Tôi còn nhớ ở Hà Nội, thời Pháp thuộc, khá nhiều gia đình trung lưu hay khá giả thường bày trên tủ chè bộ Tam Đa ba ông Phúc, Lộc, Thọ bằng sứ của Tàụ. Nhà xoàng hơn thì treo bức tranh Tam Đa in màu của Thượng Hải. Tết đến, nhiều người treo tranh Tam Đa tô màu của nghệ nhân phố Hàng Trống. Đình chùa thường trang trí chữ Thọ, có khi chữ Phúc, chữ Lộc. Trong ba mơ ước Phúc, Lộc, Thọ có lẽ phổ biến nhất là chữ Phúc, được khắc vào cả các đồ nữ trang bằng vàng, bạc, ngà hoặc thêu trên khăn tay, quần áo lụa là. Nội dung chữ Phúc (hạnh phúc, may mắn), bao gồm cả Lộc và Thọ. Ngũ Phúc là: phú, quý, thọ, khang, ninh. Chữ Phúc tiếng Trung Quốc đọc đồng âm (phu) cũng có nghĩa là con dơi để biểu hiện ước mơ hạnh phúc, do đó, bàn ghế phòng khách nhà sang thường khắc mấy con dơi trong cành lá.
Chữ Phúc với ý nghĩa hưởng thụ vui thú cuộc đời như giàu sang, con cái có lẽ dần dần đã ảnh hưởng Khổng học và Phật giáo, tín ngưỡng dân gian: ở hiền gặp lành, phúc do trời độ cho, do tổ tiên ăn ở có đức để lại, làm phúc tức là thương người. Do đó mà có những khái niệm: phúc ấm, phúc đức, cầu phúc, phúc trạch, phúc phận…
Trong những năm chiến tranh ác liệt và cả những năm thập kỷ đầu hậu chiến, kinh tế khó khăn, người dân Hà Nội ít ai nghĩ đến tự trang điểm và trang trí nhà cửa. Nhu cầu này chỉ bắt đầu xuất hiện và ngày càng phát triển từ sau Đổi mới. Khi đời sống một số tầng lớp thị dân sung túc hơn, khách nước ngoài ngày một đông, các chữ Phúc, Lộc, Thọ xuất hiện nhan nhản ở đồ thêu, nữ trang, sơn mài, đồ gỗ, bức tượng, các thầy đồ mới và cũ có dịp khoe thư pháp “nửa mùa”.
Chữ Phúc vẫn thịnh hành nhất. Nhưng rồi Phúc, Lộc, Thọ cũng chưa đủ, giàu sang đâu phải dễ, mà không hẳn đã mang lại sự thanh thản của hạnh phúc thực khi thiếu tình người. Trước những hỗn loạn của xã hội đồng tiền, mặt trái của kinh tế thị trường, tâm thức khát khao tình cảm chân thực. Do đó xuất hiện ở các cửa hàng chữ Tâm, thường hiểu với ý nghĩa đơn giản là tấm lòng, hoặc chữ Đức để nhắc nhở đạo lý. Người ta cũng hay tặng nhau chữ Nhẫn của nhà Phật.
Ngoài Phúc, Lộc, Thọ, Đức, Tâm, Nhẫn…, có một chữ khác mà người thích “triết lý” nên treo, có khi đã được treo ở chùa. Đó là chữ Duyên, có thể làm hài lòng cả duy vật lẫn duy tâm. Có thể áp dụng chữ Duyên cho cá nhân và tập thể, con người và vũ trụ: nhân duyên và nhân quả. Về phương diện khoa học, chữ Duyên là cơ bản. Không có mối liên hệ nhân quả (nguyên nhân nào thì sẽ mang đến kết quả tương ứng như vậy), định luận (déterminism) máy móc đã không còn đứng vững nữa do sự xuất hiện thuyết tương đối của Einstein, phân tâm học của Freud, cơ học lượng tử, tính xác suất… Như vậy là khoa học thừa nhận ngẫu nhiên, tự do và tất yếu.
Về phương diện Phật học, chữ Duyên có nghĩa sự dính líu, vương víu vào nhau, thường đi với chữ Nhân (nhân duyên). Khái niệm nhân duyên giải thích sinh và diệt. Nhân là nguyên nhân, duyên là điều kiện giúp cho nhân phát triển. Thí dụ: hạt gạo là nhân cây lúa, còn đất, nước, ánh sáng, kỹ thuật trồng là duyên. Nhân duyên là quan hệ biện chứng trong không gian và thời gian giữa các sự vật, trong những quan hệ ấy, không tính đến lớn nhỏ. Một hạt cải nhỏ được tạo thành trên mối quan hệ với cả vũ trụ, nó hòa hợp với cả vũ trụ để tạo nên cả mặt trời, mặt trăng. Một con bướm vỗ cánh ở Bắc Kinh, có thể gây bão táp ở Siberia do ảnh hưởng dây chuyền. Sự việc hư ảo tạm thời: sinh ra vì nhân duyên hòa hợp (thành sắc = có), diệt đi vì nhân duyên tạm rã (= không). Không thật có sinh có diệt, có người có mình, có cảnh, có thời gian và không gian.
Dân gian thường hiểu chữ Duyên theo nghĩa số mệnh, tiền định do Trời, gặp gỡ một sự việc hay một con người (tình duyên, tri kỷ). Thường chỉ cái nhân duyên hai người trai gái gặp nhau, lấy nhau (Đào Duy Anh). Truyện Kiều dùng chữ Duyên đến 43 lần.
Tôi không tin bói toán, tử vi, số phận. Tôi tin vào “ngẫu nhiên khoa học”, cái ngẫu nhiên mà có thể khoa học chưa tính được ra. Có lẽ đến 70% (con số cao thấp hơn tùy trường hợp) cuộc đời của cá nhân, cộng đồng hay vũ trụ do ngẫu nhiên ấy quyết định. Có nhà khoa học tính ra là do ngẫu nhiên mà trái đất tránh được 5, 7 lần suýt nổ tung. Anh đến chậm hay nhanh một chút thì anh không bị bom Mỹ, anh gặp cô này hay gặp cô khác mà lấy làm vợ. Ngẫu nhiên này hay ngẫu nhiên khác khiến anh chọn nghề này hay nghề khác. Như vậy ta chỉ có 30% quyết định được cuộc đời, do tài đức hay âm mưu hèn hạ. Nói vậy hóa ra theo thuyết định mệnh, há miệng chờ sung? Không phải! Vì nếu không có 30% cá nhân cố gắng, thì khi thời cơ đến cũng không thành việc. Kết luận là: nếu cố gắng hết sức mình mà không thành công thì cũng đừng quá buồn, khi thành công thì đừng vỗ ngực. Tết đến, nên chăng treo chữ Duyên ở trong phòng để ngẫm nghĩ về chuyện năm cũ, năm mới để cả năm tâm hồn được bình thản?