Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu dẫn đề Tọa đàm 'Gặp gỡ Nhật Bản - Thái Bình’. |
Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; ông Yamada Takio, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; lãnh đạo các cơ quan, tổ chức, hiệp hội quan trọng của Nhật Bản tại Việt Nam, đông đảo doanh nghiệp và đối tác Nhật Bản.
Điều kiện tự nhiên thuận lợi
Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, phía Bắc Việt Nam. Tỉnh có địa hình bằng phẳng với bờ biển dài 54km, diện tích đất nông nghiệp trên 100 ngàn hecta, rất thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng chế biến nông sản.
Là một vùng đất có bề dày lịch sử, Thái Bình có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng và làng vườn đặc sắc, nhiều công trình văn hóa, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, với hàng trăm lễ hội truyền thống được bảo tồn, phát triển, thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Về nhân lực, Thái Bình có dân số trên 1,9 triệu người; trong đó, số người trong độ tuổi lao động khoảng 1,1 triệu người, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 55%. Trên địa bàn tỉnh có 2 trường đại học lớn (Đại học Y Dược Thái Bình và Đại học Thái Bình); 4 trường cao đẳng và 27 cơ sở dạy nghề.
Về giao thông, Thái Bình kết nối với Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hải Phòng bằng hệ thống đường cao tốc và đường quốc lộ hiện đại, tiết kiệm thời gian di chuyển. Trong giai đoạn tới, khi tuyến đường bộ ven biển hoàn thành sẽ rút ngắn hơn nữa thời gian vận chuyển hàng hóa đến cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, Thái Bình còn có hệ thống các sông lớn bao quanh và Cảng biển Diêm Điền.
Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh với các nhà đầu tư Nhật Bản. |
Đây là những điều kiện tự nhiên hết sức quan trọng để Thái Bình có thể thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Hiện Thái Bình có 4 dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 104 triệu USD. Các dự án đầu tư hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô và may mặc phục vụ xuất khẩu.
Thái Bình cũng có gần 100 doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Nhật Bản. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 260,7 triệu USD, chiếm khoảng 15,2% tổng kim ngạch. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh bao gồm: Khăn bông, xơ, sợi, may mặc, thủy sản, giày dép, thủ công mỹ nghệ…
Những năm gần đây, số lao động của tỉnh đăng ký đi làm việc theo hợp đồng lao động tại Nhật Bản tăng lên (có khoảng 5.200 lao động của tỉnh đang làm việc tại Nhật Bản). Mười tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã đưa 1.400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, trong đó thị trường Nhật Bản là 668 người.
Tỉnh sẵn sàng trải thảm thu hút đầu tư
Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhấn mạnh, tỉnh đã sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản; cam kết cải thiện môi trường đầu tư, đảm bảo thông thoáng, hấp dẫn, minh bạch; rà soát, chỉnh sửa cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vào đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh. “Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo những điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, sản xuất lâu dài tại địa phương”, ông Ngô Đông Hải nói.
Ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình nhấn mạnh, tỉnh đã sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản. |
Đặc biệt, vào tháng 9/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Khu Kinh tế Thái Bình với diện tích tự nhiên trên 30 nghìn ha. Đây là một khu kinh tế đa ngành, đa chức năng.
Thái Bình cũng đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND với nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Khu Kinh tế giai đoạn 10 năm tới. Ngoài ra, tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ, nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Các thủ tục hành chính đã được giải quyết theo phương án “5 tại chỗ” (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả) tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh.
Trong thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, Thái Bình xác định thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Tại Tọa đàm, Thái Bình mong muốn Đại sứ quán Nhật Bản, JETRO, JCCI và các tổ chức của Nhật Bản hỗ trợ, giới thiệu các doanh nghiệp Nhật Bản đến khảo sát, tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư vào Thái Bình, ưu tiên các lĩnh vực: Xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp; công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; chế tạo máy; chế biến, bảo quản thủy sản; đào tạo nghề, trao đổi nhân lực.
Thái Bình cũng mong muốn thu hút nguồn vốn ODA để xây dựng Dự án cảng cạn trung chuyển hàng hóa và hệ thống giao thông kết nối giữa Khu kinh tế Thái Bình với Cảng Lạch Huyện, Hải Phòng.
Tỉnh cũng đề nghị Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp với phía Nhật Bản tổ chức các hội nghị về xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản để giới thiệu các sản phẩm có thế mạnh của hai nước; đồng thời trân trọng mời gọi các doanh nghiệp có mặt tại đây hôm nay về với Thái Bình.
Cũng tại Tọa đàm, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản cũng đã trao đổi và tư vấn để Thái Bình thu hút ngày càng nhiều hơn nhà đầu tư đến từ Nhật Bản.
Ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của Thái Bình với các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản. |
Toàn cảnh Thái Bình kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản tại 'Gặp gỡ Nhật Bản 2020' |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |