Ảnh minh họa (Nguồn: shutterstock) |
Theo ông Apichart Chinwanno, Thái Lan được coi là ứng cử viên sáng giá bởi Bangkok đã đưa ra cam kết mạnh mẽ rằng sẽ đóng vai trò dẫn dắt trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các nước đang phát triển.
“Vị trí này thể hiện lòng tin của cộng đồng quốc tế dành cho Thái Lan và chúng tôi sẵn sàng là “người xây cầu” giữa các thành viên G-77 và Nhóm với các thành viên Liên hợp quốc khác”, Đại sứ Apichart khẳng định.
Ông Apichart, người sẽ trở thành Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan vào tháng tới, cho biết, trên vai trò mới này, Bangkok sẽ thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững mới. Trên cương vị mới trong G-77, ông Apichiart cũng tỏ ra lạc quan về nỗ lực của Thái Lan để trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC), nhiệm kỳ 2017-2018.
“Nếu chúng tôi thành công trong vai trò Chủ tịch G-77 và chứng minh cho cộng đồng quốc tế thấy rằng, chúng tôi có năng lực để bảo vệ những lợi ích của khối thì điều này rõ ràng có lợi cho nỗ lực trở thành thành viên không thường trực của UNSC”, ông Apichart nói. Cuộc bỏ phiếu cho vị trí thành viên không thường trực của UNSC sẽ diễn ra vào tháng 9/2016.
Đại sứ, Đại diện thường trực của Thái Lan tại Liên hợp quốc Virachai Plasai sẽ là Chủ tịch của G-77. Ông Plasai khẳng định, Thái Lan sẽ không sử dụng vị trí Chủ tịch G-77 để vận động hành lang cho vị trí trong UNSC hay những lợi ích riêng biệt nào mà sẽ làm hết sức mình để cùng các nước thành viên đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Thái Lan là một trong những thành viên sáng lập của G-77 năm 1964. Đây là một diễn đàn quan trọng của các nước đang phát triển trong việc bảo vệ lợi ích và hợp tác để cùng các nước phát triển giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng trong khuôn khổ các hoạt động của Liên hợp quốc. Hiện G-77 có 134 thành viên.
Hằng Phạm (theo The Bangkok Post)