng máy bay quân sự.

Ngoài ra, ALCM còn được hỗ trợ thông qua đầy đủ hệ thống điều hướng, bao gồm vệ tinh, quán tính và công nghệ so sánh tương quan kĩ thuật số (DSMAC). Dựa trên cơ sở dữ liệu nội bộ về địa hình, hệ thống này sẽ giúp tên lửa di chuyển đúng lộ trình tới mục tiêu.

Tên lửa ALCM có thể được lập trình thời điểm phóng trước khi thực sự bắn đi. Công nghệ này cho phép phi công cho máy bay quay đầu trở về ngay sau khi phóng tên lửa, trước khi họ bị theo dõi và phát hiện bởi hệ thống phòng không của địch.

Tổng biên tập tờ Defense Express nhấn mạnh: “Tương tự như tên lửa JDAM-ER hoặc HARM, vì tất cả dữ liệu về mục tiêu đều được thiết lập dưới mặt đất, nên việc tích hợp tên lửa trở nên dễ dàng hơn. ALCM có thể được phóng bên ngoài khu vực hoạt động của hệ thống tên lửa phòng không và tầm bắn máy bay chiến đấu của Nga”.

Đề cập về những suy đoán trước đây về việc các kỹ sư Ba Lan tích hợp tên lửa ALCM với máy bay ném bom chiến đấu 24M Sukhoi Su của Ukraine, ông Katkov lý giải: “Trên lý thuyết, dòng vũ khí này đã được tích hợp với phần cánh của máy bay chiến đấu Liên Xô và đang có những đồn đoán cho rằng hoạt động tích hợp này chuẩn bị được tiến hành vào mùa Thu năm nay”.

Theo như các báo cáo, vì giá của ALCM khá cao (1,4 triệu USD/chiếc), Ba Lan đã thành công trong việc tích hợp loại tên lửa này với duy nhất một máy bay tiêm kích Su-24 của Ukraine thuộc Lữ đoàn Phòng không Chiến thuật số 7.

Về tính khả thi, ông Katkov cho biết Ukraine có nhiều khả năng nhận được tên lửa ALCM hơn là ATACMS.

“Mặc dù không có thông tin về số lượng tên lửa có sẵn, nhưng dòng vũ khí này đang được sản xuất hàng loạt, và đang được ứng dụng không chỉ ở Vương quốc Anh, mà còn ở Pháp và nhiều quốc gia khác. Do vậy, xác suất nhận được ALCM có lẽ cao hơn ATACMS”, ông Katkov lập luận.

Trước đó, trong bài phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2/2023, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng đã tuyên bố rằng Anh có thể cung cấp cho Ukraine tên lửa ALCM.

“Vương quốc Anh sẽ là quốc gia đầu tiên cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, nhưng sẽ không đi sâu vào chi tiết của nền tảng hoặc hệ thống vũ khí”, Thủ tướng Anh nói.

(theo Eurasian Times)